Giáo dục là con đường duy nhất cho phụ nữ Nam Á khẳng định bản thân

GD&TĐ - "Giáo dục là con đường duy nhất hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn", Faiza Yousuf, người sáng lập WomenInTechPK, cộng đồng lớn nhất dành cho các nhà công nghệ nữ ở Pakistan phát biểu.

Giáo dục là con đường duy nhất cho phụ nữ Nam Á khẳng định bản thân

“Đặc biệt, đối với phụ nữ ở Nam Á, giáo dục là tấm vé để họ tự lực cánh sinh và độc lập về tài chính. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người, bất kể giới tính, chủng tộc, dân tộc và khả năng, đều nên có cơ hội bình đẳng để được học hành cũng như độc lập về tài chính.”

Tổ chức của Faiza Yousuf đã tạo ra làn sóng trong ngành công nghệ địa phương nhờ các chương trình và hoạt động tích cực. Tốt nghiệp sau đại học tại Đại học Kỹ thuật và Công nghệ NED ở Karachi, Faiza đã hoàn thành chương trình WomenXPakistan do Ngân hàng Thế giới tài trợ và hiện đang lãnh đạo bộ phận phát triển sản phẩm cho công ty phát triển phần mềm Genetech Solutions. Danh mục dự án của cô bao gồm các chương trình với USAID, UNEquals và Trung tâm Miller về Doanh nhân Xã hội, cùng rất nhiều những chương trình khác.

Faiza thể hiện niềm đam mê của mình đối với giáo dục, xem đây như một nấc thang, thậm chí là một cây đũa thần giải quyết các vấn đề - không chỉ là những vấn đề về nhu cầu sinh sống cơ bản, mà còn là các vấn đề xã hội.

“Việc theo đuổi con đường học vấn đã thay đổi cuộc đời tôi và của nhiều người khác mà tôi biết,” Faiza nói. (Cô sẽ phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Nam Á của eShe do Phụ nữ lãnh đạo vào ngày 3 tháng 10 năm 2021.)

Faiza nhận thấy rằng hệ thống tín ngưỡng hoặc văn hóa xã hội Nam Á đã ngăn cản nhiều phụ nữ tập trung vào sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ dù có khả năng. “Phụ nữ thường được khuyến khích trở thành giáo viên, y tá, bác sĩ và trong hầu hết các trường hợp là người nội trợ,”- cô nói.

Tổ chức của cô đang cố gắng thay đổi suy nghĩ hạn chế này: “Bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực như công nghệ có những rào cản đáng kể và một trong những rào cản mà chúng tôi đang cố gắng phá vỡ là việc không đầu tư vào giáo dục kỹ thuật cho các bé gái”.

Chương trình đào tạo về kỹ năng kinh doanh và lập trình do cộng đồng tài trợ của Faiza là CodeGirls dạy kỹ năng viết mã cho các bé gái và phụ nữ ở Karachi, những người chưa bao giờ có cơ hội được giáo dục về kỹ thuật công nghệ. Cô cho biết: “Cho đến nay, chúng tôi đã đặt gần 150 phụ nữ vào hệ sinh thái công nghệ địa phương.

Đối với Faiza, công việc của cô tại WomenInTechPK bắt đầu với một cộng đồng trên Facebook, cách đây 4 năm. Kể từ đó, nó đã trở thành một tổ chức phi lợi nhuận. “Chúng tôi thực hiện các chương trình vận động chính sách, cộng tác, cố vấn, sáng tạo nội dung và dựa trên kỹ năng tập trung vào sự đa dạng và hòa nhập, chủ yếu trong hệ sinh thái công nghệ ở Pakistan. Chúng tôi có hơn 9.000 thành viên là phụ nữ”.

CodeGirls đã nhận được sự hỗ trợ to lớn từ các lĩnh vực công nghệ trong nước và quốc tế dưới hình thức tài trợ, tiếp cận và cơ hội làm việc. 

Tổ chức này đã và đang đưa ra các nghiên cứu với mục đích duy nhất là cải thiện bình đẳng giới trong hệ sinh thái công nghệ. Cô nói: “Ngành công nghiệp công nghệ có mức lương cao hơn và cơ sở vật chất tốt hơn nhiều ngành khác, và ngành công nghiệp này chắc chắn cần tới yếu tố bình đẳng giới.”

Tầm nhìn của cô về việc chuyển đổi nền giáo dục ở Pakistan là thực tế, rõ ràng và tập trung vào các giáo viên, những người cô coi là cơ sở xây dựng của toàn bộ hệ thống giáo dục. "Một giáo viên giỏi có tiềm năng thay đổi cuộc sống".

Ở một khu vực như Nam Á, nơi cha mẹ kiểm soát rất nhiều cuộc sống của con cái, đặc biệt là các quyết định về giáo dục và nghề nghiệp, Faiza cho biết có rất nhiều điều để học hỏi từ hệ thống giáo dục châu Âu, hệ thống này có thể được bản địa hóa và áp dụng cho các khu vực thích hợp.

Liên minh Nam Á thuộc Liên minh Châu Âu cũng sẽ mang lại lợi ích cho hệ thống giáo dục trong toàn khu vực. Faiza mong mỏi một số yếu tố phổ biến trong giáo dục mà cô hy vọng sẽ thấy được giới thiệu ở tất cả các quốc gia Nam Á: “Tôi hy vọng sẽ tăng cường tính di động, đặc biệt là đối với giáo dục và công việc để chúng ta có thể trao đổi nhiều hơn và học hỏi từ các phương pháp hay nhất. Một điều khác mà tôi mong ước là giáo dục chuyên ngành hoặc đại học miễn phí cho tất cả mọi người, vì phần lớn dân số của chúng ta không thể chi trả cho giáo dục tư nhân. Và tôi thực sự hy vọng chúng ta sẽ chuyển từ học vẹt sang sáng tạo và tư duy phân tích trong tương lai. Chúng ta phải tập trung vào năng suất học tập và quá trình tự học.”

Cô nói thêm, các chính phủ phải vào cuộc và chịu trách nhiệm thay đổi cách nghĩ của mọi người bằng cách khuyến khích giáo dục và đào tạo công nghệ cho các bé gái. “Đầu tư tích cực vào các sáng kiến ​​tập trung vào phụ nữ và thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức sẽ không chỉ thay đổi cuộc sống của các cá nhân, đặc biệt là phụ nữ ở Nam Á, mà còn đưa khu vực của chúng ta lên vị trí nổi bật trên toàn cầu.”

Theo MoneyControl

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ