Giáo dục trẻ ý thức giữ gìn môi trường khi đi dã ngoại

GD&TĐ - Việc gìn giữ cảnh quan sạch đẹp khi đi cắm trạ, dã ngoại trở thành một phần trong công cuộc bảo vệ môi trường cần dạy trẻ từ sớm.

Trẻ dọn rác sạch sẽ sau mỗi chuyến picnic sẽ tăng thêm ý thức bảo vệ môi trường và yêu thiên nhiên. Ảnh minh họa.
Trẻ dọn rác sạch sẽ sau mỗi chuyến picnic sẽ tăng thêm ý thức bảo vệ môi trường và yêu thiên nhiên. Ảnh minh họa.

>>> Dạy con ứng phó với nguy hiểm khi đi dã ngoại

>>> Vì sao dã ngoại tốt cho trẻ?

>>> Bài học thiết thực từ dã ngoại - Kỹ năng cần khi đi dã ngoại cho trẻ

Giúp trẻ nâng cao ý thức

Thông thường, mỗi chuyến đi dã ngoại của trẻ thường mang theo nhiều đồ ăn vặt, nước uống… Do đó, trẻ cũng dễ dàng xả rác trong quá trình khám phá thiên nhiên.

Việc trẻ vứt rác đúng nơi quy định chính là góp phần cải thiện môi trường sống, giúp không gian sống trở nên sạch sẽ. Hiểu được điều này, trẻ sẽ có ý thức tốt, đồng thời lan tỏa ý thức này tới những người khác, đặc biệt là ở những khu dã ngoại.

Chị Lê Thu Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gia đình chị thường tổ chức cắm trại vào cuối tuần. Điều khiến mọi người khó chịu là trước khi dựng lều, trải thảm thì luôn phải dọn rác của những người đến trước đó xả ra nên ảnh hưởng tới tâm trạng trong chuyến đi.

Theo chị Thảo, thói quen lạm dụng đồ nhựa sử dụng một lần trong mỗi chuyến picnic ngắn khiến rác thải ở những khu dã ngoại ngày một nhiều. “Trong khi, không hiếm hình ảnh trẻ đi dã ngoại thường “tiện tay” xả rác ở chính nơi mình ngồi, trên đường, bờ hồ... hoặc bất cứ đâu….”, chị Thảo nói.

Hiện, nhiều nhà trường rất coi trọng việc tổ chức dã ngoại cho các em học sinh. Do đó, cha mẹ và thầy cô cần giúp con hiểu được ý thức và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên trong mỗi chuyến đi chơi, đặc biệt là không xả rác bừa bãi, dọn sạch trước khi ra về.

Anh Hoàng Hữu Phương (Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết: Với mong muốn giúp các con có tuổi thơ đúng nghĩa, giảm thiểu tối đa việc tiếp xúc với các thiết bị thông minh và được khám phá vẻ đẹp, sự hùng vĩ của non nước, được hòa mình với thiên nhiên, từ khi nghỉ hè, gia đình tôi thường xuyên đi picnic.

Mỗi chuyến đi, chúng tôi thường cùng các con dọn sạch rác xung quanh những nơi cắm trại trước khi ra về… Điều này đã hình thành thói quen cho trẻ khi tham gia dã ngoại cùng nhau và chúng nhất định không để lại rác bừa bãi ở nơi mình đã đến.

Theo cô giáo Đào Hương Lan (Trường Tiểu học Yên Nghĩa, Hà Nội), các vỏ lon nhôm và rác đều không tốt khi bị đốt, chúng là các chất gây ô nhiễm không khí và đất khi cháy; và vỏ hoa quả cũng mất nhiều thời gian để phân hủy sinh học. Ngay cả khi đã sử dụng hầu hết các chất liệu phân hủy sinh học, điều đó cũng không có nghĩa rằng được phép bỏ lại rác của mình. Điều quan trọng là khi rời khu cắm trại, nó phải trông sạch sẽ vẹn nguyên.

Với trẻ nhỏ, có thể vì con không biết phải vứt rác đúng nơi quy định và điều đó vô thức ảnh hưởng đến môi trường như thế nào. Chính vì vậy, cha mẹ phải giáo dục ý thức cho con về việc vứt rác đúng nơi quy định từ sớm và rèn thường xuyên để thành một thói quen.

Con sẽ bối rối khi đứng trước những thùng rác phân loại: Rác có thể tái chế, rác không tái chế, rác cần được xử lý đặc biệt. Người lớn hãy làm gương và hướng dẫn con cách phân loại các loại rác và cho con thực hành đối với những chai nước nhỏ, túi ni lông hay viên pin cũ…

“Thực tế, việc dọn rác đôi khi là trải nghiệm vô cùng thú vị với trẻ nhỏ, chỉ cần cha mẹ biết cách và cùng con thực hiện như một trò chơi, trẻ sẽ coi điều này là một phần trong chuyến đi”, cô Lan chia sẻ.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Cùng con dọn rác

Với người lớn, điều gì sẽ xảy ra khi những người tới trước bạn cũng để lại tất cả rác của họ ở khu dã ngoại? Thay vì bắt tay vào những công việc vui chơi khám phá thiên nhiên, bạn phải bắt đầu với việc dọn dẹp bãi chiến trường của người khác quả thật sẽ khiến nhiều người khó chịu. Điều này cũng sẽ làm mọi người trong đoàn chán nản hoặc mất đi sự thư giãn.

Vì thế, hãy giữ gìn vệ sinh cẩn thận và đừng xả rác bừa bãi. Hãy mang thêm túi vải để đựng tất cả những đồ thừa trong chuyến đi khi trở về nhà. Đồng thời hãy hướng dẫn các thành viên đi cùng, nhất là trẻ nhỏ.

Theo cô Lan, khi cả gia đình đi nghỉ mát hay picnic, hãy cùng trẻ dọn dẹp khu vực mà mình đã chơi. Muốn con hợp tác, cha mẹ cũng nên giải thích cho trẻ biết rằng bãi biển, khu rừng này chính là ngôi nhà của rất nhiều sinh vật tuyệt đẹp nên mình cần phải giữ gìn.

Tuy nhiên, tùy từng độ tuổi khác nhau mà cách tiếp thu của trẻ cũng không giống nhau. Với trẻ nhỏ ở độ tuổi mầm non cần sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Khi đứng trước bất kì thắc mắc nào của trẻ, hãy giải thích chậm rãi, kỹ lưỡng, sử dụng những hình ảnh có liên quan đến môi trường xung quanh, hoặc dễ hình dung để trẻ có thể hiểu được.

“Bước đầu trong quá trình giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non có thể sẽ rất khó khăn vì bé còn khá lạ lẫm với những khái niệm này. Vì vậy, cha mẹ cần kiểm soát cảm xúc thật tốt và kiên nhẫn với trẻ. Bên cạnh đó, trong bất cứ hoạt động nào liên quan đến việc dạy trẻ bảo vệ môi trường, người lớn hãy làm cùng con, như cùng sắp xếp đồ đạc, cùng tưới cây, cùng đổ rác...”, cô Lan nói.

Cũng theo cô giáo này, trước mỗi chuyến dã ngoại, bố mẹ hãy ghi danh sách những thức cần dùng, bao gồm một túi đựng rác. Khi đến điểm vui chơi, có thể nhìn mọi thứ xung quanh và xác định khu vực gần thùng rác, nhắc nhở con cần dọn dẹp sạch sẽ và bỏ rác vào thùng rác sau khi ăn uống, vui chơi.

“Giữ gìn vệ sinh môi trường là trách nhiệm của mỗi người. Không bao giờ là quá sớm để nói chuyện với trẻ nhỏ các vấn đề môi trường như ô nhiễm, sản phẩm tái chế hoặc vứt rác thải bừa bãi. Đặc biệt, tại các thành phố lớn, trẻ nhỏ đã quá quen thuộc với hình ảnh rác thải trên vỉa hè, trên bãi cỏ, trên mặt đường. Do đó cần dạy trẻ vứt rác đúng nơi quy định ngay từ hôm nay để các em có ý thức bảo vệ môi trường sống, đặc biệt là ở nơi công cộng hay những chuyến dã ngoại”, cô Lan nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ