PGS Lưu Văn An - nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, giáo dục đại học đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Cơ chế thị trường, việc nổi lên của các dịch vụ giáo dục tư thục và quốc tế đã tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt cho các cơ sở giáo dục trong việc cung ứng dịch vụ giáo dục uy tín, có chất lượng.
Đồng thời, xu hướng tăng cường tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học cũng đòi hỏi các quốc gia đã và đang áp dụng hệ thống kiểm soát và tăng cường chất lượng giáo dục thông qua cơ chế kiểm định và công nhận các cơ sở đạt chất lượng giáo dục.
Việc đánh giá ngoài bởi các tổ chức kiểm định độc lập song song với việc kiểm định chất lượng nội bộ trong nhà trường đã có tác động mạnh mẽ đến các cấp: từ cấp hệ thống giáo dục đại học đến các cơ sở giáo dục, đến các đơn vị cho đến các cá nhân.
Cơ chế tác động được thể hiện thông qua các thay đổi về mặt cấu trúc, chính sách, cũng như việc hình thành văn hoá chất lượng.
Chất lượng và cải tiến chất lượng trở thành ưu tiên hàng đầu trong các chính sách, quyết định, các mục tiêu, chương trình hành động, hoạt động ở cấp trường, cấp đơn vị, bộ phận và cấp cá nhân.
Như vậy, đảm bảo chất lượng không chỉ là công việc của một bộ phận mà là trách nhiêm của toàn bộ các đơn vị trong toàn trường, của lãnh đạo, cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viẽn trong toàn trường.
Cũng theo PGS. TS. Lưu Văn An,việc xây dựng văn hoá chất lượng trong nhà trường đòi hỏi mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại giữa quản lý chất lượng từ cấp trên (cấp trường, khoa, phòng, ban) và cam kết chất lượng từ cấp cơ sở (cá nhân, tập thể).
Quản lý chất lượng được thực hiện thông qua các công cụ, cơ chế đo lường, đánh giá, đảm bảo và tăng cường chất lượng. Văn hoá chất lượng được hình thành ở cấp độ cơ sở là sự cam kết của cá nhân nhằm phấn đấu đạt chất lượng mong đợi, hình thành các niềm tin, giá trị chung cho tập thể.
PGS. TS. Lưu Văn An nhấn mạnh: Cả hai yếu tố, quản lý chất lượng và cam kết chất lượng là những yếu tố thiết yếu để hình thành văn hoá chất lượng trong nhà trường, tương tác lẫn nhau thông qua sự giao tiếp, truyền tải và sự tham gia.
Toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên, người học trong nhà trường phải nắm rõ được các mục tiêu chất lượng, cơ chế, công cụ quản lý chất lượng và tham gia thực hiện, đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, việc người học tham gia đánh giá chất lượng đào tạo được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu hình thành văn hoá chất lượng trong nhà trường.
Hoạt động này bao gồm đánh giá môn học và chất lượng giảng dạy, đánh giá chương trình đào tạo, đánh giá cơ sở vật chất và hoạt động hỗ trợ đào tạo.