Cô giáo dạy trẻ tự kỷ Kim Dung: Thầy là người cha, nơi dạy học là nhà

GD&TĐ - Sau này, khi đã hội đủ mọi điều kiện, cô giáo Lê Kim Dung sẽ mở cơ sở dạy trẻ tự kỷ tại quê nhà ở Nghệ An, để thay đổi nhận thức của xã hội, rằng các em không phải là thứ bỏ đi, không là gánh nặng cho xã hội, các em cần một môi trường phù hợp để phát triển và tỏa sáng. Ước mơ đó của cô giáo trẻ thật đẹp, thật lạ và thật ý nghĩa.

Cô giáo dạy trẻ tự kỷ Kim Dung: Thầy là người cha, nơi dạy học là nhà

Quyết định quan trọng nhất

Dung đã ấn tượng mạnh với Trung tâm Tâm Việt nhờ hai chị của mình từng làm việc ở đây thời sinh viên. Dù sau này, khi tốt nghiệp ra trường, các chị của Dung đã đi làm nhưng mỗi khi sinh nhật Tâm Việt, đều trở về để chúc mừng TS Phan Quốc Việt, người thầy lớn nhất của cuộc đời họ, khiến cuộc đời họ thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Tốt nghiệp loại giỏi khoa Công nghệ thông tin Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, nhưng khi nghe các chị ruột của mình kể về thầy Việt, Dung rất tò mò, và cũng muốn được theo học thầy, bằng cách xin vào Trung tâm Tâm Việt để làm việc.

Điều khiến cô cử nhân trẻ đến quyết định có phần khác thường này, còn bởi khi đang là sinh viên, Kim Dung đã thích tham gia các hoạt động đoàn, hội. Cô cũng được kết nạp Đảng ngay khi còn trên giảng đường. Năm 2012, Kim Dung là 1 trong 10 nữ sinh viên CNTT tiêu biểu toàn quốc được Bộ KHCN tặng bằng khen.

Ban đầu, khi đến với Trung tâm Tâm Việt, Kim Dung xin được làm việc ba tháng để học thầy Việt và triết lý của thầy. Hết ba tháng, cô xin thêm sáu tháng nữa, rồi một năm, và cuối cùng cô quyết định làm việc luôn ở đây. Cho đến bây giờ, Dung mừng vì mình đã có một quyết định quan trọng nhất, đến trung tâm dạy trẻ tự kỷ và gắn bó với nơi này, cô xác định, đây là nhà mình và thầy Việt là cha.

Nhìn những em bé tự kỷ phá phách, tự đập đầu gây chấn thương cho mình, hoặc đánh người, ném đồ bất thình lình, việc huấn luyện các em vô cùng khó khăn, bố mẹ Dung hay bất cứ ai đều nghĩ rằng công việc này quá vất vả, cực nhọc, thậm chí nguy hiểm, không ổn định và chẳng có tương lai. Gia đình cũng vận động Dung nghỉ việc ở đây để tìm công việc khác gần nhà ở Nghệ An. Nhưng thật ngạc nhiên khi Dung chia sẻ rằng, cô thấy công việc là một cô giáo dạy trẻ tự kỷ cũng bình thường như bao việc khác mà thôi. Quan trọng là do góc nhìn và cách nhìn, mà điều này Dung học được từ người thầy lớn của mình là TS Phan Quốc Việt, rằng khi thực sự yêu công việc mình làm, tập trung vào công việc thì chẳng có việc gì là khó khăn, vất vả. “Làm việc ở đây, vừa được chơi với trẻ con suốt ngày, vừa được trả lương, thì còn gì sung sướng cho bằng!” – Dung cười, cho biết cách nghĩ thú vị của cô.

Ước mơ đẹp và ý nghĩa

Không như những thầy cô giáo ở các trường học thông thường, thầy cô giáo trong trung tâm huấn luyện trẻ tự kỷ Tâm Việt được phân công ngủ cùng các con. Cô Dung được bố trí ngủ cùng các em gái. Một số người hỏi Dung rằng, ban đêm cô có ngủ được không, khi các em nhỏ tự kỷ thường thức dậy nhiều lần ban đêm, tiêu, tiểu khó kiểm soát, Dung cho biết cô vẫn có thể ngủ, vài lần thức dậy ban đêm kiểm tra hoặc hỗ trợ các em thì cũng đã quen rồi, giống như các bà mẹ có con nhỏ luôn thức dậy ban đêm vài lần rồi lại ngủ tiếp đó thôi. Đó là việc bình thường, chẳng ảnh hưởng gì tới sức khỏe. “Cả ngày tôi được huấn luyện các con ngoài trời, hoạt động thể chất tích cực nên đêm đến cứ đặt mình xuống giường là ngủ, ngủ rất sâu, rất ngon” – Dung cho biết một lợi thế khác khi làm cô giáo tại Tâm Việt.

Dung được phân công làm “mẹ” của em Mít, em Hà Chi. Được làm mẹ của con, thì thật xúc động. Cô không chỉ được theo sát em ngày đêm, huấn luyện em đi xe đạp một bánh, đi tiến thành thạo thì đi lùi, tiếp đó vừa đi xe đạp một bánh, vừa đội chai nước trên đầu cân bằng, vừa tung hứng ba quả bóng. Việc huấn luyện kỹ năng phức tạp và khó này là để giúp các em dần kết nối đường truyền thần kinh, phục hồi trí tuệ. Bên cạnh đó, Dung còn dạy các em học nói, đọc chữ, học cách tự chủ trong các sinh hoạt đời thường, vệ sinh cá nhân… Và phần thưởng vô giá cho việc làm mẹ, đó là tình yêu của các con. Những cái ôm siết thật chân thành, thật lâu, những nụ hôn, ánh nhìn tha thiết của các con dành cho người mẹ trẻ, cô giáo Lê Kim Dung là những tấm huy chương vô hình lặng lẽ, hàng ngày gắn cho cô. Một số phóng viên đã gọi vui Dung và những cô giáo trẻ tại đây là những “người mẹ trẻ chưa chồng đông con”. Quả vậy, chẳng mất công sinh, mà lại có những đứa con yêu mình chân thành. Điều đó chỉ có được ở trung tâm này.

“Sống ở trung tâm, các con tiến bộ nhanh mà bản thân các “mẹ”, các “bố” cũng trở nên tốt hơn. Khi mình cần dạy bảo ai đó điều gì, thì mình phải là tấm gương, bản thân mình phải phát triển, nâng cấp mình lên. Đơn cử việc muốn các con đi ngủ từ 9 giờ tối, thì mình cũng phải đi ngủ, phải tắt điện thoại và lên giường. Trước kia, ở nhà thì “con”, “mẹ” đều thức tới 1 hoặc 2 giờ sáng, rất không có lợi cho sức khỏe. Nay ở trung tâm, ngủ sớm dậy sớm, nề nếp sinh hoạt điều độ khiến các “bố”, “mẹ” và các con đều khỏe về thể chất, tiến bộ về tinh thần và trình độ” – Dung cho biết.

Tại trung tâm này, có những em nhỏ tự kỷ đã tiến bộ thần tốc, trở thành kỷ lục gia như Khôi Nguyên, Khánh Hưng, vậy TS Phan Quốc Việt và các thầy, cô như cô Kim Dung ở trung tâm đã dùng phương thuốc “thần thánh” nào vậy?

“Thực ra, không có phương thuốc thần thánh nào, ngoài cách rèn tập thật quy củ” – cô Dung chia sẻ - “Có những em hình thành thói quen xấu là liên tục lục đồ để tìm sữa bột, tìm muối ăn hết cả hộp, có em quen đập đầu chảy máu lênh láng, có em lại quen đánh người, thậm chí thầy giáo Nghị ở trung tâm còn bị trò tự kỷ tấn công bất thình lình không đỡ kịp, phải đi khâu vài mũi… Những thói quen xấu đó của các em đã hình thành qua cả chục năm, giờ muốn thay đổi thì phải kiên nhẫn và rèn tập quy củ, lấy thói quen mới đè lên và xóa thói quen cũ”.

Niềm vui nhân lên

Khi vào sống và học tập trong trung tâm, mỗi con được một “bố” hoặc “mẹ” mới chăm sóc, theo triết lý riêng của TS Phan Quốc Việt là “Vừa yêu thương, vừa kỷ cương”, khi “bố”, hoặc “mẹ” nào gắn bó với con quá, yêu con quá mà nhẹ kỷ cương, khiến con nhờn, nhũng nhiễu, phụ thuộc… thì lập tức thầy Việt sẽ yêu cầu đổi “bố”, “mẹ”. Dung cũng từng làm mẹ của em Mít, sau đổi sang em Hà Chi.

Chính sự tiến bộ trông thấy hàng ngày của các con khiến Dung có thêm động lực, tin tưởng vào con đường đã chọn của mình. Dung có thể say sưa kể về những trường hợp tiến bộ như em Tấn “đánh đầu” – khi ở nhà thì liên tục đánh đầu, nhưng khi đến trung tâm được hai tuần đã giảm được thói xấu này đến 80%, em Nam có năng khiếu kể chuyện hay, thường đứng lên bục kể chuyện trong các lễ sinh nhật của bạn, em Tuấn Minh hát tiếng Anh rất hay, từng biểu diễn trước 1.200 bạn học sinh ở một nhà trường phổ thông trong một hoạt động hòa nhập xã hội…

Từng ngày một, Dung quan sát và tích lũy kinh nghiệm, kiến thức đào tạo trẻ tự kỷ, để biết tìm ra hoàn cảnh, môi trường giúp các em tỏa sáng. Một câu nói của thầy Việt đã ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ của Dung “Thầy có thể không công bằng, nhưng ông trời luôn công bằng. Con muốn gì thì phải nói ra, đừng chờ đợi!”. Dung biết, cô cần ở bên thầy lâu hơn nữa để học tập, học tư duy, và định hướng đi chắc chắn cho mình, tìm ra sứ mệnh của mình. Sau này, khi đã hội đủ mọi điều kiện, Dung sẽ mở chi nhánh Tâm Việt tại quê nhà mình ở Nghệ An, để tạo một môi trường phù hợp nhất phát triển các em nhỏ tự kỷ tại đây. Thay đổi nhận thức của xã hội về trẻ tự kỷ. Rằng các em không phải là thứ bỏ đi, không phải là gánh nặng cho xã hội, các em cần một môi trường phù hợp để phát triển và tỏa sáng. Ước mơ đó của cô giáo trẻ thật đẹp, thật lạ và thật ý nghĩa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ