Tham dự buổi làm việc có bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình; ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT, lãnh đạo huyện và các trường học của huyện Tuyên Hóa cùng các nhà đầu tư, tài trợ cho chương trình kết nối nguồn lực.
Cơ sở vật chất thiếu thốn và lạc hậu
Tại buổi làm việc, ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết: Những năm qua, tại khu vực miền núi, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất trường học, thiết bị dạy học, đồ chơi mầm non, nhà ở cho giáo viên tuy đã được tăng trường nhưng vẫn còn thiếu thốn và lạc hậu; phòng học bộ môn còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học; nhiều trường chưa đủ điều kiện để tổ chức bán trú cho học sinh mầm non.
Đặc biệt, nhiều điểm trường có tỷ lệ phòng học kiên cố thấp, nhà ở công vụ cho giáo viên còn tạm bợ. Ngoài ra, tại nhiều trường học, nhà vệ sinh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều nơi còn phải dùng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Qua đó, Sở GD&ĐT Quảng Bình đề xuất Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ ban hành Đề án kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2021-2025; các chính sách về công tác vệ sinh trường học; nhân viên vệ sinh, nấu ăn; xã hội hóa vệ sinh môi trường trường học.
Trong đó mục tiêu đưa ra là sẽ kết nối nguồn lực xã hội hỗ trợ 20 trường học thuộc huyện Tuyên Hóa xây dựng, tu sửa trường lớp theo tiêu chuẩn, bảo đảm điều kiện và môi trường học tập an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trũng thấp.
Cụ thể, đề xuất đầu tư xây dựng bổ sung 46 phòng chăm sóc, giáo dục thay thế các phòng đã xuống cấp; xây dựng bổ sung 32 nhà về sinh cho các trường còn thiếu; xây dựng 4 phòng giáo dục thể chất, 4 phòng giáo dục nghệ thuật, 10 phòng đã chức năng cho các trường mầm non trên địa bàn Tuyên Hóa.
Đầu tư cho 5 trường tiểu học trên địa bàn các hạng mục gồm: 30 phòng học thay thế phòng học cấp 4 đã xuống cấp; 5 nhà đa chức năng, 20 phòng học bộ môn; đầu tư bổ sung các hạng mục phục vụ học sinh bán trú. Cùng với đó là xây dựng một số phòng học bộ môn cho 4 trường THCS và 1 trường tiểu học và THCS thuộc dự án kết nối nguồn lực nói trên cũng như mua sắm thiết bị phục vụ giảng dạy.
Tổng kinh phí để thực hiện những đề xuất tại huyện Tuyên Hóa là trên 236 tỷ đồng.
Kết nối để hỗ trợ địa phương và các cơ sở giáo dục
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Dương Thanh Hương, Phó Tổng biên tập Báo GD&TĐ cho biết, đơn vị đã gắn bó, đồng hành với Bộ GD&ĐT trong các hoạt động từ thiện, kết nối nhịp cầu nhân ái, hỗ trợ giáo viên, học sinh và các trường học trong cả nước cũng như làm cầu nối, kết nối mạnh mẽ với các đơn vị doanh nghiệp với các trường học.
“Tại huyện Tuyên Hóa, sau chuyến khảo sát này, chúng tôi cũng sẽ báo cáo, trình lãnh đạo Bộ về nhu cầu, cái cần thiết nhất của các cơ sở giáo dục hiện nay là gì để tập trung đầu tư có hiệu quả. 6 tháng vừa qua, chúng tôi cũng đã đi khắp các miền của Tổ quốc để thực hiện chương trình “Điều ước cho em” và luôn đồng hành để triển khai các chương trình kết nối nguồn lực một cách tốt nhất, hiệu quả nhất”, bà Hương cho biết.
Về phía các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đại diện các đơn vị đều bày tỏ chung quan điểm, “Điều ước cho em” là chương trình thiết thực và cần thiết để hỗ trợ tốt nhất cho các trường học còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp cho biết, sắp tới sẽ đồng hành với Bộ GD&ĐT, tiếp tục giúp đỡ nhiều hơn nữa cho các trường học, giáo viên và học sinh vùng khó khăn khắp mọi miền Tổ quốc.
“Có đi mới thấu hiểu được những khó khăn của các trường ở vùng sâu, vùng xa. Từ đó, những người làm công tác giáo dục như chúng tôi càng phải có trách nhiệm với cộng đồng, học sinh và nhà trường hơn nữa. Qua đây, tôi cũng xin hứa trong thời gian tới phía Tập đoàn sẽ có trách nhiệm hơn nữa trong việc đầu tư, hỗ trợ cho ngành giáo dục”, ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch Tập đoàn GD&ĐT Quốc tế Sydney chia sẻ.
“Mặc dù đã có sự đầu tư rất lớn từ Trung ương và các cấp ban ngành, tuy nhiên vì điều kiện tự nhiên, thời gian xây dựng nên cơ sở vật chất đã xuống cấp và thiếu thốn. Các trường chúng tôi rất mong nhận được sự giúp đỡ của Bộ GD&ĐT, tỉnh Quảng Bình cũng như các doanh nghiệp, nhà đầu tư để nâng cao chất lượng giảng dạy”, thầy giáo Hoàng Văn Thân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Lũ bày tỏ.
Cũng tại buổi làm việc, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch tỉnh cho biết, trong những năm qua, cơ sở vật chất trường học tại địa phương đã được cải thiện, thế nhưng Quảng Bình vẫn là một tỉnh nghèo của cả nước, điều kiện khó khăn, lại thường xuyên gặp thiên tai. Đặc biệt là trận lũ lịch sử tháng 10/2020, tỉnh Quảng Bình thiệt hại khoảng 3.500 tỷ đồng, trong đó ngành giáo dục cũng thiệt hại hết sức nặng nề... Hàng chục ngôi trường tan hoang, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học bị lũ cuốn trôi, hư hỏng nặng.
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình mong muốn trong thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ đồng hành với tỉnh, tiếp tục có các chương trình ý nghĩa để giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hơn cho các trường tại huyện Tuyên Hóa với hy vọng trong tương lai, huyện miền núi này sẽ đổi thay được bộ mặt cơ sở vật chất trường học khang trang, thân thiện.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh, từ những khó khăn mà huyện Tuyên Hóa cũng như các trường học trên địa bàn báo cáo cũng như qua thực tế kiểm tra, khảo sát, đoàn công tác có cách nhìn khách quan và sắp tới sẽ có chương trình làm việc cụ thể tại các điểm trường để từ đó đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ trưởng cho biết, Bộ sẽ kết nối để hỗ trợ địa phương và cơ sở giáo dục xây dựng, sửa chữa trường lớp; đầu tư phòng học, phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học; hệ thống nước sạch, công trình vệ sinh hợp chuẩn và đáp ứng nhu cầu, bảo đảm chất lượng trường lớp, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục; Hỗ trợ nguồn lực để cải thiện bữa ăn học đường, cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc cho trẻ em và học sinh ở tập thể bán trú, nội trú.
Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, y tế học đường, văn hóa ứng xử… cũng được Thứ trưởng Ngô Thị Minh hết sức lưu tâm trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và huyện Tuyên Hóa.