Đó là hành trình đến với những cậu bé, cô bé đồng bào dân tộc hàng ngày theo cha mẹ lên nương rẫy; là khoảng thời gian gắn với những cậu bé, cô bé được truyền cảm hứng để thắp lên ngọn lửa ước mơ trở thành những người mang con chữ về với bản làng.
Sau nhiều nỗ lực học tập, tốt nghiệp ra trường, cô Đinh Thị Kem (SN 1988, dân tộc H’re) được phân công về giảng dạy tại điểm trường Xóm Đèo của Trường Tiểu học Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, nơi cô sinh ra và lớn lên. Điểm trường chỉ có một lớp học với 10 - 12 em với hai nhóm trình độ khác nhau.
Cô Kem cho biết: Điều kiện cơ sở vật chất của điểm trường gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Người dân nơi đây đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, không có điều kiện kinh tế, hạn chế trong nhận thức, nhiều khi không cho con em đến tuổi đi học đến trường hoặc để con em bỏ học giữa chừng, ở nhà phụ giúp gia đình.
Đối mặt với những khó khăn, cô Kem không nản lòng mà nỗ lực tìm giải pháp khắc phục. Cô luôn học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn, cố gắng truyền đạt kiến thức một cách dễ hiểu nhất để các em biết đọc, viết, tính toán và nhận biết những cái hay, cái đẹp của thế giới xung quanh qua từng bài học, tiết dạy.
Không chỉ vã mồ hôi dạy cho học sinh từng con chữ, cô Kem chẳng đếm xuể số lần băng qua nương, rẫy để vận động các em đến lớp. Cô Kem cho hay: Để duy trì sĩ số học sinh, cô giáo phải vất vả đến từng nhà học sinh vận động, quyết tâm bám trường, bám lớp kéo học sinh đi học.
“Mười năm gắn bó với nghề, tôi đem hết khả năng, tâm huyết của mình cho những chuyến đò. Là đứa con của quê hương, tôi mong muốn góp phần sức lực nhỏ bé của mình đem đến cho các em những ước mơ tươi sáng. Dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng luôn nhiệt tình và tận tâm với sự nghiệp trồng người” - cô Kem bộc bạch.