Một trong những điểm yếu khiến người Việt Nam dù cố gắng lúc này hay lúc khác, thì vẫn mãi loanh quanh trong vòng tròn khó khăn, vẫn mãi “gà què ăn quẩn cối xay”, là bởi vì hầu hết chúng ta thiếu tính tự kỷ luật.
Chúng ta ai cũng biết, cái người khó dạy bảo nhất trên đời, là chính mình.
Đất nước Israel và Thụy Sỹ, hay Hàn Quốc có một điểm chung trong việc rèn ý chí cho những doanh nhân lớn, đó là việc đưa tất cả đàn ông vào quân đội. Sau khi được rèn luyện trở thành con người toàn diện trong môi trường quân đội, những quân nhân này ra đời, khởi nghiệp kinh doanh, với kỷ luật thép, ý chí vàng, cùng một giá trị tuyệt vời, đó là vốn quan hệ sâu sắc với những người đồng đội trong quân ngũ.
Sau này, khi làm kinh doanh, đi bất cứ nơi nào, gặp bất cứ khó khăn gì, họ đều liên lạc với nhau để hỗ trợ nhau. Sự kết nối chặt chẽ, niềm tin tưởng vào nhau, năng lực hỗ trợ tối đa và hết mình, đã trở thành một giá trị hiếm có, mà chỉ những doanh nhân, trưởng thành trong quân đội mới có, để biến thành năng lực cạnh tranh trên thương trường.
Trong một lần, tôi tới Ngôi nhà Tâm Việt, nơi huấn luyện cho hơn 40 học trò tự kỷ, và ngạc nhiên xiết bao trước hình ảnh một bé gái chừng 7 tuổi, xinh đẹp, ngây thơ như một nụ hồng nơi góc vườn mùa xuân, tự ra đường chạy với chiếc xe đạp một bánh sớm nhất, thậm chí khi thầy cô còn chưa đến, để một mình lặng lẽ đạp xe.
Sự nhẫn nại, nụ cười hiền tỏa nắng, sự thành thục trong động tác đi xe đạp một bánh của bé gái này khiến tôi sững sờ. Đó mà là một em bé tự kỷ hay sao? Tự kỷ đồng nghĩa với hành vi bất thường, đồng nghĩa với phá phách, đồng nghĩa với việc luôn phải có người mạnh mẽ ở bên để không chế… Vậy mà em bé này, ung dung tươi cười, đạp xe như múa trên đường chạy, không cần ai thúc giục, không cần ai ép buộc.
Sự tự kỷ luật ở em đã nhuyễn vào tiềm thức, thành thói quen, thành nhu cầu không thể thiếu. Cứ sáng sớm là cần lấy xe đạp ra đường chạy, đạp xe một mình, trước tất cả mọi người, tự nhiên như hơi thở vậy.
Tôi in mãi hình ảnh ấy trong ký ức của mình, thấy rằng đó là một tác phẩm nghệ thuật sống tuyệt nhất mà mình thu được trong chuyến đi thực tế này.
Khi hỏi ra, tôi được biết tên thân mật của bé gái là Su (Triệu Khánh Phương). Bé được coi là công chúa của Tâm Việt, vì vẻ ngoài xinh xắn, ngây thơ đáng yêu, được tất cả thầy cô, và các phụ huynh ở đây thương quý.
Nhưng đặc điểm đáng nể phục nhất ở Su, là tính tự kỷ luật. Tại nơi này, dù có bất cứ điều gì khó khăn xảy ra, dù có bài toán cuộc đời hóc búa nào chưa thể giải được, thì mọi người chỉ việc nhìn vào bé Su, nhẫn nại và tươi vui đạp xe trên đường chạy là đã có thể trút đi nỗi lo, để tin tưởng rằng, cứ biết tự kỷ luật như Su, cứ có bản năng làm việc như Su, thì tất cả mọi thách thức trên đời đều có thể vượt qua.
Một trẻ tự kỷ mà đã rèn được thói quen tự kỷ luật cực kỳ khó như vậy, thì tại sao chúng ta, những người có lý trí, lại không thể làm được?
Có nhiều người, ước vọng thật lớn, muốn tạo nên doanh nghiệp triệu đô, muốn là tỷ phú, muốn được cả nước nể phục, được thế giới biết tên, nên quyết liệt khởi nghiệp kinh doanh. Tuy nhiên khi gặp một khó khăn quá lớn, không thể vượt qua nổi, đã thoái chí rút lui, sống đời bỏ đi, vật vờ. Đó là thiếu ý chí.
Có người kinh doanh thành công lẫy lừng rồi, được báo chí tung hô, được nhiều người ngưỡng mộ, thì đã vội nghĩ mình quá tài giỏi, mình quá giàu có, mình có quyền hưởng thụ, và thế là sa đà vào thói ăn chơi, tiêu tùng cuộc đời vào những cám dỗ, cuối cùng việc kinh doanh bê bết, phá sản. Đó là người thiếu tính căn bản nhất của người thành công: tính tự kỷ luật!
Dùng biện pháp kỷ luật là thất sách. Đưa ra phương pháp kỷ luật ở bất cứ tổ chức nào cũng bị ghét, hoặc sợ, vì đó chỉ là cách ép buộc. Hãy tạo thói quen tự kỷ luật cho mỗi người.