Nâng cao tầm vóc, thể trạng HS được thực hiện ra sao?

GD&TĐ - Những năm qua, việc rèn luyện thể chất, nâng cao thể trạng, tầm vóc cho đối tượng học sinh trong trường học được coi trọng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, tại các trường học vùng cao, miền núi, công tác giáo dục thể chất, nâng cao thể trạng cho học sinh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bữa ăn bán trú Trường PTDT Bán trú THCS xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng.
Bữa ăn bán trú Trường PTDT Bán trú THCS xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng.

Cải thiện chất lượng bữa ăn bán trú

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em thông qua bữa ăn học đường hợp lý là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030. Do đặc thù của vùng cao, nên phần lớn các trường học trên địa bàn Lào Cai tổ chức mô hình trường học nội trú, bán trú.

 Ban giám hiệu nhà trường trực tiếp nhận, kiểm tra thực phẩm tại bếp ăn mỗi sáng. Nhà trường cũng mượn của xã một khoảng đất trống để các em học sinh tự trồng rau, cung cấp một phần rau xanh cho bữa ăn bán trú. Bữa ăn cho học sinh, nhờ vậy vừa đủ dưỡng chất, lại vừa đảm bảo an toàn. 
Thầy giáo Phạm Thanh Tùng, Hiệu trường Trường PTDT Bán trú THCS xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng chia sẻ 

Khắc phục những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh phí, các nhà trường đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh, đảm bảo dưỡng chất để các em phát triển tốt về thể chất, có sức khỏe hoàn thành tốt chương trình giáo dục toàn diện.

Cô giáo Phạm Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai cho biết: “Thực đơn nhà trường xây dựng phải căn cứ vào nhu cầu calo 1 ngày của trẻ theo Thông tư 28/2016/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về chế độ dinh dưỡng trong trường mầm non. Thực đơn này cũng được chúng tôi thay đổi theo mùa để trẻ ăn ngon miệng, thực phẩm được ngon sạch”.

HS Trường THPT số 2 Bảo Thắng trong giờ thể thao
HS Trường THPT số 2 Bảo Thắng trong giờ thể thao 

Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất

Bên cạnh việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho các em học sinh, công tác giáo dục thể chất cũng là một nội dung được các nhà trường đặc biệt quan tâm. Tại nhiều trường học vùng cao Lào Cai, các em nhỏ được rèn luyện thể chất mỗi ngày thông qua những hoạt động ngoại khóa bổ ích: Tập thể dục giữa giờ, hát múa, chơi các trò chơi dân gian.

Tại Trường THPT số 2 huyện Bảo Thắng, nhờ những đổi mới trong cách dạy, cách học, mỗi giờ học thể dục của nhà trường không còn nhàm chán, mà trở nên đầy hào hứng. Giáo dục thể chất không còn là môn phụ trong suy nghĩ của cả giáo viên và học sinh.

Thầy giáo Lưu Văn Dũng, giáo viên GDTC – GDQP, Trường THPT số 2 Bảo Thắng cho biết: Ngay từ đầu năm học, chúng tôi có phiếu khảo sát phân loại, lên kế hoạch giảng dạy cho phù hợp với điều kiện của trường và nguyện vọng của các em. Em nào thể hình nhỏ có thể chơi cầu lông, đá cầu, em nào có thể hình tốt thì chơi bóng chuyền, bóng rổ…

Đặc biệt, Trường THPT số 2 Bảo Thắng cũng đã quan tâm đến việc tăng cường các hoạt động thể dục thể thao trong trường học thông qua việc xây dựng các hoạt động thể thao thường xuyên, đưa các môn thể thao truyền thống vào hoạt động ngoài giờ lên lớp của nhà trường. Những câu lạc bộ thể thao theo sở thích của các em học sinh được thành lập và hoạt động sôi nổi là minh chứng trong thành công của công tác giáo dục thể chất của nhà trường.

Em Nguyễn Mạnh Cường, học sinh lớp 12A3, Trường THPT số 2 Bảo Thắng cho biết: Không chỉ tham gia chơi bóng trong các giờ học ngoại khóa, em cùng các bạn trong câu lạc bộ của trường còn được đi giao lưu thi đấu với các trường khác, tại các địa phương khác. Những hoạt động này giúp chúng em rất hào hứng tham gia vào phong trào rèn luyện thể chất ở nhà trường. Sức khỏe từ đó cũng được cải thiện đáng kể.

Vượt qua rất nhiều khó khăn, ngành Giáo dục Lào Cai trong những năm qua đã nỗ lực tìm giải pháp nâng cao tầm vóc, thể trạng cho học sinh, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi Đề án 641 của Chính phủ, là tiền đề để đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.