Giáo dục Thanh Hoá vươn lên để hội nhập

GD&TĐ - Phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hóa luôn giữ vững là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về chất lượng GD&ĐT.

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa tại Hội nghị quán triệt tinh thần hội nghị Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa tại Hội nghị quán triệt tinh thần hội nghị Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng  khoá XI ngành Giáo dục Thanh Hoá đã bước đầu đạt được những thành tựu đáng ghi nhận về mọi mặt nhờ đẩy mạnh đổi mới để nâng cao chất luợng dạy và học. Đặc biệt, một trong những nội dung được lãnh đạo ngành giáo dục quan tâm là đổi mới công tác quản lý giáo dục.

Thanh Hoá có tổng số 27 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có 11 huyện miền núi (7 huyện đặc biệt khó khăn), 6 huyện vùng biển, 7 huyện trung du và đồng bằng. Với 2.176 trường học (gần một triệu học sinh, sinh viên), 92 cơ sở đào tạo nghề, 637 trung tâm học tập cộng đồng. 

Điều kiện phát triển khinh tế - xã hội và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc phát triển giáo dục một cách toàn diện, đồng bộ, hài hòa giữa các vùng miền cũng là một thách thức đối với giáo dục Thanh Hoá.

Trước khi thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngành Giáo dục Thanh Hoá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2013, Thanh Hoá có 20.091 học sinh (chiếm 47,15%) trúng tuyển vào đại học, cao đẳng. 

Trong đó, 145 học sinh đạt 27 điểm trở lên, 15 học sinh đỗ thủ khoa (xếp thứ 5 toàn quốc) và có 7 trường trong 200 trường trong cả nước có kết quả tuyển sinh cao. 

Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục giữ vững và có bước đột phá, nhiều năm liên tục Thanh Hóa trong tốp dẫn đầu của giáo dục cả nước về thành tích thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực. 

Năm học 2012 - 2013 là năm thứ 6 liên tiếp Thanh Hóa có học sinh dự thi và đoạt giải OLIMPIC quốc tế. Tiếp nối những thành quả đã đạt được, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa qua, Thanh Hóa đoạt 67 giải, với 1 giải nhất, 20 giải nhì (xếp thứ 6 toàn quốc). 

Hiệu quả đào tạo các bậc học, cấp học ngày càng được nâng lên và duy trì vững chắc: Tiểu học đạt 99,7%; THCS đạt 98,5%. Tính đến nay, Thanh Hoá đã có 950 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, giáo dục Thanh Hóa tiếp tục tạo những chuyển biến căn bản, toàn diện, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước và nhu cầu học tập của nhân dân trong tỉnh. 

Để giáo dục Thanh Hóa tiếp tục phát triển vững chắc, toàn diện phù hợp với nhu cầu thực tiễn phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể: 

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD&ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; 

Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp, kiểm tra đánh giá kết quả GD&ĐT đảm bảo tính khách quan trung thực; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; 

Đổi mới căn bản công tác quản lý GD&ĐT bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GD&ĐT, coi trọng quản lý chất lượng; 

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT; đổi mới cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển GD&ĐT; Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD&ĐT. 

Trong đó, ngành Giáo dục Thanh Hóa đã quan tâm chú trọng đến quy hoạch, bổ nhiệm và đánh giá xếp loại cán bộ quản lý trong các nhà trường, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GD&ĐT.

Nhận thức được vai trò quyết định chất lượng GD&ĐT của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Sở GD&ĐT đã đổi mới công tác quy hoạch và bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo tại các cơ sở GD&ĐT theo hướng công khai, minh bạch đối với từng vị trí việc làm. 

Sàng lọc, bổ sung nhân tố mới tích cực có đủ điều kiện và tiêu chuẩn, có phẩm chất đạo đức và năng lực tốt đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. 

Tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Việc quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý luôn gắn với việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, năng lực quản lý và giải quyết công việc thực tiễn.

Mặt khác, qua mỗi năm học, cán bộ quản lý phải tự đánh giá, xếp loại, có ý kiến đóng góp của tập thể cán bộ giáo viên và phải được thực hiện nghiêm túc, tự giác, khách quan, tránh qua loa, hình thức. 

Kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ lãnh đạo, quản lý hàng năm là cơ sở để lãnh đạo Sở GD&ĐT xem xét việc bổ nhiệm lại, sử dụng và bố trí cán bộ theo yêu cầu công tác thực tế.

Cán bộ quản lý trong nhà trường có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng GD&ĐT tại các đơn vị. Vì vậy, quy trình bổ nhiệm cán bộ quản lý được Sở GD&ĐT đặc biệt quan tâm. 

Việc bổ nhiệm đánh giá cán bộ quản lý được thực hiện theo đúng quy định các văn bản quy định của cấp trên, được sự thống nhất phối hợp giữa Sở GD&ĐT với huyện uỷ các huyện, thị xã, thành phố; đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ, lựa chọn đúng đắn những cán bộ quản lý có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức.

Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngành Giáo dục Thanh Hóa đã và đang tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tiến hành công tác thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2014 và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2014 - 2015 đạt kết quả tốt. 

Đảm bảo cho kết quả thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục thực sự khách quan, phản ánh đúng chất lượng dạy và học. Đồng thời, tiếp tục chấn chỉnh tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong GD&ĐT.

Mục tiêu của ngành Giáo dục Thanh Hóa là giáo dục con người phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. 

Đồng thời, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá, phẩm chất tốt đẹp của người xứ Thanh. Tập trung phát triển quy mô, cơ cấu giáo dục hợp lý, hài hòa giữa các vùng miền, giữa các cấp học, ngành học trên điạ bàn tỉnh. 

Tập trung nâng cao chất lượng miền núi, đảm bảo công bằng xã hội, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng mũi nhọn. Phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hóa luôn giữ vững là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về chất lượng GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ