Thưa TS Nguyễn Thiên Tuế, hiện nay không riêng gì Trường Đại học Công nghiệp TPHCM mà một số trường ĐH khác cũng đang cố gắng nỗ lực phấn đấu để xây dựng trường Đại học trọng điểm quốc gia, theo ông thì trường Đại học trọng điểm quốc gia có đặc điểm và quyền lợi gì so với trường đại học khác?
TS. Nguyễn Thiên Tuế: Để xây dựng trường đại học trọng điểm quốc gia, trước hết cần phải căn cứ vào điều kiện thực tế của mỗi trường, như trình độ năng lực đội ngũ, thành tựu trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, nguồn lực tài chính, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội và hội nhập quốc tế…
Xét điều kiện năng lực hiện có, Bộ Công Thương quyết định chọn Trường Đại học Công nghiệp TPHCM để xây dựng thành trường Đại học trọng điểm quốc gia, với những tiêu chí cần đạt được đến năm 2020 như sau:
Về trình độ đội ngũ: Tỉ lệ tiến sĩ đạt 30% và thạc sĩ đạt 70% trên tổng số cán bộ, giảng viên.
Về chương trình đào tạo: Phải là chương trình tiên tiến được xây dựng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, phải có các ngành đào tạo trọng điểm và có ít nhất một ngành mũi nhọn đạt tiêu chí chất lượng tương đương với ngành thuộc các trường tiên tiến trong khu vực.
Về nghiên cứu khoa học: Trường Đại học trọng điểm phải là một trung tâm NCKH. Vì vậy, hoạt động NCKH phải mang tính chuyên nghiệp và trở thành hoạt động chính yếu của nhà trường.
Muốn vậy, Trường Đại học trọng điểm phải có một số ngành nghiên cứu trọng điểm, một số phòng nghiên cứu trọng điểm trong hệ thống nghiên cứu trọng điểm quốc gia. Đội ngũ giảng viên, cán bộ, chuyên viên nghiên cứu đạt tiêu chuẩn trình độ cao. Phải có một số giáo sư đầu ngành lãnh đạo các ngành nghiên cứu trọng điểm và các phòng nghiên cứu trọng điểm. Phải có nhiều sản phẩm khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín…
Về quan hệ quốc tế: Trường Đại học trọng điểm phải là một đầu mối tạo dựng quan hệ có hiệu quả với các trường ĐH, các viện nghiên cứu quốc tế để cùng hợp tác trong đào tạo SV, GV, trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Về quan hệ với các trường ĐH và CĐ khác thuộc ngành Công thương: Trường Đại học trọng điểm của Bộ Công thương phải là trường hàng đầu về đào tạo kỹ sư thực hành chất lượng cao của ngành công thương, hàng đầu về NCKH – CGCN, góp phần xứng đáng vào sự phát triển của kinh tế công nghiệp và kinh tế thương mại của ngành công thương. Trường phải là đơn vị có tác động tích cực đối với sự phát triển của một số lĩnh vực hoạt động của các trường ĐH & CĐ thuộc ngành Công thương.
Vậy khi được công nhận là trường Đại học trọng điểm quốc gia thì cơ sở giáo dục đó được hưởng những “đặc quyền, đặc lợi” như thế nào thưa tiến sĩ?
TS. Nguyễn Thiên Tuế: Theo Luật Giáo dục 2012, một trường trọng điểm được quyền tự chủ về tài chính (tự chủ về nguồn thu và tự chủ về chi tiêu), tự chủ về mở ngành đào tạo phù hợp với đòi hỏi của thị trường nhân lực, tự chủ về tuyển sinh, tự chủ về tạo dựng quan hệ hợp tác quốc tế về đào tạo và NCKH...
Từ những quyền tự chủ cơ bản đó, cơ sở giáo dục ĐH có điều kiện tài chính để xây dựng đội ngũ GV, cơ sở vật chất tương ứng với yêu cầu đào tạo, NCKH, do đó chắc chắn nâng cao chất lựơng đào tạo, nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm khoa học, tạo nên thương hiệu cho nhà trường.
Với những yêu cầu khắt khe như vậy, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM đã có những bước chuẩn bị như thế nào thưa ông?
TS. Nguyễn Thiên Tuế: Trường đã nghiên cứu xây dựng mô hình trường trọng điểm với những tiêu chuẩn và tiêu chí rõ ràng. Trường cũng đã xây dựng nội dung các công việc phải làm như: Kế hoạch (KH) tạo nguồn vốn, KH xây dựng hạ tầng mới ở Q.12 (TPHCM) với diện tích khuôn viên rộng 27ha, KH xây dựng đội ngũ GV đạt chuẩn, KH phát triển đội ngũ GS – PGS - TS, KH phát triển Trung tâm phân tích chất lượng cao, KH xây dựng một số Phòng thí nghiệm trọng điểm…; đồng thời đã xây dựng lộ trình thực hiện các công việc trên từ 2015 đến 2020 kèm theo các giải pháp cơ bản.
Thách thức lớn nhất của nhà trường hiện nay là gì?
TS. Nguyễn Thiên Tuế: Tuy là trường công lập, nhưng Trường Đại học Công nghiệp TPHCM phải tự chủ tài chính gần như hoàn toàn (trên 97%), nhưng lại bị khống chế mức trần học phí. Nếu thu theo mức học phí hiện nay thì chỉ mới đủ trả lương cơ bản cho cán bộ, giảng viên; chứ chưa nói đến kinh phí để chi cho hoạt động thường xuyên và cho đầu tư phát triển nhà trường.
Do đó, nếu được phép thực hiện cơ chế tự chủ trong thu học phí, nhà trường có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học, mang đến cho người học những điều kiện tốt nhất để phát huy tiềm năng sáng tạo, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng đáp ứng nhu cầu xã hội.
Xét cho cùng thì chất lượng sinh viên khi ra trường là hình ảnh rõ nhất thể hiện chất lượng một trường ĐH. Hiện nay nhiều đơn vị tuyển dụng thường kêu ca rằng khi tuyển SV mới ra trường vào làm việc phải mất một khoảng thời gian để đào tạo lại. Vậy một trường ĐH trọng điểm có giải quyết được vấn đề này không thưa tiến sĩ?
TS. Nguyễn Thiên Tuế: Một trường Đại học trọng điểm với đầy đủ quyền tự chủ như đã nêu trên, hoàn toàn có đủ cơ sở để giải quyết vấn đề này.
Tiến sĩ kỳ vọng điều gì khi Trường Đại học Công nghiệp TPHCM được công nhận là trường Đại học trọng điểm quốc gia?
TS. Nguyễn Thiên Tuế: Trong vòng 10 năm tới, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM sẽ trở thành trường ĐH thuộc top đầu trong cả nước. 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trường Đại học Công nghiệp TPHCM (gọi tắt là IUH – Industrial University of Ho Chi Minh City) trực thuộc Bộ Công Thương được thành lập theo quyết định số 214/2004/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ, tiền thân là Trường Trung học Kỹ thuật DONBOSCO, thành lập từ năm 1957.
Trường Đại học Công nghiệp TPHCM hiện là một trong những cơ sở giáo dục đại học lớn tại Việt Nam, với 3 cơ sở đào tạo đặt tại các trung tâm kinh tế sôi động của đất nước, như: thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Thanh Hóa.
Trường triển khai đào tạo các bậc học: cao học, đại học, cao đẳng và cao đẳng nghề với quy mô gần 60.000 học sinh - sinh viên ở hơn 20 chuyên ngành thuộc khối ngành công nghệ, kỹ thuật và kinh tế như: Cơ khí, Điện, Điện tử, Ô tô, Nhiệt lạnh, May – Thiết kế thời trang, Hóa học, Sinh học, Thực phẩm, Môi trường, Kế toán, Tài chính – Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Thương mại…