Phát triển hài hòa thể chất và tinh thần
Theo Dự thảo, Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới, môn Giáo dục thể chất (GDTC) được xây dựng dựa trên nền tảng lý luận và thực tiễn, cập nhật thành tựu của khoa học thể dục thể thao và khoa học sư phạm hiện đại.
CT môn GDTC được thiết kế theo cấu trúc vừa đồng tâm vừa tuyến tính phù hợp với tâm - sinh lý lứa tuổi và quy luật phát triển thể lực của học sinh (HS). Thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi HS; vận dụng các phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với đặc điểm của môn học và hỗ trợ việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực vận động ở HS.
CT môn GDTC sẽ mang tính mở, tạo điều kiện để HS được lựa chọn các hoạt động phù hợp với thể lực, nguyện vọng của bản thân và điều kiện của nhà trường; đồng thời tạo điều kiện để các trường xây dựng kế hoạch phù hợp với yêu cầu giáo dục, điều kiện thực tế và đặc điểm cụ thể của HS địa phương.
Cùng đó, môn GDTC trong CT GDPT mới đặt ra những mục tiêu chung như: Phát triển các năng lực chăm sóc sức khỏe, vận động cơ bản và thể dục thể thao nhằm phát triển các tố chất thể lực của HS; giúp HS phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần. HS có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành công dân có trách nhiệm, người lao động có sức khỏe, văn hóa, cần cù, sáng tạo…
Ở bậc tiểu học, CT môn GDTC cũng đặt ra những mục tiêu riêng như: Giúp HS có kỹ năng vận động đúng, hình thành thói quen tập luyện. HS biết giữ vệ sinh thân thể và chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh môi trường để phát triển thể chất phù hợp với độ tuổi... Lên THCS, môn GDTC giúp HS tiếp tục củng cố và phát triển các kỹ năng vận động cơ bản; thói quen tập luyện thể dục thể thao, thực hiện các hoạt động thể chất một cách tự tin; phát triển thể chất; biết tự chăm sóc sức khoẻ…
Với bậc THPT mục tiêu đặt ra là giúp HS biết lựa chọn môn thể thao phù hợp để rèn luyện sức khoẻ; phát triển hoàn thiện thể chất; biết điều chỉnh chế độ sinh hoạt và tập luyện… Đặc biệt, thông qua hoạt động thể dục thể thao trong và ngoài nhà trường, HS có ý thức tự giác, sống có trách nhiệm, tự tin, trung thực, dũng cảm… từ đó có những định hướng cho tương lai, đáp ứng xu thế hội nhập toàn cầu.
Môn GDTC trong CT GDPT mới sẽ giúp HS phát triển hài hòa thể chất và tinh thần. Ảnh: T.G |
Cần thiết có SGK
TS Nguyễn Văn Thành - Trường CĐ Sư phạm Nghệ An - thành viên ban phát triển CT môn GDTC thuộc CT GDPT cho rằng: Với mục tiêu đặt ra, SGK môn GDTC lần đầu tiên trong CT GDPT mới chắc chắn sẽ đáp ứng được nội dung, CT môn học GDTC ban hành theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT. Đồng thời đáp ứng hết các tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT.
TS Nguyễn Văn Thành cũng khẳng định sự cần thiết có SGK GDTC. Bởi theo ông, môn GDTC trong CT GDPT mới có SGK dành cho HS thể hiện sự bình đẳng giữa các môn học với nhau trong CT. Mặt khác, trong CT mới, môn GDTC được thiết kế 3 mạch nội dung: Kiến thức chung về GDTC (Kiến thức về vệ sinh tập luyện; đảm bảo an toàn trong tập luyện; sử dụng các yếu tố môi trường, tự nhiên trong tập luyện…); Vận động cơ bản gồm các nội dung: Đội hình đội ngũ; bài tập thể dục; các vận động cơ bản đi, chạy, nhảy, ném…; Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và nhà trường, HS được định hướng lựa chọn một môn thể thao phù hợp để tập luyện. Do đó, việc có SGK môn GDTC là cần thiết, đó là tài liệu giúp HS tự học để có những kiến thức cơ bản nhằm đạt hiệu quả cao trong quá trình tập luyện.
SGK môn GDTC cũng sẽ là tài liệu để phụ huynh tham khảo, hướng dẫn cho HS tự tập luyện ở nhà hoặc biết chuẩn bị các điều kiện thiết yếu cho con trong tập luyện TDTT. Ví như, khi chơi bóng rổ, bóng bàn, bóng đá… cha mẹ phải đảm bảo điều kiện an toàn cho con như thế nào từ áo quần, giày, vật dụng hỗ trợ.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT cho rằng, thực hiện theo Thông tư 32, các môn học có trong CT thì phải có SGK. Vì vậy, CT mới sẽ buộc phải có SGK môn Thể dục theo đúng quy định và bình đẳng với các môn học khác.
Để đáp ứng được yêu cầu chung, đòi hỏi GV môn GDTC ứng dụng nhiều phương pháp giáo dục mới. Ảnh: T.G |
Không còn là nỗi ám ảnh của học sinh
Với chủ trương phát triển thể thao trong trường học không thuần túy là phong trào mà là nền tảng để phát triển thể chất con người, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã chủ trương cho HS các trường THCS, THPT tự chọn phân môn thể dục phù hợp với sở thích, năng lực của mình và điều kiện thực tế của nhà trường.
Thầy Lê Đình Lựu – GV Thể dục, Trường THPT Ngô Quyền (TP Đà Nẵng) cho biết: Trước đây, khi chưa tổ chức dạy học tự chọn cho HS, những em có thể trạng yếu thì các phân môn như chạy bền, nhảy cao… trở thành nỗi ám ảnh. Chưa kể, trong 3 năm phổ thông, cho dù phải học nhiều phân môn nhưng HS lại gần như không thành thạo hoặc giỏi một môn nào. “HS không có thời gian để thực hành, giáo viên giới thiệu kỹ thuật xong là hết giờ nên không khơi gợi được cho HS sự đam mê, thích thú đối với môn học. Ví dụ như, với phân môn cầu lông, theo phân phối chương trình, năm lớp 10, các em sẽ chỉ có 7 tiết, lên lớp 11 và 12 có thêm một tiết nữa là 8 tiết mỗi năm”, thầy Lê Đình Lựu nhận định.
Theo ông Hồ Anh Dũng – chuyên viên Phòng Giáo dục Phổ thông, phụ trách bộ môn Thể dục thể thao, Sở GD&ĐT Đà Nẵng, thể dục là môn khoa học dạy theo năng khiếu của HS, việc cho học liên tục một môn trong suốt cả cấp học theo sở thích giúp các em hình thành kỹ năng và thuần thục môn thể thao mình yêu thích. Trên cơ sở đó, việc phát triển phong trào, chọn được vận động viên có chuyên môn, cải thiện thể trạng của HS thuận lợi hơn.
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ trong một buổi họp với ngành GD-ĐT Đà Nẵng rằng thà học sinh bẩn do chơi thể dục thể thao mà khỏe, còn hơn sạch sẽ mà yếu, còi. Và sân tập ở các trường không cần phải đầu tư lớn, không cần phải làm cho hoành tráng dẫn tới lãng phí mà đầu tư đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Từ năm học 2017 – 2018, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt và triển khai đầu tư xây dựng 21 sân thể thao tại các trường học.
Quy mô các sân sẽ tùy theo diện tích của mỗi trường. Với các trường có diện tích sân nhỏ sẽ tập trung đầu tư sân chơi bóng chuyền, bóng đá, cầu lông. Trường có diện tích rộng có thể đầu tư sân thể thao tổng hợp. Mức đầu tư thấp nhất là 200 triệu đồng/sân cho đến 2,7 tỷ đồng/sân bao gồm cả dụng cụ tập luyện. Theo lộ trình của đề án, đến năm 2019, sẽ xây dựng thêm 25 sân thể thao tại các trường học trên địa bàn.
“Với quan điểm các hoạt động thể thao trong học đường là nền tảng để nâng cao thể chất cho HS – lứa tuổi đang phát triển là vô cùng cần thiết, các sân tập ở các trường học đều được đầu tư đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn” – bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết.
Xóa bỏ quan niệm về môn học phụ
TS Đặng Ngọc Quang - Chủ biên CT môn GDTC nhấn mạnh: Trong CT GDPT mới, môn GDTC có vai trò rõ rệt và khẳng định được tầm quan trọng trong việc giáo dục con người phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực trong giai đoạn mới của Việt Nam.
Làm rõ thêm vai trò của GDTC, một loạt minh chứng được TS Đặng Ngọc Quang đưa ra: Ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. Sau khi giành được độc lập cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tầm nhìn chiến lược về tương lai của đất nước Việt Nam. Người cho biết, một dân tộc muốn có được sự ổn định, phát triển và thịnh vượng thì phải dựa trên nhiều yếu tố. Trong đó nền tảng sức khỏe của toàn dân là điều kiện tiên quyết không thể thiếu.
Bên cạnh đó, Luật Thể dục, thể thao được công bố năm 2006 đã quy định rõ về GDTC và thể thao trong nhà trường. Theo đó, GDTC là môn học chính khóa thuộc CT giáo dục nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản cho người học thông qua các bài tập và trò chơi vận động, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với GDTC và thể thao trong nhà trường; trách nhiệm của nhà trường với công tác GDTC và thể thao.
Đáng lưu ý, Nhà nước có chính sách dành đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho GDTC và thể thao, bảo đảm đủ giáo viên, giảng viên thể dục thể thao cho các bậc học. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao xây dựng CT GDTC, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên thể dục thể thao, hướng dẫn nội dung hoạt động thể thao ngoại khóa trong và ngoài nhà trường. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc xây dựng cơ sở vật chất… UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quy hoạch đất đai, xây dựng cơ sở vật chất, nhà tập đa năng, bảo đảm trang thiết bị, dụng cụ thể thao…
Hơn nữa, trong CT GDPT hiện hành, cũng như ở CT GDPT mới, môn GDTC là môn học bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Ở các lớp học, bậc học cao hơn, môn Thể dục (hiện hành), môn GDTC mới tiếp tục là chương trình học bắt buộc trong các trường từ trung cấp, đến CĐ, ĐH trên toàn quốc. Trong khi đó, nhiều môn học khác chỉ được học ở một số lớp học, cấp học nhất định, chứ không được học một cách có hệ thống từ tiểu học, THCS, THPT đến các trường trung cấp, CĐ và ĐH.
“Như vậy, GDTC là môn học được sự quan tâm toàn diện của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cũng như các cấp, các ngành. Như thế đủ biết vai trò, tầm quan trọng, giá trị, sự ảnh hưởng và lan tỏa của môn Thể dục (hiện hành), môn GDTC trong Chương trình GD mới đến sự phát triển toàn diện cho học sinh lớn như thế nào” – TS Đặng Ngọc Quang chia sẻ.