Màn kịch hay thực tế đáng buồn?
Khỏi phải nói người dân Ghana đã bày tỏ sự tức giận đến thế nào trên phương tiện truyền thông xã hội về “sự phát triển” (của nền GD) mà họ mô tả là gây bối rối cho quốc gia. Các cơ quan truyền thông cũng chỉ ra những báo cáo cho thấy khoản tiền cần thiết để in các câu hỏi thi chưa được chính quyền Trung ương gửi đến các trường học.
Về phần mình, Bộ GD Ghana thay vì nhận trách nhiệm, lại bày tỏ mối quan ngại trước quyết định của giáo viên khi chia sẻ hình ảnh trên phương tiện truyền thông xã hội về cách họ bị buộc phải viết các câu hỏi kiểm tra học kỳ lên bảng, để HS đọc và làm bài thi. Thậm chí, đại diện Bộ GD còn cáo buộc rằng đây thực tế là “màn kịch” của một số giáo viên.
Phát biểu trong cuộc trò chuyện với nhà báo Francis Abban trên kênh Starr FM vào giữa tuần trước, người phát ngôn của Bộ GD Ghana, ông Vincent Assafuah, cho biết mặc dù việc thanh toán khoản trợ cấp - vốn được sử dụng để in các bài thi - bị trì hoãn, các giáo viên đã sai lầm khi “diễn kịch” đối với tình huống này.
“Tại sao đây lại là một màn kịch? Có phải vì giáo viên đã nhận được một số tiền từ những gì mà chúng tôi chi trả trước đó và bây giờ họ không nhận được? Vậy có phải họ giận dỗi không? Viết lên bảng không phải là một hiện tượng mới, nếu đó là cách duy nhất người nghèo có thể được tiếp cận GD thì cũng vậy. Nhưng làm sao mà họ phải viết đề thi lên bảng? Hôm qua (tức ngày 2/4 - ND), một nửa số tiền họ cần để in các tài liệu đã được chi trả. Chúng tôi đồng ý rằng khoản thanh toán bị trì hoãn, nhưng nó không phải là cái cớ để một số giáo viên dựng lên màn kịch này. Tôi phản đối điều đó. Không thể chấp nhận được. Giáo viên đóng kịch với tình huống này là không thể chấp nhận được”, ông Assafuah nói.
Trong khi đó, ông Kofi Asare - một nhà tư vấn GD và là thành viên của Liên minh GD quốc gia Ghana, cũng tham gia cuộc trao đổi này, đã chỉ trích thực trạng diễn ra, nói rằng Ghana đang tụt lùi so với chính mình.
“Sự kém hiệu quả trong quản lý đang đưa chúng ta trở lại thời điểm 10 năm trước. Viết đề thi lên bảng là cách tốt nhất để ảnh hưởng đến hiệu suất của HS trong các kỳ thi chứng chỉ GD cơ bản (BECE). Cách tiếp cận dịch vụ GD như vậy phải xem xét lại. Nhiều khoản trợ cấp đã không được gửi đến các trường kể từ đầu năm học. Chúng tôi đã tham vấn cho chính phủ về điều này. Chúng ta cần hiểu rằng một trường học không thể được quản lý nếu không có tiền…
Chúng tôi mệt mỏi với thứ tiếng Anh và văn phạm mà Bộ GD cung cấp. Chúng tôi muốn thấy một số hành động. Chúng ta đừng tạo ấn tượng rằng vì chính sách Trường trung học miễn phí (Free SHS) của chính phủ là một lời hứa chính trị; chúng ta phải thực sự quan tâm đến nó, bởi bỏ bê GD cơ bản là vi phạm vào một quyền đã được hiến pháp quy định”, ông Asare nói với nhà báo Abban.
Những câu hỏi cần giải đáp
Sự giận dữ đối với bức tranh tối của GD xem ra ngày càng lan rộng ở quốc gia châu Phi này, sau màn biện minh vụng về của đại diện Bộ GD. Trong một bài phát biểu vào cuối tuần trước, ông Enoch Kwasi Gyetuah Ankoanna - Giám đốc Hội đồng các trường tư thục quốc gia Ghana (GNACOPS), đã bày tỏ sự phẫn nộ với các phương pháp đánh giá GD hiện nay ở hầu hết các trường công lập.
Ông Ankoanna xoay quanh tình huống giáo viên phải viết đề thi lên bảng và đặt vấn đề rằng mớ hỗn độn này được tạo ra bởi sự yếu kém trong quản lý và bất minh về tài chính của Bộ GD. Ông kêu gọi các giáo viên không nên thỏa hiệp với Bộ GD để hạ thấp chất lượng, cụ thể nhất là tình huống phải viết đề thi lên bảng trong đợt thi học kỳ trung học vừa diễn ra.
Phân tích kỹ về các quy định trong kiểm tra đánh giá của hệ thống GD Ghana, ông khẳng định các kỳ thi được tổ chức để HS thể hiện được năng lực của mình sau thời gian học tập; họ phải được tạo điều kiện đầy đủ để thể hiện khả năng đó. Do vậy, không thể nào chấp nhận được rằng HS phải đọc các câu hỏi được viết trên bảng để làm bài. Trường hợp các điều kiện chuẩn bị không đầy đủ theo yêu cầu, kỳ thi tốt nhất không nên diễn ra.
“Làm thế nào mà điều này (việc giáo viên phải viết đề thi lên bảng) có thể xảy ra trong thời đại của công nghệ, khi mà các bộ ngành đang nhiệt tình rao giảng về tầm quan trọng của CNTT đối với đời sống xã hội, trong đó có GD? Tại sao chúng ta không thể in một bài kiểm tra chung cho thế hệ tương lai của đất nước này, trong thị trường toàn cầu cạnh tranh hiện nay? Làm thế nào chúng ta có thể triển khai Chương trình giảng dạy tiêu chuẩn mới, trong đó tập trung vào phát triển phần mềm cho người học, trong khi những đề thi dài dằng dặc lại viết lên bảng phấn?”, ông Ankoanna chất vấn.
Đặt ra hàng loạt câu hỏi tiếp theo về vai trò và trách nhiệm của các quan chức GD, cũng như sự vận hành của các trường công lập, ông Ankoanna cũng chỉ trích thói quan liêu, tệ tham nhũng đã đẩy lùi chất lượng - điều mà theo ông, người dân Ghana từ lâu đã kết luận công khai. Cuối bài phát biểu dài và đầy gay gắt này, ông tuyên bố GNACOPS thách thức Tổ chức Dịch vụ GD Ghana (GES) đứng ra điều tra nguyên nhân sự việc nêu trên; đồng thời cảnh báo sẽ có những “sự bất thường sẽ xảy ra” nếu những bất cập trong chính sách GD hiện nay được GES chấp nhận.
“GD của Ghana cần chất lượng hơn là số lượng”, ông Ankoanna nhấn mạnh.