Giáo dục sẽ như thế nào sau đại dịch Covid-19?

GD&TĐ - Mới đây, các tổ chức UNESCO, UNICEF, WB và OECD đã mở cuộc khảo sát: “Điều gì tiếp theo?

Học sinh nhiều nước trên thế giới phải học từ xa vì dịch Covid-19.
Học sinh nhiều nước trên thế giới phải học từ xa vì dịch Covid-19.

Những bài học về phục hồi hệ thống giáo dục: Kết quả khảo sát của các bộ giáo dục trong thời gian đại dịch Covid-19” với sự tham gia của 143 quốc gia trên thế giới. Họ đã đưa ra một số kết luận và dự báo từ cuộc khảo sát này.

Những thách thức trong năm học 2020 - 2021

Mặc dù, thời gian đóng cửa phòng dịch của các trường phổ thông ở các nước rất khác nhau, nhưng những khó khăn mà họ phải đối mặt hầu như giống hệt nhau.

Thứ nhất, thay đổi cấu trúc của quá trình dạy học. 41% quốc gia tham gia khảo sát buộc phải gia hạn năm học. 42% các nước chuyển trọng tâm sang các môn học nhất định bằng việc giảm bớt thời lượng các tiết học “ít quan trọng hơn”. Việc đóng cửa các trường phổ thông đã ảnh hưởng đến 1,5 tỷ học sinh và sinh viên trên thế giới cùng 100 triệu giáo viên. Tình hình trở nên nguy kịch ngay trước thềm đại dịch, theo số liệu của UNESCO, tính đến tháng 9/2019, có 258 triệu trẻ em không được tiếp thu học vấn tiểu học và trung học một cách đầy đủ.

Thứ hai, học sinh không theo kịp kế hoạch học tập. Quá trình dạy học bị gián đoạn khá bất ngờ, nhiều chủ đề phải dạy theo hình thức cấp tốc và rút gọn. Chưa đầy một phần ba các nước có thể tiến hành khảo sát trên phạm vi quốc gia để xác định mức độ tụt hậu kiến thức. Và những số liệu này thật đáng thất vọng. Ví dụ, học sinh ở vùng nông thôn Kenya mất trung bình 3,5 tháng học, trong khi học sinh Ethiopia chỉ học được 30 - 40% thời lượng trong sách giáo khoa của năm học.

Thứ ba, không thể dạy học từ xa. Năm 2020, chỉ 58% quốc gia thu nhập thấp có thể triển khai hệ thống dạy học trực tuyến. Hầu hết ở các nước này, việc dạy học được thực hiện trên đài phát thanh - truyền hình. Ở một số khu vực (châu Phi cận Sahara), khoảng 48% học sinh không thể học từ xa do thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết. Trên thế giới có 463 triệu học sinh (chiếm 31%) không có điều kiện học tập.

Thứ tư, vấn đề giáo viên và kinh phí. Do phải chuyển sang dạy học từ xa và thay đổi hình thức dạy học, 79% quốc gia phải trợ giúp cho giáo viên không những về kỹ thuật, mà còn về tâm lý và tình cảm.

Năm 2020, chỉ 49% quốc gia có thể tăng ngân sách cho giáo dục. Năm 2021, có 60% quốc gia đã và đang thực hiện điều đó. Những vấn đề này liên quan chặt chẽ đến sự phát triển kinh tế, vì vậy, chúng cần được giải quyết trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, nguồn nhân lực ít được đào tạo do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể làm giảm năng suất lao động trong tương lai.

Dạy học trong thời gian cách ly phòng dịch.
Dạy học trong thời gian cách ly phòng dịch.

Những thay đổi diễn ra trong quá trình dạy học

Sự cần thiết thay đổi các hình thức dạy học cho phép nhiều giáo viên thể hiện kỹ năng quản lý khủng hoảng và khả năng sáng tạo. 94% quốc gia sử dụng một số kênh thông tin trong dạy học từ xa. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì không phải môn học nào cũng có thể được dạy thuần túy bằng việc quay video bài giảng, do đó, dần dần xuất hiện những điều kiện tương tác khác.

Ví dụ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Illinois (Mỹ) thiết kế cho sinh viên hóa học một thiết bị gia dụng được gửi qua đường bưu điện. Như vậy, mỗi người có thể xây dựng một phòng thí nghiệm nhỏ tại nhà và học cách sử dụng trực quan các micropipette (công cụ phòng thí nghiệm) dưới sự giám sát qua video của giảng viên. Hơn 82% quốc gia sử dụng bộ thiết bị tại nhà như vậy.

Đầu tiên là những thay đổi trong kiểm tra kiến thức. Sau năm 2020, trắc nghiệm, thi, khảo sát cũng phải được thay đổi. Điều thú vị là các nước thu nhập thấp không bãi bỏ các kỳ thi ở cấp quốc gia. Chỉ có 30% quốc gia tạm thời bãi bỏ hình thức kiểm tra ở trường tiểu học và 18% ở trung học.

Nhiều quốc gia lùi thời gian kiểm tra kiến ​​thức, chẳng hạn, Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA của OECD sẽ được tổ chức vào năm 2022 và bao gồm các câu hỏi bổ sung về việc học tập của học sinh trong thời gian phong tỏa, giãn cách. Vì vậy, hiện chưa có số liệu và kết luận mới về hiệu quả của dạy học từ xa.

Trong điều kiện cách ly phòng dịch, bài kiểm tra tiếng Anh TOEFL diễn ra rất thú vị. Nó có thể được tổ chức bằng hình thức trực tuyến ở nhà. Trước khi thi, học sinh phải quay video toàn bộ phòng thi, phải ngồi sao để được nhìn thấy rõ nhất, và mỗi một bài tập mới được gửi đến dần dần qua hộp thư. Đây cũng là một giải pháp tổ chức thi cử trong điều kiện mới, cho phép nhiều học sinh không có điều kiện thực tế đến các điểm thi nhưng vẫn có cơ hội học tập.

Sự thay đổi tiếp theo là các doanh nghiệp tài trợ cho giáo dục. Việc bổ túc kiến thức cho giáo viên, biên soạn tài liệu dạy học mới, thay đổi chương trình dạy học đòi hỏi tăng chi phí cho giáo dục. Nhưng không phải chính phủ nào cũng có thể làm được điều này. Ở các quốc gia có thu nhập cao, mỗi học sinh được chính phủ hỗ trợ học tập 1.300 USD/năm, còn ở các quốc gia có thu nhập thấp, gần 1.000 USD/năm.

Một số doanh nghiệp coi việc hỗ trợ cho giáo dục là lợi thế của mình. Ví dụ, Amazon mua 8.200 máy tính xách tay cho học sinh Seattle và tổ chức ăn trưa cho học sinh toàn thành phố. Amazon hiện có 75.000 nhân viên tại Seattle, điều này cũng dễ hiểu vì sao hãng này có sự quan tâm như vậy.

Tiếp đến là các mô hình dạy học hỗn hợp. Trong điều kiện cách ly, đã xuất hiện các mô hình dạy học hỗn hợp dưới nhiều hình thức khác nhau. Một số giáo viên quay video các bài học lý thuyết để học sinh có thể xem bất cứ lúc nào. Còn ở trên lớp, học sinh thảo luận về những vấn đề thực tế có thể được giải quyết nhờ lý thuyết này. Một số giáo viên dạy theo nhóm, trong đó mỗi học sinh chủ động nắm vững tài liệu dạy học với sự tham vấn và gặp gỡ trực tiếp với giáo viên.

Tổ chức Learning Policy Institute (Viện Chính sách dạy học Mỹ), được tài trợ bởi Quỹ Bill & Melinda Gates, trong báo cáo Restarting and Reinventing School (Khởi động lại và đổi mới nhà trường phổ thông), nhận xét: “Mô hình dạy học hỗn hợp mới cần sớm thu hút học sinh vào quá trình dạy học; Đồng bộ hóa việc dạy học giữa nhà trường và các nhóm; Tổ chức làm việc riêng với giáo viên hoặc trong các nhóm nhỏ; Xây dựng chương trình học thêm trong các kỳ nghỉ lễ”.

Qua những đánh giá trên, vậy điều gì tiếp tục xảy ra trong năm học 2021 - 2022? Nhiều ý kiến của chuyên gia nhận định, việc đến trường thông thường không còn đáp ứng được tất cả các nhu cầu của người học. Giáo dục nên đặt trọng tâm chính vào việc tổ chức các giờ học thực hành thích hợp, tạo điều kiện học từ xa cho càng nhiều học sinh càng tốt. Bên cạnh đó, huy động khu vực doanh nghiệp tài trợ cho quá trình giáo dục cũng như thay đổi hệ thống đánh giá và kiểm tra.
Theo zn.ua

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.