Giáo dục năm 2022: Kỳ vọng vào những đột phá

GD&TĐ - Với kinh nghiệm trong việc thích ứng, linh hoạt chuyển đổi hình thức dạy - học trong năm 2021, ngành GD các địa phương tự tin xác định những điểm nhấn, đột phá để bảo đảm sự ổn định và phát triển trong năm 2022.

Học sinh mầm non tỉnh Bình Phước đến trường.
Học sinh mầm non tỉnh Bình Phước đến trường.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang Lê Quang Trí: Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực

Ông Lê Quang Trí
Ông Lê Quang Trí

Năm 2021, toàn ngành đã thích ứng chuyển đổi các điều kiện dạy và học sang hình thức trực tuyến. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo ngày càng nâng cao chất lượng và bảo đảm số lượng. Hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư, trang bị ngày càng hoàn chỉnh. Chất lượng dạy và học tiếp tục được nâng lên… Đặc biệt, trong năm 2021, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh khóa X thông qua các Nghị quyết thu hút giáo viên mầm non, chính sách hỗ trợ đối với giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp; Nghị quyết có liên quan về hồ bơi, miễn giảm học phí… Các nghị quyết này góp phần hỗ trợ giải quyết những khó khăn của ngành GD-ĐT địa phương về chế độ chính sách, con người, kinh phí… góp phần từng bước nâng chất lượng giáo dục.

Trong năm 2022, ngành GD-ĐT Tiền Giang tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh theo tinh thần “Đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT; phát triển nguồn nhân lực” với những định hướng:

Tổ chức sắp xếp hệ thống mạng lưới cơ sở GD-ĐT, quy mô trường, lớp phù hợp và khoa học. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới. Toàn ngành tập trung các nguồn lực để triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thực hiện mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.

Bên cạnh đó, ngành thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp, đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tổ chức rà soát, xây mới, cải tạo, sửa chữa trường, lớp để đáp ứng yêu cầu của dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Toàn ngành tiếp tục phát huy tốt các nguồn lực. Huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; xây dựng cơ sở vật chất theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa. Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước đầu tư cho GD-ĐT.

Tin tưởng rằng, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh, ngành GD-ĐT Tiền Giang sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau Phạm Hoàng Gan: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả chuyển đổi số

Ông Phạm Hoàng Gan
Ông Phạm Hoàng Gan

Trong năm 2022, ngành GD-ĐT tỉnh Cà Mau xác định một số nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo thực hiện như:

Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả công tác chuyển đổi số: Trong bối cảnh dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến khó lường ở năm 2022, ngành GD-ĐT tỉnh Cà mau đã chủ động triển khai, thực hiện bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận về công tác chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy.

Về chuyển đổi số trong quản lý, ngành đã chỉ đạo triển khai số hóa các loại hồ sơ chuyên môn, nghiệp vụ, học bạ điện tử, văn phòng điện tử… nhằm giảm chi phí, thời gian và tăng tính liên thông.

Về chuyển đổi số trong dạy và học, thời gian qua, ngành Giáo dục tổ chức tốt việc dạy và học trực tuyến. Các đơn vị, trường học đã chuẩn bị, đầu tư, ứng dụng nhiều phần mềm dạy học, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và cả học sinh. Xây dựng các bài giảng điện tử/video hỗ trợ dạy học trực tuyến giúp học sinh có thể tự học và phát triển năng lực tự học… Qua đó, giúp cho ngành tổ chức thực hiện kế hoạch thời gian năm học bảo đảm theo yêu cầu, chất lượng dạy và học có bước phát triển, được cha mẹ học sinh, người dân ghi nhận.

Đây được xem là nhiệm vụ then chốt cho năm 2022 nhằm giúp cho ngành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 và chuẩn bị các điều kiện cho năm học 2022 - 2023.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, trong đó điểm cốt lõi là phương pháp dạy và học: Tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên đang giảng dạy các lớp 1, 2 và lớp 6 của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài bồi dưỡng, tập huấn về nội dung, chương trình sách giáo khoa, phải quan tâm đến việc bồi dưỡng phương pháp dạy học. Trong đó có phương pháp dạy học trực tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và diễn biến dịch bệnh hiện nay.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Văn Kiệt (TPHCM) đi học trực tiếp ngày 13/12/2021.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Văn Kiệt (TPHCM) đi học trực tiếp ngày 13/12/2021.

Phát huy các phương pháp dạy học tích cực phù hợp với các nhóm đối tượng nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Chú trọng vai trò tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học chủ động, tích cực, tự lực của trẻ. Học sinh là chủ thể hoạt động học tập theo hướng dẫn của giáo viên để khám phá, chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Qua đó, giáo viên có điều kiện hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả học tập phù hợp. Bố trí thời gian hợp lý để hỗ trợ, bù đắp nội dung kiến thức còn thiếu ngay trong từng bài học cho em gặp khó khăn trong học tập, nhất là khó khăn về điều kiện học trực tuyến trong thời gian phải tạm dừng đến trường.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phần mềm quản lý nhà trường, dạy học trực tuyến: Khai thác, sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý, dạy học hiện có, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, quản trị nhà trường và dạy học trực tuyến. Đồng thời, đầu tư thêm những phần mềm, ứng dụng hiện đại, tích hợp, liên thông, phù hợp với điều kiện, quy mô trường lớp của tỉnh trong thời gian tới, đảm bảo đáp ứng yêu cầu cho việc quản lý và dạy học.

Tiếp tục hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để hỗ trợ kịp thời những học sinh không có thiết bị học trực tuyến, đảm bảo tất cả trẻ đều được tiếp cận công bằng trong giáo dục. Tăng cường phối hợp với cha mẹ trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng học sinh học tập trực tuyến; bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng các thiết bị điện tử và an toàn thông tin trên môi trường mạng. Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ để tổ chức và quản lý học sinh học tập ở nhà, ở trường cũng như việc đi lại hằng ngày từ nhà đến trường và từ trường về nhà; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khi trở lại học trực tiếp.   

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước Lý Thanh Tâm: Đa dạng hóa nguồn lực để phát triển giáo dục

Ông Lý Thanh Tâm
Ông Lý Thanh Tâm

Trong năm 2021, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy – HĐND - UBND tỉnh và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên toàn ngành, GD-ĐT của tỉnh Bình Phước tiếp tục đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ.

Toàn tỉnh có 388 trường, 8.092 lớp nhóm, 252.000 trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Chất lượng giáo dục toàn diện được chú trọng và ngày càng nâng cao; công tác giáo dục đạo đức, xây dựng văn hóa học đường được đẩy mạnh. Đội tuyển học sinh của tỉnh dự kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp quốc gia đoạt 54 giải (tăng 7 giải so với kỳ thi năm 2020), gồm: 4 giải Nhất, 6 giải Nhì, 17 giải Ba và 27 giải Khuyến khích.

Trong năm 2022, khi học sinh đi học trực tiếp trở lại, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ tập trung củng cố, bổ sung những thiếu hụt, lỗ hổng về kiến thức, kỹ năng cho các em sau 1 năm phải học trực tuyến.

Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ củng cố, kiện toàn hệ thống dạy học trên nền tảng số, coi đây là công cụ để ứng phó với mọi tình huống, tạo bước tiến nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, hướng đến ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, công ty công nghệ để triển khai chuyển đổi số cho toàn ngành…

Ngoài ra, ngành sẽ tập trung, đẩy mạnh việc kiên cố hóa trường học và chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện Chương trình GDPT 2018. Trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề cơ sở vật chất, thừa thiếu giáo viên, giáo viên dạy tin học, ngoại ngữ, chuẩn bị triển khai lớp cho lớp 3, 7, 10. Bên cạnh các nguồn lực nội tại, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ mở rộng, đa dạng giải pháp xã hội hóa giáo dục theo quy định, tiến tới ký hợp đồng hợp tác dạy học với doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ... 

Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu: Chủ động dạy - học trực tiếp và trực tuyến

Ông Nguyễn Văn Hiếu
Ông Nguyễn Văn Hiếu

Trong năm 2021, ngành GD-ĐT TPHCM đã hoàn thành mục tiêu kép là vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 vừa hoàn thành kế hoạch năm học. Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, toàn ngành có 94,58% cơ sở giáo dục thành lập tổ an toàn Covid-19, 100% cơ sở giáo dục đạt chuẩn an toàn theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trường học.

Trong thời điểm học sinh tạm dừng đến trường vì dịch bệnh, các trường đã tổ chức dạy học trực tuyến với nhiều hình thức khác nhau như ghi hình bài giảng, đăng tải lên website trường định kỳ theo tuần, tổ chức các hoạt động dạy học trực tuyến qua công cụ Zoom, Microsoft Teams, Facebook livestream, giao bài tập qua Zalo, Viber…

Trong năm 2022, ngành GD-ĐT TPHCM tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, công tác quản lý Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19, trong đó việc bảo đảm an toàn, phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh là mục tiêu hàng đầu trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm học.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục tận dụng tối đa thời gian dạy - học trực tiếp, nâng cao chất lượng dạy - học trên Internet, truyền hình, tăng cường kỹ năng tự học cho học sinh; xây dựng kho học liệu điện tử mở, hỗ trợ người học mọi lúc mọi nơi, làm nền tảng xây dựng xã hội học tập. Cùng với đó, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số để tổ chức dạy học qua Internet và phần mềm phục vụ triển khai phiếu học tập cho học sinh.

Đồng thời, ngành phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành để có những tham mưu, kế hoạch tiếp tục mở rộng đối tượng đến trường đối với bậc mầm non, tiểu học và lớp 6. Khi học sinh các bậc học đi học trực tiếp, toàn ngành sẽ tập trung củng cố, bù đắp kiến thức do quá trình học trực tuyến kéo dài vừa qua gây ra. Tuy nhiên, cũng có thể nói, hoàn cảnh, không gian và cách thức giảng dạy có thể thay đổi nhưng vai trò quan trọng của thầy cô giáo trong việc dạy học, dìu dắt, hướng dẫn học sinh nên người, thành tài là không thay đổi. Hoàn cảnh càng đặc biệt thì những giá trị tốt đẹp của tình thầy trò càng phải được thể hiện và cảm nhận một cách sâu sắc hơn.

Bên cạnh đó, toàn ngành chú trọng xây dựng kế hoạch, phương án đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình, đặc biệt với các môn Tin học và Ngoại ngữ, thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để triển khai Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ