Phát triển cả số lượng và chất lượng
Theo bà Dương Bích Nguyện – Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai: năm học vừa qua ngành GD&ĐT Lào Cai đã tham mưu ban hành chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ 24-36 tháng tuổi;
Tham mưu Bộ GD&ĐT nhất trí chọn tỉnh Lào Cai thực hiện thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi để làm cơ sở nhân rộng toàn quốc thực hiện phổ cập mẫu giáo trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Thực tế cũng cho thấy, chỉ trong 1 năm nhưng quy mô mạng lưới trường, lớp bậc học mầm non tiếp tục phát triển phù hợp với phân bố dân cư và địa hình của tỉnh.
Ngành giáo dục đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các cơ chế, chính sách đối với giáo dục mầm non (GDMN); duy trì ổn định tỷ lệ trẻ tới trường, lớp, đặc biệt tỷ lệ trẻ em 5 tuổi, 4 tuổi.
Các cơ sở GDMN thực hiện điều chỉnh kế hoạch thực hiện chương trình GDMN phù hợp với tình hình diễn biến dịch Covid -19, đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ; sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
Bên cạnh phát triển về số lượng, quy mô trường lớp thì “bài toán” chất lượng và hiệu quả giáo dục tiếp tục được tháo gỡ hiệu quả nên đã chuyển biến toàn diện, vững chắc nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay GDMN có khá nhiều mô hình và giải pháp đặc thù nâng cao chất lượng giáo dục trong chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số và chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ em làm trung tâm”.
Đặc biệt, ngành GDMN đã triển khai hiệu quả ứng dụng phương pháp giáo dục STEAM trong tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo ở 100% các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đảm bảo phù hợp với từng đơn vị.
Thống kê từ Sở GD&ĐT Lào Cai cho thấy: 100% các đơn vị xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển nhà trường, giai đoạn 2020 -2025 và Chương trình GDMN nhà trường phù hợp thực tiễn.
Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được chú trọng đầu tư và từng bước tăng cường theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa; nhiều trường vùng cao có cơ sở vật chất tốt, cảnh quan đẹp,hoạt động giáo dục sôi nổi, chất lượng.
Công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi được củng cố, duy trì vững chắc ở 152/152 xã, phường, thị trấn và chuẩn bị tốt các điều kiện để phổ cập GDMN cho trẻ em 4 tuổi.
Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh và triển khai thực hiện băng nhiều hình thức, biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, nâng cao hiểu biết, sự đồng thuận và tham gia của người dân đối với GDMN…
Nhìn thẳng để tháo gỡ
Những kết quả quan trọng trong 1 năm đầy biến động đối với GDMN được ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn mà Lào Cai cần tháo gỡ.
Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai – Dương Bích Nguyệt đã chỉ ra: Số lượng trẻ/nhóm, lớp thuộc các trường khu vực trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn khá đông, đa số vượt quá số lượng trẻ so với quy định Điều lệ trường MN.
Một số trường MN tư thục số lượng trẻ giảm so với cùng kỳ năm học trước do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Một bộ phận CBQL, GV còn hạn chế về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy. Đội ngũ GV, nhân viên còn thiếu nhiều so với định mức quy định, đặc biệt là sau giai đoạn nghỉ dịch Covid-19 kéo dài.
Mặt khác, hiện nay tại Lào Cai trình độ GV mầm non chưa đạt chuẩn còn cao (tổng số 793 người, chiếm 18,4%; tập trung nhiều ở các trường MN tư thục và nhóm trẻ, lớp MGĐL tư thục (44,5%).
Kinh phí đầu tư cho cấp học mặc dù đã được quan tâm song chưa đáp ứng đầy đủ các mục tiêu phát triển GDMN. Còn thiếu nhiều phòng chức năng, công trình phụ trợ tại các điểm trường lẻ; đồ dùng, đồ chơi tối thiểu cho trẻ dưới 5 tuổi, thiết bị thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin còn thiếu, chưa đồng bộ.
Công tác xã hội hóa giáo dục về tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học ở vùng cao còn hạn chế.
Chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn cho trẻ vùng cao, dân tộc thiểu số mặc dù đã được nâng lên nhưng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để tháo gỡ khó khăn, hạn chế ngành GD&ĐT Lào Cai để xuất Bộ GD&ĐT tham mưu với Quốc hội, bổ sung, điều chỉnh Luật Giáo dục để thực hiện phổ cập GDMN theo Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư; Ban hành chính sách để phát triển GDMN vùng đặc biệt khó khăn;
Cùng đó, ban hành Đề án Phổ cập giáo dục mẫu giáo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Sở GD&ĐT Lào Cai cũng đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ liên quan sớm có hướng dẫn về việc chuyển đổi cơ sở GDMN công lập thành ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao.
Bộ GD&ĐT nghiên cứu ban hành quy định cho trẻ MN làm quen với tin học trong các cơ sở GDMN; Nghiên cứu xây dựng tài liệu, dữ liệu hướng dẫn cha mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ em tại gia đình dùng chung trên toàn quốc để ứng phó dịch Covid-19…