Giáo dục nghề nghiệp trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện

GD&TĐ - Nhiều ý kiến được thảo luận tại Hội thảo “Giáo dục nghề nghiệp trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện” do Viện Sư phạm kỹ thuật thuộc Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) tổ chức.

PGS.TS Ngô Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật HCMUTE trình bày tại hội thảo
PGS.TS Ngô Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật HCMUTE trình bày tại hội thảo

Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường ĐH, CĐ, TC nghề, THPT, THCS và doanh nghiệp tham gia.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng HCMUTE, để nâng cao năng lực nghề nghiệp của người lao động, cần phải xem lại triết lý giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp, từ đó thống nhất quan điểm trong nghiên cứu mô hình, chính sách dạy nghề, có chiến lược nâng cao vị thế của những đơn vị làm công tác dạy nghề cũng như nâng cao năng lực của những người GV dạy nghề...

Việc đổi mới nên bắt đầu từ các đơn vị chịu trách nhiệm đào tạo ra đội ngũ GV dạy nghề có truyền thống, đủ tiềm lực về cơ sở vật chất và nguồn lực bên cạnh những cơ quan nghiên cứu hoạch định chính sách giáo dục nói chung.

Đó là các trường Đại học SPKT trọng điểm với vai trò tiên phong nghiên cứu chuyên sâu về giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp và triển khai ra thực tế. 

Việc đầu tư cho các trường Đại học SPKT trọng điểm sẽ tập trung nguồn ngân sách cho những đơn vị có khả năng thực hiện nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục kỹ thuật và nghề nghiệp nhằm tạo ra các bước đột phá hiệu quả.

PGS.TS Thái Bá Cần - Nguyên Hiệu trưởng HCMUTE - đề cập đến một trong những mặt yếu kém nhất của GDĐH là quản trị, đây không phải là quản lý nhà nước mà là quản lý đào tạo nói chung. 

PGS Cần đưa ra ví dụ, hiện nay đầu vào của loại hình liên kết đào tạo với các trường nước ngoài là thấp nhất, đào tạo chất lượng cao ở giữa, chính quy bình thường (đại trà) có đầu vào cao nhất. 

Tuy nhiên, đầu ra của loại liên kết đào tạo với nước ngoài vẫn có những vị trí cao trong xã hội. PGS Cần chia sẻ thêm, hiện nay cần rà soát lại nền kinh tế của chúng ta cần những dạng lao động nào? Và cần vẻ lại chân dung người lao động trong thời đại ngày nay.

Ông Huỳnh Tấn Thuyết – Giám đốc Công ty Toyota Biên Hòa - chia sẻ: Trước mắt, hệ thống giáo dục đào tạo nghề tập trung nhiều hơn vào huấn luyện kỹ năng (skill - năng lực hoàn thành công việc thực tế) cho người học, tập trung vào những kỹ năng cơ bản, giúp người học có khả năng thực hiện thành thục, đủ tự tin đảm nhận những công việc thường xuyên, đơn giản của nghề. 

Phân biệt rõ giữa mục tiêu trang bị kiến thức và huấn luyện kỹ năng. Tạo môi trường thực hành gần giống với môi trường làm việc, hạn chế việc thực hành để có kiến thức. 

Về nội dung trang bị kiến thức, với giáo dục đào tạo nghề, kiến thức về quy trình là quan trọng và cần thiết hơn kiến thức mô tả (để hiểu về đối tượng làmviệc). 

Quy trình không chỉ được hiểu như là kiến thức cần trang bị mà nên hiểu là sự tuân thủ đương nhiên trong lúc thực hành để cùng với sự thành thục của kỹ năng, đảm bảo hoàn thành công việc đúng chuẩn mực nghề nghiệp. 

Làm được khác với làm đúng. Tại doanh nghiệp, khi thực hiện công việc, kỹ thuật viên phải tuân thủ quy trình. Khả năng đọc hiểu và tuân thủ quy trình trong công việc là tiêu chí bắt buộc với nhân viên. Nhưng trong môi trường giáo dục nghề những tài liệu - manual như vậy chưa được giới thiệu, hướng dẫn, và yêu cầu người học tuân thủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ