Với 18 vị đỗ đại khoa cùng nhiều cử nhân, tú tài, nho sinh trúng thức dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, dòng họ Nguyễn - Kim Đôi (thành phố Bắc Ninh, Bắc Ninh) để lại cho gia tộc tiếng thơm muôn thủa về truyền thống hiếu học, khoa bảng hàng đầu Việt Nam. Đến hôm nay các thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn - Kim Đôi không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện để viết tiếp những trang vàng lịch sử.
Giáo dục qua trang "sử vàng"
Về làng tiến sĩ Kim Đôi (phường Kim Chân) trong không khí hân hoan chuẩn bị chào mừng 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chẳng mất mấy thời gian khi hỏi về từ đường dòng họ Nguyễn - Kim Đôi bởi sự nổi tiếng khoa bảng.
Kim Đôi xưa thuộc tổng Đạo Chân, huyện Võ Giàng (tỉnh Bắc Ninh) nay là khu Kim Đôi, phường Kim Chân, thành phố Bắc Ninh - còn được gọi làng tiến sĩ. Khu Kim Đôi ngày nay vẫn mang dáng dấp của một làng quê bởi nếp nhà còn hằn theo năm tháng.
Mở chiếc cổng nhà thờ họ, ông Nguyễn Văn Điết (SN 1956), đời thứ 19, trưởng họ dòng họ Nguyễn - Kim Đôi vui mừng cho biết, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như con cháu đóng góp, tu bổ nên cơ ngơi nhà thờ được bề thế và khang trang hơn.
Rót chén trà mời khách, ông Nguyễn Văn Điết kể, Kim Đôi xưa còn có tên gọi là làng Dủi Quan. “Người dân làng thời ấy rất nghèo, làm nghề dủi tôm, dủi cá trên sông Cầu để sinh sống. Nhưng sự học thì khó nơi nào sánh kịp…”, ông Điết bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Điết cùng các cháu học sinh trong dòng họ Nguyễn - Kim Đôi ôn lại truyền thồng dòng họ. |
Ông Điết cho hay, theo các cụ cao niên trong dòng họ kể lại, vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống nề nếp gia phong. Cụ thủy tổ Nguyễn Lung mồ côi từ bé và cụ bà Hoàng Thị Hay sinh được 7 người con trai, 4 người con gái.
Gia đình cụ Nguyễn Lung và cụ bà Hoàng Thị Hay sớm nhận thức rằng, chỉ có con đường học hành khoa cử mới làm rạng danh tên tuổi, tiếp nối truyền thống của tổ tiên.
Thừa hưởng ân đức của tổ tiên, quyết chí học hành cử nghiệp thành danh báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mà các con đều cố gắng tu dưỡng , luyện rèn được thành đạt, các thế hệ con cháu nối nghiệp cha ông khoa cử để làm rạng danh gia tộc.
Vừa chỉ tấm biển gia phả, ông Nguyễn Nam Hùng dòng họ Nguyễn - Kim Đôi vừa giới thiệu, khoa thi năm Bính Tuất 1466, hai cụ Nguyễn Nhân Bỉ khi đó 19 tuổi đỗ tiến sĩ và cụ Nguyễn Nhân Thiếp đỗ tiến sĩ năm 1452 khi mới tuổi 15...
Sau đó, hai cụ được bổ nhiệm làm quan tới chức Binh bộ thượng thư, Lại bộ thượng thư. Hiện tên của các cụ đều được đặt cho các tuyến phố tại thành phố Bắc Ninh…
Tiếp nối những truyền thống hiếu học khoa cử, lớp lớp thế hệ dòng họ Nguyễn làng Kim Đôi đã xây dựng những chương trình khuyến học cho đời sau.
Trong gia phả của dòng họ Nguyễn làng Kim Đôi cũng ghi lại, vào năm 1496, cụ Nguyễn Cung Thuận khi đó là vị tiến sĩ thuộc đời thứ 5 của dòng họ khi về hưu đã hiến 8 sào ruộng và ao để làm quỹ khuyến học cho dòng tộc.
Cùng với đó, cháu nội cụ Thuận là tiến sĩ Nguyễn Năng Nhượng cũng hiến toàn bộ tài sản cho quỹ khuyến học sau khi về hưu.
Ông Nguyễn Sỹ Hùng - Trưởng ban khuyến học dòng họ Nguyễn - Kim Đôi cho biết, theo tài liệu thư tịch cổ và văn bia còn bảo lưu tại di tích. Nhà thờ họ Nguyễn - Kim Đôi được khởi dựng khoảng cuối thế kỷ XV vốn nơi đây là nhà ở của cụ Thủy tổ Nguyễn Lung khi cụ về đây sinh cơ lập nghiệp, lúc đó là cánh đồng Kênh.
Giáo dục truyền thống hiếu học
Tiếp nối những truyền thống hiếu học khoa cử, lớp lớp thế hệ dòng họ Nguyễn làng Kim Đôi đã xây dựng những chương trình khuyến học cho đời sau.
Trong gia phả của dòng họ Nguyễn làng Kim Đôi cũng ghi lại, vào năm 1496, cụ Nguyễn Cung Thuận khi đó là vị tiến sĩ thuộc đời thứ 5 của dòng họ khi về hưu đã hiến 8 sào ruộng và ao để làm quỹ khuyến học cho dòng tộc. Cùng với đó, cháu nội cụ Thuận là tiến sĩ Nguyễn Năng Nhượng cũng hiến toàn bộ tài sản cho quỹ khuyến học sau khi về hưu.
Ông Nguyễn Sỹ Hùng - Trưởng ban khuyến học dòng họ Nguyễn - Kim Đôi phấn khởi cho biết, tháng 1/1989, nhà thờ tổ họ Nguyễn - Kim Đôi vinh dự được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa. Hàng năm vào ngày giỗ tổ 28/2 dòng họ sẽ làm lễ vinh danh cho những người có học hàm, học vị cao và các cháu học sinh có thành tích cao trong học tập.
“Thống kê đến năm 2022 cả dòng họ đã đóng góp thêm 9 tiến sĩ, 43 thạc sĩ, 136 cử nhân đại học. Ngoài ra còn có 60 cháu đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 133 cháu đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố…”, ông Nguyễn Sỹ Hùng chia sẻ và cho biết, không chỉ vinh danh những người con hiếu học, mà những tấm gương vượt khó để vươn lên trong học tập cũng được vinh danh.
Ông Nguyễn Văn Điết và ông Nguyễn Văn Hùng cùng các cháu học sinh trước bảng vàng ghi danh của dòng họ. |
Còn em Nguyễn Thùy Dương – lớp 9 trường THCS Kim Chân (thành phố Bắc Ninh) cho biết, em phấn đấu 3 năm học đều đạt kết quả học sinh giỏi. “Việc học giỏi không chỉ được khen thưởng, mà mỗi dịp được vào nhà thờ họ sẽ rất vinh dự, tự hào để báo cáo thành tích với tiên tổ. Năm học 2022 -2023 em tiếp tục nỗ lực học giỏi để đỗ vào trường THPT Hàn Thuyên…”, Thùy Dương quyết tâm.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Cương Nghị - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Bắc Ninh cho biết, dòng họ Nguyễn - Kim Đôi đóng góp một phần không nhỏ vào thành tích, sự nghiệp giáo dục của thành phố và tỉnh Bắc Ninh.
Theo ông Nghị, công tác khuyến học - khuyến tài, dòng họ học tập làng Kim Đôi nói riêng và phường Kim Chân nói chung được thành lập từ khá sớm.
Qua nhiều năm hoạt động, Ban khuyến học của dòng họ Nguyễn - Kim Đôi đã có nhiều nội dung hoạt động phong phú như tổ chức trao cờ về gia đình có thành tích học tập tốt. Ngoài ra còn tổ chức thăm và động viên các cháu trước các kỳ thi, các cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn..
“Dòng họ Nguyễn - Kim Đôi đã phát huy được truyền thống hiếu học của dòng họ với những thành tích cao trong học tập. Ngành Giáo dục và các cấp chính quyền địa phương khen thưởng cho dòng họ vì thành tích học tập, phấn đấu. Từ mô hình dòng họ hiếu học góp phần giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục...”, ông Nghị nhấn mạnh.