Giáo dục lòng nhân ái từ hoạt động thiện nguyện

GD&TĐ - Nhiều năm nay, phong trào “lá lành đùm lá rách”... từ các trường học hướng đến HS vùng cao, trường học chịu ảnh hưởng thiên tai bão lũ diễn ra sôi nổi.

Mặc dù còn nhiều thiếu thốn nhưng HS Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà, Lào Cai) sẵn sàng chia sẻ khi đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Ảnh: NTCC
Mặc dù còn nhiều thiếu thốn nhưng HS Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà, Lào Cai) sẵn sàng chia sẻ khi đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Ảnh: NTCC

Đây không chỉ là hoạt động để các trường thể hiện trách nhiệm cùng xã hội, mà còn giáo dục HS biết sống yêu thương, chia sẻ, cảm thông.

Giáo dục lòng nhân ái, yêu thương

Trong những ngày này, các trường học từ vùng cao đến thành phố trên khắp cả nước đang hướng về miền Trung khi người dân nói chung và nhà trường, HS, GV nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng do mưa lũ. Mỗi món quà dù nhỏ nhất đều chứa đựng tinh thần nhân ái, yêu thương đùm bọc…

Cô Trần Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Lào Cai – Lào Cai) chia sẻ: Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, toàn thể cán bộ, GV, nhân viên và 894 HS nhà trường đã tham gia chương trình ủng hộ miền Trung. Nhà trường không quy định HS, GV phải ủng hộ bao nhiêu, bằng hiện vật hay tiền mặt. GV, HS có thể thể hiện tấm lòng của mình với HS vùng lũ hoàn toàn tự nguyện bằng những cuốn vở mới, đồ dùng học tập, SGK cũ; GV có thể ủng hộ thùng mì tôm, quần áo ấm, hoặc tiền mặt. 

Của ít lòng nhiều, nhưng chúng tôi cảm thấy cảm động, tự hào và trân trọng vô cùng tấm lòng của các em… Cô Trần Thị Liên 

Cô Trần Thị Liên cho biết: Có những HS khó khăn ủng hộ 1 - 2 quyển vở mới, có HS được bố mẹ hỗ trợ nhiều hơn đã ủng hộ 100.000 đồng. Thậm chí em Trịnh Thiên Hải – lớp 3A5 đã ủng hộ 200.000 đồng từ phần thưởng tham gia đội đá bóng vừa đoạt giải. 13 HS của trường vừa đoạt giải cờ vua cũng tự nguyện trích số tiền được thưởng để ủng hộ. Nhiều HS tâm sự đã nhịn ăn sáng vài bữa để có nhiều tiền ủng hộ các bạn… 

HS Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) trong hoạt động ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Ảnh: NTCC
HS Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) trong hoạt động ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Ảnh: NTCC

Chia sẻ từ Thừa Thiên - Huế trong chuyến từ thiện đến với GV, HS, ông Nghiêm Nhật Anh - Giám đốc điều hành Trường TH & THCS Everet (quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội) cho biết: Đợt 1, cán bộ quản lý (CBQL), GV, nhân viên cùng đối tác nhà trường tình nguyện ủng hộ 1 ngày lương (gần 200 triệu đồng). Số tiền được chia thành 1.100 phần quà (thuốc chữa bệnh, đồ dùng học tập; bánh…) hỗ trợ cho HS của Trường Tiểu học Phú An và THCS Phú An (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). 

“Sau Thừa Thiên - Huế, nhà trường sẽ tiếp tục đến Quảng Trị để khảo sát 2 - 4 trường học bị thiệt hại nặng cơ sở vật chất. Trên cơ sở đó phát động phụ huynh HS, HS toàn trường cùng chung tay ủng hộ. Việc đóng góp xuất phát tùy tâm, không ép buộc. Dự định số tiền huy động được từ ủng hộ của phụ huynh, HS và nhà trường khoảng 500 triệu đồng. Tất cả được ủng hộ để các trường củng cố cơ sở vật chất, hỗ trợ những HS có hoàn cảnh khó khăn…” – ông Nghiêm Nhật Anh chia sẻ.

Là một trường học vùng cao khó khăn, với 100% HS người dân tộc, tuy nhiên Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai) đã tổ chức lễ phát động ủng hộ miền Trung. Thầy Ngô Xuân Tùng – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố bày tỏ: 555 HS của trường cơ bản đều có hoàn cảnh khó khăn, các em chỉ có thể ủng hộ 1.000 -  2.000 đồng, nhiều nhất 5.000 đồng. Tiền được trích từ tiền quà bố mẹ cho cuối tuần. Có em chỉ tham dự hoạt động mà không ủng hộ. Tổng số tiền buổi lễ huy động được 2,6 triệu đồng… Giá trị vật chất chưa nhiều nhưng chúng tôi xác định đây là hoạt động ý nghĩa cần thiết để giáo dục HS, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Miễn sao HS hiểu và biết chia sẻ khó khăn với người khác và sau này khi trưởng thành các em biết sống có trách nhiệm, yêu thương.

Không để phong trào thành bề nổi

Cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Lào Cai – Lào Cai) ủng hộ bằng nhiều hình thức đối với HS vùng lũ. Ảnh: NTCC
Cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Lào Cai – Lào Cai) ủng hộ bằng nhiều hình thức đối với HS vùng lũ. Ảnh: NTCC

Có thể thấy, phong trào hướng về miền Trung tại các nhà trường, cơ sở giáo dục trong thời gian qua và đặc biệt trong đợt bão lũ gần đây đều thể hiện sự quan tâm, giáo dục tính nhân văn, biết yêu thương và chia sẻ khó khăn, sống có trách nhiệm cho HS.     

Cô Trần Thị Liên khẳng định: Hoạt động từ thiện sẽ không ý nghĩa giáo dục nếu HS không hiểu được mục tiêu việc mình đang làm? Chính vì vậy, trước khi diễn ra lễ phát động, nhà trường đã cho HS các lớp xem hình ảnh lũ lụt, thấy được sự mất mát, khó khăn của các bạn vùng bão lũ. Từ đó, các em ý thức cuộc sống của mình đầy đủ ra sao? Cần chia sẻ gánh vác khó khăn cùng xã hội, tạo điều kiện để những HS chịu thiệt thòi, có cơ hội tới trường học tập…

Cô Phạm Thị Chang – Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: Có những HS đã xin bố mẹ mang tiền mừng tuổi đến ủng hộ, em ủng hộ bằng tiền tiết kiệm lâu nay từ những việc làm tốt hoặc được bố mẹ thưởng. Nhiều HS đã khóc khi xem hình ảnh mà các bạn HS vùng bão lũ phải trải qua... Như vậy, giáo dục HS thông qua những hoạt động thiện nguyện trong nhà trường mang tới giá trị và hiệu quả lớn. Có thể coi đây là phương pháp giáo dục thiết thực song cách làm cần được các nhà trường hết sức quan tâm, chú trọng để tránh biến tướng hoặc trở thành phong trào bề nổi.

“Các nhà trường cần tiến hành hết sức cẩn trọng, làm sao để tạo ra phong trào ý nghĩa thực, giúp mỗi GV, HS, phụ huynh HS thấy được tấm lòng và sự dành dụm đóng góp của họ đi tới đích. Thậm chí, với cha mẹ, để có được sự đồng lòng và ghé vai gánh vác, các nhà trường cần công khai minh bạch hoạt động từ thiện sẽ tới đâu, ở đó cần gì, ủng hộ theo hình thức nào. Mặt khác, trong mỗi hoạt động từ thiện bên cạnh các đoàn thể nhà trường cần mời cả đại diện ban phụ huynh HS cùng tham dự. Thấy được hiệu quả, ý nghĩa thiết thực, chắc chắn GV, HS, phụ huynh sẽ yên tâm, tự nguyện đồng hành với nhà trường trong các hoạt động thiện nguyện…” – Cô Phạm Thị Chang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ