Giáo dục ĐBSCL thực hiện thắng lợi mục tiêu kép

GD&TĐ - Năm học 2020-2021, các địa phương ĐBSCL thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Đây là nền tảng quan trọng để ngành Giáo dục tiếp tục giữ vững sự ổn định trong năm học 2021-2022.

Học sinh TP Cần Thơ hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Học sinh TP Cần Thơ hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

An toàn phòng chống dịch và hoàn thành kế hoạch năm học

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, năm học 2020 - 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học” của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo thực hiện tốt mục tiêu kép: vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành kế hoạch năm học.

Hệ thống mạng lưới trường học từ giáo dục mầm non đến phổ thông đã được xây dựng và phát triển rộng khắp các địa bàn xã, phường, thị trấn. Tiền Giang cũng đã quan tâm việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia, hiện tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia các bậc học: Mầm non đạt tỉ lệ 50,5%; tiểu học đạt tỉ lệ 76,6%; THCS đạt tỉ lệ 50%; THPT đạt tỉ lệ 50%.

Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh đã triển khai cơ bản đạt mục tiêu kép hoàn thành các nội dung của 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp theo kế hoạch đề ra trong năm học 2020 - 2021 và phòng chống hiệu quả dịch Covid-19.

Hệ thống trường học phát triển ổn định và tinh gọn theo Đề án Sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng năm 2030. Khuyến khích phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh và xoá các điểm trường lẻ, lớp học nhờ (mầm non) theo lộ trình. Thực hiện xoá, giảm được 54 điểm trường lẻ và 39 lớp học nhờ của mầm non so với đầu năm học.

Cơ sở vật chất trường học hiện nay được trang bị cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học theo hướng đổi mới phương pháp dạy học và thực hiện Chương trình GDPT 2018, không còn phòng học tạm; đảm bảo chỉ tiêu về cơ sở vật chất trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 315/504 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 62,5%.

Tỉnh Đồng Tháp, trong thời gian dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục phải tạm nghỉ học, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, các cơ sở giáo dục đã linh hoạt trong việc tổ chức dạy học cho học sinh: dạy học online ở những nơi có điều kiện; giao bài cho học sinh qua các ứng dụng OTT (Viber, Zalo…) để cung cấp, hệ thống hóa kiến thức và kỹ năng cho học sinh.

Việc sắp xếp các cơ sở giáo dục công lập được quan tâm thực hiện (trong năm học giảm 19 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông). Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được từng bước nâng cao chất lượng (Tỷ lệ đạt chuẩn trở lên theo quy định của Luật Giáo dục 2019 khá cao).

Năm học 2020-2021, các địa phương ĐBSCL thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.
Năm học 2020-2021, các địa phương ĐBSCL thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.

Tập trung nguồn lực tháo gỡ khó khăn

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, phải xác định dịch Covid-19 luôn luôn xảy ra nếu chủ quan, lơ là. Tỉnh kiến nghị Bộ GD&ĐT cần quyết liệt hơn trong việc phân cấp địa phương trong việc quyết định và xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, khả thi với từng cấp học.

Tuy nhiên phải đảm bảo chuẩn kiến thức cần thiết cần đạt, kiến thức nền tảng cốt lõi trong tình huống cấp bách và xây dựng ngân hàng đề thống nhất chung cho cả nước, trong đó có thang đo chuẩn kiến thức cơ bản phải đạt. Trên cơ sở đó từng địa phương có thể quyết định tổ chức các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT theo điều kiện đặc thù của từng địa phương.

Bà Thanh kiến nghị cần quan tâm đến vấn đề công bằng trong giáo dục, sau dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất là học sinh. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH để có thể lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, có gói an sinh hỗ trợ tạo điều kiện cho tất cả học sinh, nhất là học sinh hoàn cảnh khó khăn được bảo vệ với phương châm không để trẻ em, học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

“Tại Vĩnh Long, năm học 2021 - 2022 có gần 200.000 em đến trường, trong đó học sinh hoàn cảnh khó khăn trên 14.000 em. Số học sinh bị ảnh hưởng Covid-19 (F0, F1, F2, trong khu cách ly phong tỏa) là 695 em. Hiện tỉnh đang huy động hỗ trợ các đối tượng học sinh, không để các em thiếu dụng cụ, SGK khi trở lại trường học sau dịch Covid-19”, bà Quyên Thanh nhấn mạnh.

Trong khi đó, Cà Mau xác định một số khó khăn như tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc triển khai nhiệm vụ năm năm học 2020 - 2021. Các đơn vị, trường học phải tập trung nhiều kinh phí để đầu tư thiết bị, vật tư y tế để vệ sinh trường, lớp học.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở Cà Mau còn thiếu. Nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất còn hạn hẹp. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục chưa thực sự hiệu quả. Công tác tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giải trình của các cơ sở giáo dục chưa chủ động.

Theo Sở GD&ĐT Đồng Tháp, Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động giáo dục (về nội dung, thời gian, kinh phí…). Với việc triển khai đổi mới chương trình, SGK ở lớp 2 và lớp 6, các cơ sở giáo dục TH và THCS thực hiện song song hai chương trình (chương trình GDPT 2018 và chương trình GDPT cũ) nên sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định.

Tại Tiền Giang, tình trạng thiếu giáo viên mầm non gây rất nhiều khó khăn cho ngành. Toàn tỉnh hiện nay còn thiếu 343 giáo viên mầm non, vì vậy việc thực hiện chỉ tiêu huy động trẻ dưới 5 tuổi đến trường chưa đạt theo chỉ tiêu. Nguyên nhân là do địa phương không có nguồn tuyển dụng, một số sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non của các trường ngoài tỉnh nhưng không về địa phương công tác.

Cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư xây dựng, sửa chữa trong thời gian qua tuy nhiên một số địa phương của tỉnh Tiền Giang vẫn còn nhiều phòng học xuống cấp, chưa được xây dựng mới. Nhiều điểm trường do thiếu phòng học nên không có điều kiện để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, dạy học Tin học, Tiếng Anh 4 tiết/tuẩn và xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.