Ở một quốc gia phát triển như Nhật Bản, Covid-19 đang tác động đến sự bất bình đẳng trong giáo dục theo những cách chưa từng có.
Hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Khi các trường học bị đóng cửa vì đại dịch, học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải vật lộn để có được thực phẩm và các dịch vụ xã hội khác nhau mà trường học của họ thường cung cấp. Ở Nhật Bản, trường học hỗ trợ trẻ nhỏ mọi thứ từ dinh dưỡng, sức khỏe đến xã hội hóa và những gói thúc đẩy khả năng sáng tạo. Covid-19 đã đặt gánh nặng lên tất cả học sinh, đặc biệt là những em lâu nay phụ thuộc vào trường học để có bữa ăn và được giáo dục.
Để hỗ trợ học sinh Nhật Bản học tại nhà, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT), đã thiết lập một cổng hỗ trợ học tập, cung cấp nhiều mẹo khác nhau để giúp các em học từng môn học ở nhà, sắm tài liệu học tập mới, tất cả đều miễn phí.
Giáo dục đại học
Do chi phí giáo dục đại học ở Nhật Bản quá cao nên chỉ có gần 1/5 học sinh sau tốt nghiệp THPT có thu nhập thấp, đủ khả năng học tiếp đại học. Tình trạng này trở nên tồi tệ hơn khi Covid-19 xuất hiện. Do đó, MEXT đang cung cấp cho sinh viên đại học sự hỗ trợ kinh tế khẩn cấp trong thời kỳ đại dịch. Chương trình cung cấp cho sinh viên Nhật Bản khoản tiền mặt trị giá 200.000 yen (khoảng 40 triệu đồng) để những người đang gặp khó khăn vẫn có thể tiếp tục đi học. Chương trình dành cho bất kỳ ai đang theo học tại một trường đại học hoặc cơ sở giáo dục khác ở Nhật Bản.
Thách thức học tập trực tuyến
Cứ 20 trẻ em Nhật Bản thì có 1 trẻ thiếu các tiện nghi cần thiết cho việc học trực tuyến, chẳng hạn như không gian làm việc yên tĩnh, quyền truy cập máy tính hoặc sách giáo khoa mới. Nhật Bản đi sau đáng kể các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về khả năng đưa công nghệ truyền thông vào chương trình giảng dạy ở trường học. Mặc dù là một quốc gia có nền công nghệ tiên tiến nhưng chỉ có 40% học sinh Nhật Bản trong độ tuổi 15 đăng ký vào các trường có đủ phần mềm máy tính phù hợp.
Sự phân chia kỹ thuật số
Một cuộc khảo sát của MEXT gần đây cho thấy các trường công lập Nhật Bản đã gặp khó khăn như thế nào trong việc thích ứng với môi trường bình thường mới. Khoảng cách kỹ thuật số giữa các khu vực thành thị và nông thôn của Nhật Bản và giữa các nền kinh tế xã hội đã làm phức tạp quá trình chuyển đổi sang học trực tuyến. Giáo dục Nhật Bản đã cố gắng giải quyết những thách thức này bằng việc hợp tác với ba công ty điện thoại di động hàng đầu quốc gia. Theo đó, những công ty này đã loại bỏ một số khoản phí bổ sung cho người dùng của họ từ 25 tuổi trở xuống.
Nâng cao nhận thức về công nghệ
Số hóa hệ thống giáo dục của Nhật Bản đã được coi là ưu tiên hàng đầu ngay cả trước khi Covid-19 xuất hiện. Tuy nhiên, các trường học Nhật Bản từ lâu đã phần lớn dựa vào các phương pháp giảng dạy thông thường với sách giáo khoa, vở ghi và bảng đen. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tụt hậu so với các quốc gia khác trong việc sử dụng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục.
Chẳng hạn, Khảo sát Quốc tế về Dạy và Học của OECD cho thấy, Nhật Bản đứng thứ 2 trong số 48 quốc gia và nền kinh tế được thăm dò ý kiến về tỷ lệ giáo viên trung học thường xuyên sử dụng thiết bị kỹ thuật số trong các lớp học của họ. Tỷ lệ này ở mức dưới 20%, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình khoảng 50%.
Báo động trước tình hình này, Nhật Bản đã thông qua luật pháp và các chính sách xanh nhằm làm cho các trường học hiểu biết hơn về công nghệ theo sáng kiến Trường học GIGA (Global and Innovation Gateway for All – Cổng Đổi mới Toàn cầu dành cho tất cả). Trọng tâm của nó là mục tiêu cung cấp thiết bị kỹ thuật số cho tất cả học sinh ở các trường tiểu học và THCS (cả công và tư) vào cuối tháng 3/2024.
Nghèo đói ở trẻ em và giáo dục
Trước đại dịch, Nhật Bản đã có các vấn đề về nghèo đói ở trẻ em và bất bình đẳng trong giáo dục. Tổ chức Nippon ước tính tác động kinh tế của việc để tình trạng nghèo đói này không được giải quyết, đã làm trầm trọng thêm vấn đề. Cuộc khảo sát bắt đầu với giả định, khoảng cách kinh tế khiến trẻ em có sự chênh lệch về trình độ học vấn, dẫn đến sự khác biệt lớn về thu nhập trong tương lai.
Hai kịch bản so sánh điều gì sẽ xảy ra nếu Nhật Bản để tình hình không được giải quyết thay vì những gì sẽ xảy ra sau khi thực hiện các biện pháp mới để giảm chênh lệch trong giáo dục. Nếu Nhật Bản thực hiện các biện pháp để khắc phục tình hình, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ tăng lên, dẫn đến nhiều người tăng thu nhập suốt đời của họ.
Tuy nhiên, nếu không giải quyết được khoảng cách kinh tế giữa các trẻ em, tình hình sẽ không thay đổi. Thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết khoảng cách kinh tế và giáo dục ở trẻ em Nhật Bản cũng sẽ khiến công dân Nhật Bản phải trả nhiều thuế và phí bảo hiểm xã hội hơn. Điều này sẽ làm giảm gánh nặng tài chính của chính phủ sau đại dịch.