Giáo dục trị liệu không dùng thuốc cho trẻ tự kỷ

GD&TĐ -  Phương pháp trị liệu này không cần dùng thuốc, không cần can thiệp từ ngoài, không cần máy móc y tế đắt tiền, mà chỉ bằng giáo dục đặc thù.  

Giáo dục trị liệu không dùng thuốc cho trẻ tự kỷ

Giáo dục trị liệu

TS Phan Quốc Việt - Trung tâm Tâm Việt cho biết: “Phương pháp trị liệu bằng giáo dục chỉ bao gồm việc dạy các em chơi đúng đắn. Chơi mà học – Học mà chơi – Chơi mà trị. Thông qua việc dạy vận động bằng cách chơi, chúng tôi dạy nhân cách và rèn luyện nhân tài".

Theo đó, các em tự kỷ được đưa vào môi trường cùng chơi rất vui vẻ: Đi xe đạp một bánh tiến và lùi, tung hứng bóng, đội chai nước cân bằng trên đầu – cơ chế Thiền – Rung – Lắc giúp các em cân bằng trở lại, dần thuần tính cách, điều chỉnh hành vi, thiết lập ý thức.

Có thể thấy rằng, phương pháp này “định chuẩn” cho các em về hành vi và tính cách. Hầu hết các em tự kỷ có tiến bộ chỉ sau một tháng trị liệu bằng giáo dục.

Quan trọng nhất trong giáo dục nói chung là phải dạy nhân cách, rèn tính cách. Dựa trên triết lý này, TS Phan Quốc Việt đã thực nghiệm việc giáo dục trẻ tự kỷ qua phương pháp huấn luyện năng lực từ năm 2014 tới nay.

Ông cho rằng, việc dạy đạo đức không thể thông qua bài học thuộc lòng trên lớp mà cần trải nghiệm trong thực tế. Khi trẻ tự kỷ được đưa vào một môi trường sinh hoạt chung, các em được thuần tính cách và điều chỉnh hành vi qua việc tập luyện 3 kỹ năng phối hợp (đi xe đạp 1 bánh, đội chai nước, tung hứng bóng) ít nhất 6 tiếng/ngày.

Qua giai đoạn đầu, khi các em đã định chuẩn được, kỹ năng thành thạo, đã tạo lập được thói quen rèn luyện, thành nhu cầu tự thân, các em được dịch chuyển lên giai đoạn hai, rèn luyện nâng cao, để trở thành xuất sắc.

“Người Việt chúng ta lâu nay còn kém cỏi là do ngay từ đầu chúng ta đã nghĩ “không làm được đâu”. Chúng tôi dạy cách nghĩ xuất sắc, làm việc xuất sắc, làm người xuất sắc ngay từ đầu” – TS Việt khẳng định.

Các em được đi biểu diễn cho cộng đồng, được tham gia các cuộc thi tài năng, được xã hội tôn vinh, điều đó khích lệ các em thay đổi, có nhu cầu được thể hiện mình, trở thành động lực khiến các em phấn đấu vươn lên hàng ngày, tiến bộ từng ngày. Ngày hôm nay phải xuất sắc hơn ngày hôm qua.

Ở giai đoạn thứ ba, các em hình thành sứ mệnh phục vụ cộng đồng, giúp đỡ người khác. Chính các em tự kỷ trong giai đoạn này dịch chuyển lên thành huấn luyện viên, huấn luyện cho các em tự kỷ mới vào nhập học.

Do đồng cảnh, nên các em có trực giác tốt trong phương pháp huấn luyện bạn mới, biết linh hoạt các ứng xử để huấn luyện những em mới tốt nhất. Qua quá trình thực nghiệm để các em tự kỷ tự huấn luyện nhau kỹ năng để phát triển năng lực, TS Phan Quốc Việt phát kiến ra phương pháp “peer coaching” (huấn luyện đồng đẳng).

Trong một cộng đồng các em tự kỷ, “học thầy không tày học bạn”, chính các em tạo nên hệ sinh thái rèn luyện kỹ năng, phát triển năng lực, rèn nhân cách hiệu quả.

Từ “bệnh nhân” thành chủ thể

Với những kết quả đã được chứng minh bằng thực tiễn, khi các em tự kỷ đã trở thành kỷ lục gia, nhà huấn luyện xuất sắc, TS Phan Quốc Việt đã dịch chuyển các em nhỏ tự kỷ từ đối tượng là “bệnh nhân” trở thành chủ thể cần thể hiện.

Khi các em được cài đặt tâm thế xuất sắc, được huấn luyện với phương pháp phù hợp nhất, được tự do thể hiện, thì năng lực sẽ phát huy tối đa, nhân tài được khai phóng.

Nguyễn Khôi Nguyên là trường hợp trẻ tự kỷ thành công điển hình nhờ phương pháp này. Nguyên từng là đứa trẻ phá phách, không có tương lai. Khi phát hiện con bị tự kỷ, gia đình Khôi Nguyên hơn 12 năm rong ruổi mang con đi khắp nơi để chữa trị. Càng đi càng vô vọng.

13 tuổi, Nguyên cao lộc ngộc, không chịu ngồi im, chạy liên tục, một phép toán đơn giản cũng không làm được. Không nhận biết được sáng, trưa, chiều, tối… rất để ý đến sinh lý, liên tục giành đồ của bạn… không trường học nào muốn nhận Nguyên vào học.

Còn Nguyễn Đình Khánh Hưng là đứa trẻ không ngừng gào thét. Cậu học trò bé nhỏ, mặt mũi sáng sủa với cặp kính cận trông rất đáng yêu nhưng tay chân lúc nào cũng bứt rứt, hay chọc phá mọi người, thường xuyên gào thét ăn vạ… 7 tuổi cũng là 7 năm Hưng không ăn cơm, không ăn rau mà chỉ uống sữa Milo, thỉnh thoảng ăn bún và một vài thứ bánh khác.

Khi bắt ăn cơm, Hưng trở lên dữ tợn, gào thét, cào cấu, đạp cả vào người các cô giáo. Bất lực, mẹ Hưng cuối cùng đưa Hưng đến với Trung tâm Tâm Việt.

Ngày 6/5/2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức trao chứng nhận xác lập kỷ lục cho Nguyễn Đình Khánh Hưng, 7 tuổi và Nguyễn Khôi Nguyên, 16 tuổi.

Sau khi xác lập kỷ lục gia Việt Nam với màn đi xe đạp 1 bánh, đội 1 chai tung 8 bóng, Khôi Nguyên tiếp tục chinh phục điều không tưởng: Đứng trên 5 con lăn, đội 1 chai, tung 8 bóng (một kỹ thuật khó có nghệ sĩ xiếc nào làm được) và đi lùi trên xe đạp 1 bánh tung 5 bóng, bịt mắt tung 3 bóng.

Ngày 26/08/2017 Tổ chức Kỷ lục Châu Á đã chính thức trao chứng nhận xác lập kỷ lục Châu Á cho Nguyễn Khôi Nguyên.

Tháng 10/2018 Nguyễn Đình Khánh Hưng và em Triệu Khánh Phương 6 tuổi (học viên nữ tự kỷ của Tâm Việt) đã xuất sắc lọt vào top 5 chương trình “Biệt Tài Tí Hon 2018”.

Ba ví dụ trên là những trường hợp thành công điển hình của phương pháp dịch chuyển trẻ tự kỷ từ bệnh nhân thành chủ thể của giáo dục, dùng giáo dục trị liệu và huấn luyện nhân tài. 

Như vậy, với phương pháp giáo dục trị liệu, có thể cùng một mũi tên trúng hai mục đích, trị liệu thành công trẻ tự kỷ, dịch chuyển các em từ những kẻ bị xã hội coi như bỏ đi, là gánh nặng cho gia đình và xã hội, trở thành chủ thể được thể hiện, thành tài năng được tỏa sáng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ