- Hiện nay, ngành GD&ĐT Đắk Lắk đã và đang thực hiện được những gì trong lộ trình chuẩn bị triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới, thưa ông?
Cũng như các tỉnh thành trong cả nước, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Lắk đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình, SGK mới với những nội dung trọng tâm như sau:
Rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học các nhà trường; đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên, nhân viên.
Triển khai các chương trình, dự án, đề án, phương pháp dạy học mới để chuẩn bị cho đổi mới như: Chương trình SEQAP, mô hình Trường học mới, Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020; các phương pháp dạy học mới như phương pháp bàn tay nặn bột, phương pháp dạy Mỹ thuật Đan Mạch, dạy Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học. Tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và bán trú cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2025. Tăng cường công tác xã hội hóa. Chỉ đạo phát triển trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học. Chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên cấp tiểu học.
Xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu dạy học địa phương tỉnh Đắk Lắk. Nâng cao nhận thức về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo cho đội ngũ CBQL, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và toàn xã hội: việc đổi mới chương trình, SGK phổ thông là tất yếu, theo xu thế hội nhập quốc tế, hướng tới phát huy phẩm chất và năng lực người học.
Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của người học; đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học; chú trọng giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo, triển khai chương trình giáo dục địa phương theo hướng tích hợp vào chương trình chính khóa một cách phù hợp.
Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và hạ tầng ICT để dần đáp ứng đổi mới dạy học / giáo dục: trường chuẩn quốc gia và các chương trình khác
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại, công tác tuyển chọn và sử dụng. Bồi dưỡng thường xuyên là hoạt động hằng năm; bồi dưỡng trực tuyến (thông qua mạng trường học kết nối), kết hợp các hình thức bồi dưỡng và tiến tới biến quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự bồi dưỡng. Đây được coi là một giải pháp then chốt.
Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục: tăng cường phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các nhà trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục.
Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk |
Để triển khai hiệu quả chương trình, SGK mới tại địa phương, Đắk Lắk có những thuận lợi và khó khăn như thế nào?
Đắk Lắk là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn; có nhiều dân tộc sinh sống với nhiều nét văn hóa khác nhau; mặt bằng giáo dục nói chung thấp hơn so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Bên cạnh đó là khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong các trường học trên địa bàn. Nhiều trường tiểu học tại Đắk Lắk không đủ phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày. Ngoài ra, đời sống nhân dân địa phương khó khăn nên công tác xã hội hóa còn hạn chế.
Tuy nhiên, thuận lợi của Đắk Lắk là sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể. Đội ngũ CBQL và giáo viên nhận thức đúng về quan điểm của Đảng, Nhà nước và của Bộ GD&ĐT về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới; nắm được lộ trình đổi mới chương trình, SGK.
CBQL, giáo viên, nhân viên trong ngành Giáo dục Đắk Lắk cũng tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực đổi mới sinh hoạt chuyên môn, phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá học sinh theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
- Xác đinh rõ thuận lợi cũng như thách thức, giải pháp của ngành Giáo dục địa phương là gì để triển khai tốt nhất chương trình, SGK mới?
Chúng tôi đã xác định rõ cần tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, tiếp tục rà soát thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục. Mua sắm, bổ sung các hạng mục cơ sở vật chất còn thiếu; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới
Tiếp tục thực hiện chủ trương quy hoạch trường lớp, dồn ghép các điểm lẻ một cách hợp lý. Cùng với đó, tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày; thực hiện việc bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực đội ngũ; chỉ đạo, thực hiện việc bố trí CBQL, giáo viên, nhân viên đảm bảo số lượng, cơ cấu để triển khai chương trình mới.
- Xin cảm ơn ông!
Cùng với đó, các sở, ban, ngành liên quan tích cực phối hợp, giúp đỡ ngành Giáo dục trong việc bố trí đội ngũ đáp ứng yêu cầu; đầu tư xây dựng và bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đáp ứng dạy học 2 buổi/ ngày; bố trí kinh phí thực hiện" - ông Phạm Đăng Khoa.