Do đó, nhiều bang, trường học đã lồng ghép chương trình giáo dục tài chính vào môn Toán để khơi gợi niềm say mê của học sinh.
Trong tiết Đại số tại Trường Trung học Bán công Washington, Mỹ, em Bryan Martinez, học sinh lớp 12, liệt kê các mặt hàng cần mua trong thời gian tới gồm giày, điện thoại, tai nghe, quần áo và thực phẩm.
Nam sinh còn muốn mua ô tô sau khi tốt nghiệp nên phải cân đo các khoản chi sao cho hợp lý và tiết kiệm tối đa. Ngoài tiết kiệm, nam sinh cũng cân nhắc một số phương án để tăng thu nhập khác như làm thêm, kinh doanh riêng, khởi nghiệp...
Hoạt động trên nằm trong chương trình giảng dạy về ứng dụng tài chính, do Trường Trung học Bán công Washington lồng ghép vào môn Đại số. Giáo viên sẽ dạy đan xen giữa kiến thức về tín dụng, đầu tư và cho vay với kiến thức về ma trận, phương trình toán học, số mũ... Điều này giúp học sinh vừa nâng cao kỹ năng quản lý tiền bạc vừa trau dồi kỹ năng toán học.
Trường Trung học Bán công Washington là một trong những cơ sở giáo dục đi đầu về giáo dục tài chính tại Mỹ. Theo Hội đồng Giáo dục Kinh tế Mỹ, kể từ năm 2020, khoảng 30 bang đã áp dụng luật hoặc quy định yêu cầu giáo dục tài chính cá nhân cho học sinh trước khi tốt nghiệp trung học.
Đơn cử, Idaho là một trong những bang vừa phê chuẩn đưa chương trình giảng dạy về tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông. Học sinh phải hoàn thành khóa học trước khi tốt nghiệp.
Kiến thức trên được lồng ghép vào chương trình phổ thông không chỉ nhằm trang bị cho học sinh nền tảng về tài chính trước khi ra trường. Hơn nữa, nó còn góp phần đổi mới phương pháp giáo dục Toán học, khơi gợi sự quan tâm của giới trẻ đối với tính toán và các con số.
Nhu cầu này đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết sau dịch Covid-19, khi học từ xa khiến giới trẻ dần bỏ bê môn Toán và không nhận thấy ý nghĩa của môn học này trong thực tế đời sống. Ngoài ra, cuộc Đại suy thoái năm 2017 đã đặt ra yêu cầu nâng cao kiến thức của người dân về hiểu biết tài chính để giảm thiểu tối đa rủi ro do bất ổn kinh tế.
Cô Tonica Tatum-Gormes, giáo viên giáo dục tài chính tại Trường Trung học Bán công Washington, cho biết: Học sinh hứng thú hơn với môn Toán sau khi chúng tôi đưa giáo dục tài chính vào chương trình học vì các em nhận thấy mối liên hệ giữa môn học này và nhu cầu quản lý tiền bạc trong tương lai. Nhờ đó, thay vì học tập một cách thụ động, nhiều học sinh đã chủ động nắm bắt và trau dồi kiến thức.
Tương tự, nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá các khóa học tài chính cá nhân giúp học sinh đưa ra các quyết định khôn ngoan hơn về tiền bạc, tránh được rủi ro tài chính. Trong quá trình học về tài chính, học sinh cũng sẽ phát triển tình yêu với Toán học khi nhận ra khả năng ứng dụng thực tế của môn học này.
Theo khuyến nghị của Hội đồng Giáo dục Kinh tế, nội dung giáo dục tài chính trong chương trình phổ thông tại Mỹ gồm: Kỹ năng nâng cao thu nhập, lập ngân sách, tiết kiệm, đầu tư, quản lý rủi ro tín dụng và tài chính. Giáo viên Toán có thể kiêm nhiệm nội dung này hoặc các trường có thể thuê chuyên gia tài chính về giảng dạy.