Diễn đàn khoa học vừa là không gian đối thoại chính sách và trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, đại diện giới làm chính sách và giới thực hành giáo dục mầm non công lập và tư thục của Việt Nam và quốc tế, với sự tham dự của đại diện Bộ GD&ĐT, các trường đại học có đào tạo giáo viên mầm non và đông đảo người quan tâm.
Thông qua 4 nhóm chủ đề chính: Sức khỏe thể chất và tinh thần cho giáo viên và trẻ nhỏ như một hệ sinh thái; sáng tạo trong giáo dục mầm non (ngôn ngữ, trò chơi, nghệ thuật, công nghệ…); Giáo dục mầm non của Việt Nam và các quốc gia đang phát triển: một thị trường kinh doanh màu mỡ?; đổi mới trong đào tạo giáo viên mầm non.
TS Cù Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT phát biểu tại Diễn đàn. |
Các phiên thảo luận của Diễn đàn đã thu hút gần 30 báo cáo của các nhóm nghiên cứu đến từ nhiều trường đại học trong nước và quốc tế. Nội dung của các báo cáo cho thấy GDMN, đặc biệt ở Việt Nam, là “câu chuyện” sống động đang chứng kiến nhiều cơ hội, thách thức và biến đổi. Đó là lý thuyết, cách tiếp cận trong nghiên cứu về trẻ em, các khía cạnh đa chiều trong nghiên cứu về tâm lý trẻ, vai trò của cha mẹ trong GDMN, chương trình giáo dục ở trường mầm non phát triển toàn diện thể chất và tinh thần cho trẻ.
Đặc biệt, ngày 26/3 là Ngày Cộng đồng thực hành GDMN, thu hút hơn 1000 người làm giáo dục, nhà thực hành GDMN. Với chủ đề “Giáo dục Mầm non - Chuyển mình thay đổi”, 4 phiên thảo luận và 3 hội thảo nhóm mang đến những kiến thức thực tiễn có thể áp dụng vào công việc cho người thực hành GDMN như: Nắm bắt được tinh thần cốt lõi của các phương pháp GDMN và lựa chọn phương pháp phù hợp với mình; Tránh được những lầm tưởng trong hành trình làm giáo dục mầm non.
Trao đổi chuyên môn tại ngày thực hành GDMN. |
Hiểu được khung năng lực và quá trình đào luyện năng lực cho mỗi vị trí trong giáo dục mầm non; biết được những khó khăn mà các nhà thực hành mầm non đang gặp phải bắt nguồn từ đâu và hướng giải quyết; cách hóa giải các xung đột trong nhà trường và với phụ huynh để biến nhà trường thành cộng đồng kiến tạo; xây dựng văn hóa nhà trường yêu thương nhưng vẫn đảm bảo yêu thương, nề nếp và kỷ luật; cách tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi phù hợp với sự phát triển tâm lý của trẻ mầm non.
Cộng đồng thực hành GDMN bao gồm hàng ngàn cán bộ quản lý, giáo viên trường mầm non, phụ huynh, các tổ chức xã hội, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Tiếng nói của cộng đồng này vô cùng quan trọng để giúp cho các cơ sở đào tạo nắm bắt những đòi hỏi thực tiễn, làm căn cứ cho việc đổi mới đào tạo, giúp các nhà quản lý, những người làm chính sách đưa ra những quyết định phù hợp trong bối cảnh mới. - TS Cù Thị Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ GDMN - Bộ GD&ĐT