Bồi đắp lòng tự hào dân tộc
Trong tháng 12, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", các trường học trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho học sinh.
Cô Hoàng Thanh Thủy - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nhằm ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc và kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, nhà trường đã tổ chức chương trình giao lưu giữa các nhân chứng lịch sử với học sinh tại sân trường. Các em được nghe những người cựu chiến binh kể về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc. Điều này vô cùng có ý nghĩa trong bối cảnh ngày nay.
Chia sẻ tại đây, Đại tá Hoàng Văn Tiến – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Đống Đa, nguyên cán bộ Lữ đoàn không quân 98 cho biết, ngày 18/12/1972, đế quốc Mỹ mở chiến dịch tập kích đường không chiến lược bằng “Pháo đài bay” B52 vào miền Bắc Việt Nam, trọng tâm là Thủ đô Hà Nội.
Để thực hiện chiến dịch mang tên “Linebacker II”, đế quốc Mỹ đã sử dụng một lực lượng khổng lồ gồm máy bay ném bom chiến lược B52, máy bay chiến thuật cùng nhiều tàu chiến và tàu hỗ trợ khác gây nhiều thiệt hại cho quân dân Hà Nội, nhằm làm lung lay ý chí của dân tộc Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Trần Tuyên - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa trao quà cho sinh tại buổi giao lưu. |
Tuy nhiên, với ý chí thép và khối óc sáng tạo, quân và dân miền Bắc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã đập tan mưu đồ của địch, lập nên chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; bắn rơi 34 máy bay ném bom chiến lược B52 - biểu trưng cho uy thế của Không lực Hoa Kỳ, chiếm tỷ lệ lên tới 17% (34/197 chiếc).
Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa cũng cho hay, nhà trường đã tổ chức cuộc thi "Rung chuông vàng" cho học sinh để chào mừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Học sinh tham gia rất nhiệt tình với nhiều câu hỏi thú vị liên quan đến chiến thắng lịch sử này cũng như truyền thống anh hùng của quân đội nhân dân Việt Nam.
"Qua đây, chúng tôi muốn giáo dục cho học sinh về lịch sử dân tộc, lòng tự hào về Thủ đô anh hùng. Các em ý thức được giá trị của hoà bình, độc lập được đánh đổi bằng bao xương máu, hi sinh của các lớp cha ông đi trước để thêm yêu Tổ quốc ngày nay. Đồng thời tạo khát vọng phấn đấu học tập và rèn luyện, bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho các em, tiếp tục sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế" - thầy Nguyễn Cao Cường nhấn mạnh.
Học sinh Trường THCS Thái Thịnh hăng hái tham gia cuộc thi "Rung chuông vàng" về chủ đề chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" ngay tại sân trường. |
Khẳng định giá trị của hòa bình
Là một trong những nhân chứng lịch sử quan trọng của chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội năm 1972, Trung tướng - Anh hùng LLVTND Phạm Tuân không thể quên được những kí ức hào hùng của quân dân ta khi đó.
Theo lời của Trung tướng Phạm Tuân, giữa năm 1972, ông là 1 trong 12 phi công được chọn để đào tạo lái máy bay tiêm kích bay đêm, chuẩn bị cho việc đánh B-52. Mỗi lần kể về ký ức này, trong lòng ông lại trào dâng niềm tự hào và xúc động. Ông tâm niệm, chiến thắng đó là để bù đắp cho những hi sinh, mất mát của bao đồng đội, đồng bào ta đã anh dũng hòa mình cùng với đất trời để bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng này.
Vào khoảng 22h ngày 27/12/1972, cất cánh từ sân bay dã chiến ở Yên Bái, ông đã điều khiển máy bay Mig-21 dùng chiến thuật “đi thấp kéo cao” để tránh rada của máy bay địch. Khi dẫn đường mặt đất thông báo còn cách phi đội địch khoảng 8-9km, phi công Phạm Tuân bất ngờ kéo cao rồi tăng tốc, vọt lên trên hai tốp máy bay F-4 hộ tống và áp sát máy bay B-52 ở khoảng cách gần 4km.
Trung tướng Phạm Tuân kể lại những ký ức thời chiến tranh cho thế hệ trẻ nghe để hiểu hơn về truyền thống anh hùng của cha ông ta. |
Chỉ huy mặt đất lệnh bắn nhưng ông chờ thêm vài giây cho cự ly gần hơn, cách chừng 2-3km, ông tắt rada và các thiết bị liên lạc để B-52 không phát hiện đang bị theo sát. Sau đó, phi công Phạm Tuân lập tức phóng 2 quả tên lửa không đối không tiêu diệt một chiếc B-52 trên vùng trời phía Tây Hà Nội rồi bay trở về căn cứ an toàn.
Cô Nguyễn Thị Chanh - Trường Tiểu học Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) cho hay: "Được trực tiếp trò chuyện, nghe chia sẻ về những kí ức oai hùng của một thời bom đạn từ anh hùng phi công Phạm Tuân thực sự là một điều may mắn đối với tôi.
Công tác giáo dục đạo đức, truyền thống dân tộc luôn được ban giám hiệu nhà trường chú trọng và triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau. Qua việc được gặp các nhân chứng lịch sử, thế hệ trẻ chúng tôi càng thấm nhuần truyền thống yêu nước và như được tiếp thêm động lực để trao truyền tinh thần đó tới các em học sinh".
Đại tá Nguyễn Trần Tuyên - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa khẳng định, chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta trong chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện tinh thần, ý chí và trí tuệ Việt Nam. Để có được chiến thắng lịch sử này, đó là sự lãnh đạo tài tình của Đảng, toàn dân và toàn quân, mà nòng cốt là lực lượng phòng không - không quân. Giá trị của hòa bình ngày nay cần được tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới thế hệ trẻ.