Giáo dục học trò từ những điều giản dị

GD&TĐ - TS Trần Thị Phúc An - Trưởng khoa Lý luận chính trị, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội) cho rằng: Giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống cho sinh viên cần bắt nguồn từ những điều giản dị, thiết thực.

TS Trần Thị Phúc An (áo dài) trao giải thưởng cho các thí sinh xuất sắc khi kể chuyện về Bác Hồ năm 2017. Ảnh: NVCC
TS Trần Thị Phúc An (áo dài) trao giải thưởng cho các thí sinh xuất sắc khi kể chuyện về Bác Hồ năm 2017. Ảnh: NVCC

Khơi dậy khát vọng cống hiến

Nhiều người cho rằng, sinh viên hiện nay sống thiếu lý tưởng, thích hưởng thụ, buông thả, thực dụng và ích kỷ… Tuy nhiên, theo TS Trần Thị Phúc An, đó chỉ là con số rất nhỏ trong số hàng ngàn sinh viên tiên tiến hiện nay. Trước những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phần lớn sinh viên chủ động, sáng tạo, có bản lĩnh, luôn mong muốn được thể hiện và có khát vọng vươn lên cống hiến tài năng của mình cho đất nước. Vấn đề đặt ra: Chúng ta cần khơi dậy khát vọng cống hiến của sinh viên và bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các em.

Để công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống cho sinh viên không trở nên giáo điều, sáo rỗng, TS Trần Thị Phúc An cùng với tập thể Khoa Lý luận chính trị và nhà trường tổ chức sân chơi lành mạnh, bổ ích. Theo đó, nhiều cuộc thi diễn ra với hình thức đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo sinh viên tham gia.

Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, cứ 2 năm một lần, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (HUMG) tổ chức cuộc thi như: “Sinh viên HUMG và những câu chuyện về Bác” dưới hình thức sân khấu hóa. Năm 2019, nhà trường tổ chức thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác”. Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhà trường dự kiến sẽ tổ chức cuộc thi “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” bằng hình thức trực tuyến. “Trong các cuộc thi này, tôi đều tham gia với tư cách cố vấn nội dung và thành viên Ban giám khảo”- TS Trần Thị Phúc An chia sẻ.

TS An đã chủ trì 2 đề tài cấp cơ sở và 1 đề tài cấp Bộ về giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thanh niên, sinh viên. Cô cũng tham gia viết 1 phần trong cuốn sách “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, do NXB Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản. Ngoài ra, cô còn viết bài báo đăng trên tạp chí khoa học và Kỷ yếu hội thảo các cấp có liên quan đến chủ đề này.

TS. Trần Thị Phúc An. Ảnh: NVCC.
TS. Trần Thị Phúc An. Ảnh: NVCC.

Trân quý những bài học

Một trong những đề tài mà TS Trần Thị Phúc An chủ trì và tâm đắc nhất là “Đạo đức Hồ Chí Minh và việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cho thanh niên – Áp dụng cho sinh viên Trường Đại học Mỏ - Đại chất”. Đề tài nghiên cứu hệ thống tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời làm rõ thực trạng đạo đức của thanh niên hiện nay. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao công tác giáo dục đạo đức cho thanh niên nói chung và sinh viên Trường ĐH Mỏ - Địa chất nói riêng.

TS Trần Thị Phúc An chia sẻ: Đề tài góp phần nghiên cứu một cách có hệ thống những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức của Người. Mặt khác, phân tích thực trạng đạo đức của thanh niên và giáo dục đạo đức cho họ. Ngoài ra, cô đã kiến nghị và đưa ra những phương hướng cơ bản, từ đó đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm giáo dục đạo đức cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Theo TS Trần Thị Phúc An, để công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống cho sinh viên được hiệu quả, thiết thực, các trường cần đa dạng hóa các hình thức thi tìm hiểu về các vĩ nhân, lịch sử hào hùng của dân tộc; đồng thời cần có sự phối hợp giữa gia đình nhà trường và xã hội trong việc tổ chức các hoạt động về nguồn.

Cùng với đó, đẩy mạnh chương trình, phong trào, hoạt động sinh viên tình nguyện nhằm khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong các em. Ngoài ra, cần tạo điều kiện, môi trường để sinh viên phát huy thế mạnh của mình. Đặc biệt, mỗi thầy cô giáo cần có tác phong mẫu mực, say mê, nghiêm túc trong lao động sư phạm, yêu thương, gần gũi với sinh viên, đoàn kết với đồng nghiệp, thực sự là những tấm gương tâm huyết và sáng tạo để sinh viên noi theo.

“Tôi vẫn thường nói với sinh viên, trên con đường phía trước, không phải lúc nào cũng bằng phẳng, “trải hoa hồng”, mà chắc chắn sẽ có nhiều chông gai. Nhưng khi đã có mục tiêu, lý tưởng, hãy cứ đi và phấn đấu đến cùng. Tuổi trẻ phải dám dấn thân, đương đầu với khó khăn thử thách, thậm chí chấp nhận thất bại để đứng lên đi tiếp. Và dù thành công, hay thất bại đều cho mình những bài học trân quý” - TS Trần Thị Phúc An bộc bạch.

Sinh viên Phạm Thị Thu Hằng - lớp Kế toán 65C chia sẻ: Cô An là giảng viên nhiệt tình, tâm huyết và nhiều đổi mới sáng tạo trong dạy học. Những bài học về chính trị hoặc tư tưởng Hồ Chí Minh được cô truyền đạt rất sinh động. Thông qua những câu chuyện, tình huống thực tiễn đã giúp bài giảng trở nên sống động, gần gũi.

PGS.TS Triệu Hùng Trường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ - địa chất cho hay: TS Trần Thị Phúc An là người giản dị, sống lạc quan và có nhiều tâm huyết, sáng tạo trong giảng dạy cũng như tổ chức các hoạt động giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống cho sinh viên. “TS luôn năng nổ trong các phong trào thi đua, hoạt động giáo dục của nhà trường, được bạn bè, đồng nghiệp và sinh viên tin tưởng, yêu quý” - PGS.TS Triệu Hùng Trường khẳng định.

Theo TS Trần Thị Phúc An, giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên và tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên trong bối cảnh hiện nay là giải pháp quan trọng. Qua đó, góp phần xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa – những công dân toàn cầu, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.