Nhiều tai họa rình rập trẻ khi dã ngoại

GD&TĐ - Không ít phụ huynh đã tâm sự: “Mỗi lần con đi dã ngoại cùng trường, là cả buổi họ đứng ngồi không yên.

Nhiều tai họa rình rập trẻ khi dã ngoại

Chỉ khi nào cô giáo nhắn tin tất cả trở về trường an toàn, các chị mới thôi lo lắng...”. Vẫn biết ngoại khóa là một trong những hoạt động nằm trong chương trình học tập của học sinh, nhưng làm thế nào để hoạt động này vừa ý nghĩa và an toàn là điều mà các bậc phụ huynh mong muốn.

Những sự việc đau lòng

Hàng năm, nhiều vụ việc đáng tiếc liên quan tới vấn đề đi dã ngoại của học sinh đã xảy ra, để lại nỗi thương tâm, sự dằn vặt trong những người thân. Những câu nói “giá như” được đưa ra, nhưng đã quá muộn khi sự việc vượt quá tầm kiểm soát của người lớn. Những ngày đầu năm 2015, giáo viên, phụ huynh và học sinh Trường Tiểu học Phước Thạnh, Q.9, TPHCM không khỏi kinh hoàng trước cái chết của em Lâm Nguyễn Quốc Bình 10 tuổi, HS lớp 4 của trường. Em ra đi với lý do bị ngạt nước, khi tham gia chuyến dã ngoại của trường, tại công viên nước Đầm Sen ngày 9/1. Đây không phải tai nạn hy hữu xảy ra trong những chuyến học ngoại khóa, dã ngoại của các nhà trường.

Chiều 28/9/2014, 35 học sinh lớp 12A4 Trường THPT Vũ Văn Hiếu, phường Hà Tu, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tham gia dã ngoại, tắm biển tại bãi tắm Khu du lịch Mai Quyền. Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, có 6 em học sinh đã bị đuối nước. Hai em học sinh là Lê Ngọc Mai (SN 1997, trú tại phường Hà Phong) và Nguyễn Tiến Dũng (SN 1997, trú tại phường Hà Tu) đã thiệt mạng. Bốn học sinh còn lại cũng bị đuối nước nhưng đã được quần chúng nhân dân cứu kịp thời và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Đồn. Một số người dân cho biết trong lúc đang tắm, 1 học sinh bị thụt xuống hố hút cát cũ. Thấy vậy, cả nhóm học sinh đã nhao theo tìm cách cứu bạn và sự việc đáng tiếc đã xảy ra…

Cần trang bị kỹ năng cho trẻ

Trước những tai nạn đáng tiếc của học sinh trong những buổi đi tham quan dã ngoại cùng trường, nhiều phụ huynh đã có thái độ kiên quyết không cho con tham gia các hoạt động tập thể đó. Chị Quỳnh Như công tác tại Công ty máy tính (Hà Nội) cho biết: Nhà chị có một con gái duy nhất, nên trước những vụ việc bất an xảy đến đối với học sinh khi đi tham quan, khiến chị không dám đăng ký cho cháu tham gia những chuyến hoạt động ngoại khóa nữa. Vẫn biết thế là thiệt thòi cho con, nhưng thà cháu phải ở nhà nhưng được an toàn, còn hơn không may gặp phải những điều rủi ro.

Tâm sự về vấn đề này, chị Thu Hà ở Lò Đúc (Hà Nội) cũng bày tỏ: Ngày các con còn nhỏ, mỗi lần nhà trường tổ chức cho con đi chơi ngoại khóa, anh chị thường đăng ký với cô giáo để được đi cùng quản lý chăm sóc con. Bởi theo chị, nếu một lớp 40 - 50 học sinh mặc dù có thêm hướng dẫn viên du lịch cũng không thể yên tâm hết được.

TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Tiểu học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Nên có ngày toàn dân đưa trẻ ra đường, để nâng cao kỹ năng sống cho trẻ. Nếu trẻ được dạy dỗ nghiêm túc, tìm hiểu kỹ càng, trẻ thường không dám những biểu hiện hiếu động thái quá trong các chuyến dã ngoại.

Cũng theo TS Vũ Thu Hương, có một thực tế, khi nuôi dạy con cái, các bậc phụ huynh thường có tư tưởng luôn lo sợ rằng con không làm được việc này, việc kia, khiến trẻ đâm tự ti, dẫn đến thất bại. Tuy nhiên khi trẻ được trải nghiệm, học hỏi từ thực tế, trẻ sẽ tự tin và biết cách xử lý khi phải ứng phó trước các tình huống.

“Để đảm bảo an toàn cho trẻ trong những chuyến đi dã ngoại cần có sự chuẩn bị chu đáo đối với cả học sinh và thầy cô. Song điều quan trọng hơn, đó là hàng ngày thầy cô và bố mẹ phải trang bị cho các em những kỹ năng trong cuộc sống, để các em có thể biết linh hoạt giải quyết trong những tình huống mình gặp phải”. TS Vũ Thu Hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.