Vậy giáo dục phổ thông chất lượng cao nên phải quan niệm như thế nào cho đúng, cho phù hợp sự phát triển giáo dục hiện nay?
Hiệu quả giáo dục phải đến từng học sinh
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - giáo dục phổ thông chất lượng cao là muốn nói đến một kết quả giáo dục và điều kiện để tạo ra chất lượng như chương trình giáo dục, đội ngũ giáo viên, các phương pháp giáo dục, cơ sở vật chất nhà trường phải cao hơn nhiều so với chuẩn chất lượng giáo dục bình thường được xác định, được quan niệm phổ biến trong các nhà trường hiện nay.
Một cách hiểu khác, giáo dục chất lượng cao là nhằm đáp ứng nhu cầu cao của cha mẹ học sinh khi họ gửi con vào trường tiêu chuẩn chất lượng cao để chuẩn bị cho con, sẵn sàng đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao quốc gia và hội nhập quốc tế.
“Song ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh giáo dục chất lượng cao là mỗi nhà trường phổ thông không chỉ đáp ứng những cam kết của nhà trường với cha mẹ học sinh để thỏa mãn nhu cầu của người dân khi gửi con đến trường, mà chủ yếu hiệu quả giáo dục phải đến từng học sinh, đáp ứng nhu cầu phát triển của từng học sinh. Nhà trường phải chỉ rõ những phẩm chất, năng lực của học sinh được rèn luyện và có sự tiến bộ từng học kỳ như thế nào.
Chất lượng cao ở đây cũng chính là thái độ ứng xử, sự thân thiện, quan tâm, tận tâm của cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên nhà trường với học sinh. Họ luôn là những người thành công trong sự nghiệp giáo dục vì họ luôn là người “Tự tin, thân thiện, thẳng thắn, thấu hiểu” với mọi học sinh” – TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.
Như vậy, muốn thực hiện chất lượng cao trong các nhà trường phổ thông đạt chất lượng hiện nay, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, các nhà trường phổ thông cũng như cha mẹ học sinh phải coi đây là dịch vụ giáo dục chất lượng cao là sự cam kết giữa phụ huynh và cán bộ quản lý, giáo viên mỗi nhà trường.
Kinh phí của nhà nước đầu tư cho giáo dục mỗi nhà trường chỉ đủ để đảm bảo chất lượng ở mức đại trà, còn chất lượng cao thì cha mẹ học sinh phải cùng tham gia với nhà trường đóng góp thêm một khoản kinh phí để các nhà trường có thể huy động nguồn lực, chuẩn bị thêm chương trình, điều kiện cơ sở vật chất, huấn luyện giáo viên....
“Tóm lại, phải có đủ kinh phí để có những chương trình giáo dục, đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, và các dịch vụ khác trong nhà trường phải đủ điều kiện giúp học sinh đạt chất lượng giáo dục ở mức cao” – TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Không phải trường phổ thông nào cũng làm được
Thực hiện chương trình giáo dục chất lượng cao ở mỗi nhà trường phổ thông là cách làm giáo dục theo cơ chế thị trường, và không phải trường phổ thông nào cũng làm được.
Lưu ý điều này, TS Nguyễn Tùng Tâm nêu rõ quan điểm: Chỉ những trường có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tâm huyết tài năng và dám chịu trách nhiệm, dám vượt khó sáng tạo mới có thể tạo ra những nhà trường “giáo dục chất lượng cao” có thể hội nhập quốc tế. Một số trường tư thục được đầu tư ở các thành phố lớn đã và đang đáp ứng yêu cầu chất lượng cao này.
Để giáo dục phát triển theo đúng kinh tế thị trường, TS Nguyễn Tùng Lâm kiến nghị cần đổi mới mô hình giáo dục của các trường chuyên thành các trung tâm chất lượng cao của các tỉnh thành, cấp học bổng cho những học sinh giỏi con các gia đình khó khăn về kinh tế còn lại thu học phí cao để chúng ta có thể mỗi tỉnh thành đều có một trung tâm đào tạo chất lượng cao ngang tầm các nước tiên tiến.
Đây là trung tâm đào tạo những thầy cô giáo giỏi thành những chuyên gia giáo dục ngang tầm quốc tế. Nên trao cho các trường chuyên hiện nay một sứ mệnh mới, một cách làm mới. Đây là cách chúng ta làm giáo dục theo đúng quy luật kinh tế thị trường.
Có ý kiến liệu một số trường công làm chất lượng cao có thể hiện được sự công bằng trong giáo dục? Tại sao không để các trường tư, các trường quốc tế làm.
Trước hết về mặt văn bản pháp lý nhà nước không có văn bản nào cấm trường công làm chất lượng cao, các trường công chất lượng cao không ép buộc mọi học sinh tham gia mà chỉ những gia đình nào có điều kiện kinh tế và tự nguyện làm.
Nếu mỗi địa phương các tỉnh thành có sự phối hợp nhà nước nhân dân cùng làm sẽ tạo ra những mũi nhọn về giáo dục, tạo cho giáo dục phổ thông có điều kiện nhanh chóng hội nhập quốc tế”.
TS Nguyễn Tùng Lâm