Giáo dục năm 2022: Thách thức và cơ hội

GD&TĐ - Năm 2022 dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn và thách thức với ngành Giáo dục khi dịch bệnh Covid-19 đã kéo dài sang năm thứ 3 và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Quận 3, TPHCM) thực hành trong phòng STEM.
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Quận 3, TPHCM) thực hành trong phòng STEM.

Tuy nhiên, thời gian chung sống với dịch bệnh cũng đủ dài để chúng ta thực sự có những thay đổi căn bản cả về tư duy lẫn hành động.

GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, Đại biểu Quốc hội khóa XV: Giáo dục năm 2022 nhìn thấy cơ hội trong thách thức

GS.TS Thái Văn Thành
GS.TS Thái Văn Thành

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 chính là thách thức to lớn của ngành Giáo dục trong năm 2022. Dịch bệnh chưa kết thúc đồng nghĩa học sinh (HS) không thể trở lại trường học bình thường. Chất lượng học trực tuyến không thể so sánh được với học trực tiếp. Ngay cả khi học trực tiếp, sẽ không thể tổ chức các hoạt động dạy học bên ngoài lớp học do phải đảm bảo giãn cách, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng.

Thêm nữa, tác động của dịch bệnh khiến nền kinh tế bị suy giảm, các nguồn lực đầu tư cho giáo dục ít được bổ sung, nhất là đang trong giai đoạn đầu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Nhiều cơ sở giáo dục được bố trí làm khu cách ly, cơ sở vật chất xuống cấp mất nhiều thời gian và nguồn lực để sửa chữa khi đón HS trở lại trường. Dịch bệnh cũng khiến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, việc quan tâm đầu tư mua sắm phương tiện thiết bị cho con em học tập bị ảnh hưởng nhiều. Đời sống của một bộ phận giáo viên (GV) gặp nhiều khó khăn, nhất là GV các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Năm 2022 lại là năm bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cho cả 3 cấp học (lớp 3, lớp 7 và lớp 10). Dịch bệnh kéo theo công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị tối thiểu, bồi dưỡng đội ngũ GV… do vậy, khó có được sự chuẩn bị tốt nhất cho đổi mới GDPT.  Cũng phải nói thêm, HS đã có thời gian học trực tuyến dài, khi trở lại trường cần được kiểm tra, ôn tập, củng cố những kiến thức thiếu hụt do học trực tuyến; kiểm tra phát hiện những HS có biểu hiện khủng hoảng tâm lý học đường vì Covid-19 để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Dù đã qua 2 năm thực hiện chương trình mới nhưng việc kiểm tra đánh giá HS theo phát triển phẩm chất, năng lực chưa được kiểm chứng nhiều qua thực tế, chưa có đủ cơ sở đánh giá một cách toàn diện, rút kinh nghiệm cho các năm tiếp theo.

Bên cạnh các khó khăn, thách thức cũng xuất hiện cơ hội: Gần 2 năm qua, toàn ngành và đội ngũ thầy cô giáo đã khắc phục khó khăn, biến nguy thành cơ; coi đây là cú hích để thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo để tăng khả năng thích ứng hoàn cảnh. Dịch Covid-19 đã đưa giáo dục vào tình thế không có lựa chọn nào khác là phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học, quản lý; các cơ sở giáo dục, HS khó khăn được Nhà nước, tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ trang thiết bị dạy học trực tuyến, giúp bổ sung nguồn thiết bị quan trọng cho quá trình chuyển đổi số.

Đó cũng là cơ hội để ngành Giáo dục đẩy mạnh chuyển đổi số, tiền đề cho nhiều lĩnh vực khác, tác động lớn đối với sự phát triển đất nước, cả trước mắt và lâu dài. Qua ứng phó với dịch bệnh cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại công tác quản lý, tổ chức dạy học; từ đó có điều chỉnh, đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị trường học phù hợp với tình hình mới. Đại dịch cũng làm tăng thêm sự bền chặt, gắn kết, chia sẻ yêu thương giữa con người với con người; mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình, xã hội được thắt chặt, gắn bó, sâu sắc hơn, tạo môi trường tốt để giáo dục HS…

Vậy đâu là yếu tố quan trọng nhất để toàn ngành vượt qua thách thức, tận dụng được cơ hội? Tôi cho rằng, trong lúc khó khăn, trước hết đòi hỏi toàn ngành phải đoàn kết, chung sức, chung lòng; đồng thời cần sự ủng hộ vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, phụ huynh HS. Cụ thể, Chính phủ cần quan tâm ban hành chủ trương về chuyển đổi số ngành GD-ĐT; trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị cho ngành Giáo dục.

Ngành Giáo dục cần ban hành văn bản chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất phục vụ công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường; xây dựng các thư viện thiết bị điện tử, kho học liệu số, thư viện số, bài giảng điện tử phong phú, đa dạng, tiện lợi khai thác và sử dụng cho GV, HS ở mọi nơi, mọi lúc, nhất là ở vùng sâu, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tiếp tục tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, GV về chuyển đổi số; dạy học và đánh giá HS theo phát triển phẩm chất, năng lực theo hình thức trực tuyến; cải tiến công tác thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh.

Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với cơ quan y tế để tiêm vắc-xin cho nhà giáo, HS. Quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là nhà giáo vùng khó khăn và đội ngũ GV ngoài công lập. Làm tốt công tác chính trị tư tưởng, động viên khích lệ đội ngũ GV, tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp như yêu nghề, mến trẻ, tận tâm, tận tụy vì HS đã thể hiện và được xã hội tôn vinh, ghi nhận trong thời gian phòng chống dịch vừa qua.

Dạy và học trực tuyến đang là xu thế của thời đại số. Ảnh minh họa
Dạy và học trực tuyến đang là xu thế của thời đại số. Ảnh minh họa

TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam, CHLB Đức: Tận dụng cơ hội để thực hiện chuyển đổi số ngành Giáo dục

TS Nguyễn Văn Cường
TS Nguyễn Văn Cường

Thách thức lớn nhất đối với ngành Giáo dục năm 2022 là việc tổ chức dạy học trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Cách thức đối phó với đại dịch trong năm 2021 không còn phù hợp để áp dụng cho năm 2022. Trong năm 2021, chiến lược đối phó Covid-19 trong giáo dục chủ yếu là cho HS nghỉ học khi địa phương có dịch bệnh, ngay cả khi số ca mắc còn rất ít. Đã hết học kỳ I của năm học 2020 - 2021 nhưng HS của một số địa phương chưa một ngày đến trường.

Đến nay, nhiều địa phương đã hoặc có kế hoạch cho HS trở lại trường. Đây là sự thay đổi chiến lược cần thiết trong điều kiện dịch bệnh còn kéo dài. Chiến lược này cần được thực hiện với quyết tâm cao trong bối cảnh số ca nhiễm có xu hướng tăng cao trong những ngày gần đây và có thể còn diễn biến phức tạp.

Nếu không có quyết tâm xây dựng chiến lược và các biện pháp quyết liệt phù hợp, kịch bản nhiều HS cả năm học 2020 - 2021 hoàn toàn không được đến trường có thể xảy ra. Những ngày gần đây, có trường mở cửa trở lại nhưng lại rất ít HS đến trường. Đây là thách thức rất lớn cho ngành Giáo dục trong năm 2022, đặc biệt đối với việc hoàn thành, đảm bảo chất lượng năm học 2021 - 2022.

Dạy học trực tuyến kéo dài trong điều kiện hiện nay ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dạy học và giáo dục, có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của HS. Dạy học trực tuyến đối phó với

Covid-19 là giải pháp tình thế chưa từng biết đến ở quy mô toàn cầu. Mặt khác, tình huống này cũng tạo ra cơ hội chưa từng có trong việc thực hiện chuyển đổi số nhà trường. Cách đây 2 năm, khái niệm số hóa hay chuyển đổi số trong nhà trường còn khá xa lạ ngay trong ngành Giáo dục.

Sau 2 năm thực hiện dạy học trực tuyến, ngày nay toàn ngành Giáo dục đã nhận thức rõ vai trò của dạy học trực tuyến nói riêng và chuyển đổi số trong nhà trường nói chung. Nhà trường số hóa là xu hướng phát triển trường học tương lai. Trong đó quá trình dạy học kết hợp giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến, E-learning nhằm kết hợp tối ưu ưu điểm của cả hai hình thức dạy học này.

Vì vậy năm 2022 cũng là cơ hội cho ngành Giáo dục đẩy mạnh việc phát triển giáo dục theo hướng nhà trường chuyển đổi số như một chiến lược phát triển lâu dài, theo mô hình nhà trường của tương lai. Cần có những chiến lược, giải pháp phù hợp cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, đổi mới quản lý giáo dục và hoạt động dạy học theo mô hình nhà trường chuyển đổi số. Tăng cường chuyển đổi số trường học cũng là xu hướng quốc tế hiện nay. Đặc biệt là cùng với việc đối phó với đại dịch Covid-19, nhiều nước đã có chính sách tăng cường thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhà trường. 

Học sinh Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (TP Hải Phòng) tham gia Chuyên đề “Xây dựng trường học hạnh phúc” với hình thức giáo dục mới.
Học sinh Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (TP Hải Phòng) tham gia Chuyên đề “Xây dựng trường học hạnh phúc” với hình thức giáo dục mới.

Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ): Cần tầm nhìn, chiến lược phát triển mang tính hệ thống, bền vững

Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng
Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng

Năm 2022, toàn ngành Giáo dục tiếp tục đối mặt với thách thức khi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường làm gián đoạn quá trình giáo dục trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, từ năm học 2022 - 2023, chúng ta bắt đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 cho lớp 10. Để triển khai tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi sự chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, con người, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá… Cùng với đó, quá trình chuyển đổi số diễn ra ngày càng sâu rộng, nhanh chóng, mạnh mẽ trong dạy học và quản lý giáo dục. Hai vấn đề đó cũng là thách thức đối với ngành Giáo dục trong năm tới.

Tuy nhiên, nếu xử lý được những khó khăn, thách thức nói trên, ngành Giáo dục sẽ có cơ hội rất lớn để tiếp tục thay đổi mạnh mẽ theo mục tiêu đề ra - đó là đổi mới căn bản và toàn diện trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Cơ hội được thể hiện ở 5 điểm cơ bản. Thứ nhất là hình thành hệ thống nhà trường, lớp học không giới hạn về không gian, thời gian. Thứ hai là đội ngũ giáo viên không bị bó buộc trong một cơ sở giáo dục để tác nghiệp, từ đó có thể sử dụng hiệu quả đội ngũ GV cả về số lượng lẫn chất lượng. Thứ ba, học sinh học tập chủ động về không gian, thời gian và giáo viên. Thứ tư, giáo viên phải đổi mới mạnh mẽ về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Cuối cùng, các cấp quản lý đổi mới tư duy, cách thức, công cụ quản lý.

Trước thách thức khó khăn, cũng như cơ hội rất lớn như vậy, để ngành Giáo dục có thể vượt qua thách thức, tận dụng tốt cơ hội, từ đó nâng cao chất lượng GD-ĐT hiệu quả, bền vững, tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất là tầm nhìn và những chiến lược phát triển mang tính hệ thống, bền vững, hiệu quả của lãnh đạo ngành Giáo dục từ Trung ương đến địa phương và từng cơ sở giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.