Giáo dục Tiểu học Hà Tĩnh với đổi mới căn bản và toàn diện

GD&TĐ - Giáo dục tiểu học là cấp học nền móng của hệ thống giáo dục quốc dân, đây là cấp học vô cùng quan trọng để hình thành và phát triển nhân cách con người. Vì vậy nếu giáo dục tiểu học được triển khai tốt, chắc chắn, đúng hướng sẽ có tác động một cách bền vững tới các cấp học, bậc học tiếp theo. Giáo dục tiểu học là cấp học nền móng của hệ thống giáo dục quốc dân, đây là cấp học vô cùng quan trọng để hình thành và phát triển nhân cách con người. 

Một góc trong giờ ra chơi (Trường TH Cẩm Bình, Cẩm Xuyên)
Một góc trong giờ ra chơi (Trường TH Cẩm Bình, Cẩm Xuyên)

Vì vậy nếu giáo dục tiểu học được triển khai tốt, chắc chắn, đúng hướng sẽ có tác động một cách bền vững tới các cấp học, bậc học tiếp theo.

Với tầm quan trọng đó, thời gian qua, Sở GDĐT Hà Tĩnh đã tích cực thực hiện đổi mới công tác quản lý chỉ đạo, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của giáo dục trong nước và quốc tế đối với giáo dục tiểu học, để từng bước đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Để thực hiện định hướng dạy học theo NQ 29 “từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh”, Sở GDĐT Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: triển khai đại trà dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ Giáo dục, phương pháp “Bàn tay nặn bột”, dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới; vận dụng các thành tố tích cực của Mô hình trường mới học Việt Nam; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí và dạy học; thực hiện giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục, điều chỉnh tài liệu học tập và tổ chức các hoạt động giáo dục.

Xác định đội ngũ CBQL và giáo viên là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công đổi mới giáo dục và đào tạo, Sở GDĐT Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL và giáo viên.

Tiêu biểu là các hoạt động: đọc, viết và giải bài trên các tạp chí viết về giáo dục – hoạt động này dẫn đầu cả nước; hoạt động trao đổi chuyên môn trên trang mạng “Trường học kết nối”, Diễn đàn giáo dục tiểu học Hà Tĩnh; sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học.

Các hoạt động này đã có tác động tích cực trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL và giáo viên tiểu học.

Nét nổi bật của giáo dục tiểu học Hà Tĩnh trong những năm qua, bên cạnh việc áp dụng thành công các phương pháp, mô hình dạy học mới là việc tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục, hoạt động trải nghiệm, dạy học gắn với thực tiễn cuộc sống.

Có thể kể ra các hoạt động như: Giao lưu Tuổi thơ khám phá; khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ tích cực cho học sinh tham gia các sân chơi trí tuệ như:

Tìm kiếm tài năng toán học trẻ (Hội Toán học Việt Nam); Trạng Nguyên nhỏ tuổi; giải Toán qua thư (tạp chí Toán Tuổi thơ 1); giải đố, viết văn trên tạp chí Văn Tuổi thơ, Tạp chí Thế giới trong ta, Nhi đồng Chăm học, Thiếu niên Tiền phong; viết thư UPU; Ý tưởng trẻ thơ; ...; lồng ghép các trò chơi dân gian, các hoạt động vui chơi giải trí tích cực, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, dân ca ví, giặm vào các chương trình, các hoạt động của Đội; phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội cha mẹ học sinh,... tổ chức các chương trình “Vui Tết trung thu”, “Hội chợ tuổi thơ”, “Ngày hội đọc sách”, “Ngày Tết quê em”,...

Đặc biệt, hoạt động ngoại khóa tiếng Anh, Câu lạc bộ tiếng Anh, Giao lưu tiếng Anh đã trở thành phong trào rộng khắp ở các trường tiểu học.

Hoạt động trải nghiệm (Trường TH Cương Gián 2, Nghi Xuân)
Hoạt động trải nghiệm (Trường TH Cương Gián 2, Nghi Xuân)

Với các hoạt động thiết thực trên, các thầy cô giáo đã tạo được hứng thú, sự đam mê, hấp dẫn cho học sinh trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục và học tập; các em được trải nghiệm, được vận dụng những kiến thức đã học ở nhà trường vào thực tiễn cuộc sống, giúp các em có thêm niềm vui, sự hiểu biết, kĩ năng sống và tình yêu quê hương, đất nước.

Song song với việc thực hiện tốt các mô hình dạy học mới, tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục, giáo dục tiểu học Hà Tĩnh còn có những cách làm mới, sáng tạo của riêng mình, đó là:

Đưa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào các trường tiểu học

Nhằm tôn vinh và phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh - một trong các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Sở GDĐT Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng Kế hoạch số 196/KH-SGDĐT ngày 09/02/2015 về Kế hoạch đưa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào trường tiểu học. Đến nay, các Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm cấp trường đã được thành lập và hoạt động nề nếp; phong trào còn lan tỏa đến các trường THCS và THPT.

Xây dựng quy hoạch, mở rộng diện tích các nhà trường

Để việc quy hoạch và xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mang tính ổn định, bền vững và có tầm nhìn chiến lược dài lâu, tránh lãng phí trong quy hoạch xây dựng cơ bản, Sở GDĐT đã ban hành Công văn số 1548/SGDĐT-GDTH ngày 17/12/2013 về việc quy hoạch và xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.

Theo đó, Sở GDĐT yêu cầu các Phòng GDĐT chỉ đạo các trường tiểu học thực hiện việc quy hoạch trường từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo và xây dựng phòng giáo dục thể chất, nhà tập đa năng, bể bơi, sân chơi, bãi tập đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục tiểu học.

Đến nay, các trường tiểu học đã xây dựng xong quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; nhiều trường đã mở rộng thêm được diện tích với tổng diện tích được mở thêm là trên 39.000m2; toàn cấp học có 113 nhà giáo dục thể chất từ 120m2 trở lên, 60 nhà tập đa năng từ 200m2 trở; 01 bể bơi kiên cố, 22 bể bơi thông minh và 04 sân cỏ nhân tạo đạt chuẩn.

Xây dựng thư viện trường học

Thiết lập và tổ chức hoạt động thư viện hiệu quả là một giải pháp hết sức quan trọng hướng đến khả năng tự học của học sinh. Với tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Sở GDĐT đã chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng và tăng cường tổ chức hoạt động thư viện ở các trường tiểu học.

Cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức Room to Read, CI, Sách hóa nông thôn, đến nay, sau 3 năm thực hiện, toàn tỉnh đã có 123 thư viện được công nhận danh hiệu Thư viện Tiên tiến và 44 thư viện được công nhận danh hiệu Thư viện Xuất sắc, mỗi thư viện đều có diện tích từ 80m2 trở lên. Nhiều trường tiểu học đã đầu tư xây dựng thêm Thư viện xanh để mở rộng không gian đọc và tổ chức tốt các hoạt động thư viện.

Hoạt động thư viện đã trở thành phong trào rộng khắp trong các trường tiểu học, góp phần hình thành văn hóa đọc trong nhà trường và nâng cao chất lượng giáo dục.

Những hoạt động đổi mới trên đây thật sự đã góp phần làm cho giáo dục tiểu học Hà Tĩnh phát triển một cách bền vững, là bước đi đầu tiên khả quan, thực sự có ý nghĩa tiếp cận mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT mà Nghị quyết số 29 của BCHTW khoá XI đã chỉ ra.

Hành trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang ở chặng đường đầu, việc tiếp cận cái mới, tiên tiến từ bỏ cái cũ, cái không còn phù hợp là rất khó khăn. Khó khăn hơn là làm sao thực hiện thành công cái mới mà đạt được kết quả như mong đợi, đó là tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục.

Trên hành trình đổi mới và vượt khó này để thành công đòi hỏi sự nổ lực rất lớn của các nhà quản lý giáo dục, đặc biệt đội ngũ hiệu trưởng, giáo viên. Bên cạnh đó không thể thiếu sự đồng thuận, sự chung tay, tham gia tích cực của toàn xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.