Cách mạng 4.0 và những năng lực người quản trị trường đại học cần có

GD&TĐ - Từ kết quả nghiên cứu của mình, TS Trần Ngọc Sơn  – Trường Đại học Đông Á cho rằng, trước cuộc Cách mạng 4.0, người quản trị trường đại học cần có những năng lực cần thiết.

Trước cuộc Cách mạng 4.0 đòi hỏi người quản trị trường đại học phải có những năng lực cần thiết. Ảnh minh họa/internet
Trước cuộc Cách mạng 4.0 đòi hỏi người quản trị trường đại học phải có những năng lực cần thiết. Ảnh minh họa/internet

Năng lực tri thức

Ngoài ra, người quản trị đại học nên mở rộng năng lực hợp tác với các doanh nghiệp lớn có liên quan đến ngành chủ lực mình đào tạo để hình thành mô hình đại học mới - Đại học cùng mang tên với doanh nghiệp bên trong hoặc bên ngoài đã có tầm ảnh hưởng để hoạt động đào tạo có hiệu quả. Thay đổi từ chỗ “dạy những gì tri thức sẵn có” sang cách “dạy những gì thị trường và doanh nghiệp cần và sẽ cần”.
TS Trần Ngọc Sơn

Theo TS Trần Ngọc Sơn, có hai nhóm kiến thức mà mỗi nhà quản trị đại học cần phải có, đó là: Kiến thức, kỹ năng chuyên môn cụ thể về nghề nghiệp và cần có trình độ kiến văn tổng quát về tầm chiến lược dài hạn.

Chẳng hạn như: Chiến lược phát triển GD-ĐT ở bậc đại học. Liên quan kiến thức về môi trường hoạt động, pháp lý, chính trị, kinh tế và xã hội, các kiến thức về môi trường giáo dục quốc tế và các xu hướng phát triển chủ đạo.

“Tuy nhiên, kiến thức là khái niệm mang tính bất định, nó luôn thay đổi, do đó nhà quản trị phải liên tục cập nhật và chủ động trong tích lũy kiến thức. Cụm từ "Học tập suốt đời" đã trở thành một phẩm chất quan trọng của mỗi nhà quản lý giáo dục.

Học tập không nhất thiết từ nhà trường mà có thể từ tất cả mọi nơi như: tự học, học từ đồng nghiệp, học từ kinh nghiệm, học từ các khoá huấn luyện ngắn hạn, dài hạn. Đây là yếu tố thường khó đo lường cho người quản trị nói chung và ở trường đại học nói riêng để xác định tri thức người quản trị” - TS Trần Ngọc Sơn trao đổi.

Người quản trị đại học cần phải có năng lực giao tiếp
Người quản trị đại học cần phải có năng lực giao tiếp

Năng lực giao tiếp

Công nhận và chia sẻ các giá trị và thành tựu của người khác hoàn toàn không phải là việc đơn giản dù giá trị đó là của cấp dưới hay đồng nghiệp, hoặc cấp trên. Đây là cơ sở quan trọng của giao tiếp, xử lý mâu thuẫn vả đàm phán thương lượng.
TS Trần Ngọc Sơn

TS Trần Ngọc Sơn phân tích, theo quan điểm truyền thống, kỹ năng này đòi hỏi sự tinh tế, linh hoạt và kiến thức cũng như kinh nghiệm xã hội của nhà quản trị. Mục tiêu của kỹ năng này là nâng cao sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau trên cơ sở nhận diện và công nhận các giá trị và nhu cầu của các đối tượng giao tiếp.

Theo quan điểm của cách mạng 4.0, mạng lưới vạn vật kết nối Internet hoặc là mạng lưới thiết bị kết nối Internet viết tắt là IoT, là một kịch bản của thế giới, khi mà mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh của riêng mình, và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính.

IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet. Nói đơn giản là một tập hợp các thiêt bị có khả năng kết nối với nhau, với Internet và với thế giới bên ngoài để thực hiện một công việc nào đó.

Công nghệ này cũng làm thay đổi quan niệm giao tiếp của người quản trị trường đại học và đây là công cụ để khả năng làm việc với các thành viên trong nhà trường được định danh tất cả các thông tin cần thiết của tổ chức và quản lý trên nền IoT và rất tiện lợi khi người quản trị truyền đạt đầy đủ hơn rất nhiều so với email hay văn bản giấy tờ trước đây.

Cụ thể, người quản trị trường đại học cần áp dụng mô hình giáo dục mới như: phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo, phòng thí nghiệm, thư viện ảo,... dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh; tạo điều kiện và yêu cầu sinh viên từ những năm cuối phải tham gia các nhóm nghiên cứu, và các đề tài này phải gắn liền với việc giải quyết một vấn đề cụ thể trong chuyên môn, hoặc trong đời sống kinh tế, xã hội.

Người quản trị trường đại học cần áp dụng mô hình giáo dục mới như: phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo, phòng thí nghiệm, thư viện ảo,...
Người quản trị trường đại học cần áp dụng mô hình giáo dục mới như: phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo, phòng thí nghiệm, thư viện ảo,... 

Năng lực tư duy

Theo TS Trần Ngọc Sơn, tiếp nhận và xử lý thông tin một cách hiệu quả để có thể đưa ra những quyết định chính xác. Theo quan điểm truyền thống tư duy của người quản trị nói chung mang tầm phổ quát và dài hạn. Đối với người quản trị đại học, đó là tầm nhìn chiến lược của nền giáo dục đại học trong sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

Tuy nhiên, theo quan điểm của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN)  về hiệu ứng và ứng dụng của mạng lưới vạn vật kết nối internet thì có bốn thành phần chính mà người quản trị đại học cần hình thành gồm: Kỹ năng phân tích vấn đề và ra quyết định. Nó bao gồm nhận dạng vấn đề, nguyên nhân và xử lý các thông tin để đưa ra giải pháp chính xác trong thời gian ngắn nhất.

Kỹ năng phân tích tài chính và định lượng. Các nhà quản trị có thể làm việc với các con số tài chính và có khả năng phân tích các con số này đê phục vụ quản trị.

Người quản trị phải có khả năng phát triển và sáng tạo các phương pháp giải quyết vấn đề mới cho chính mình và nhà trường. Sáng tạo hay khai sáng là phẩm chất quan trọng, nhưng nó không tự nhiên đến mà là kết quả của một quá trình học hỏi, quan sát và tư duy liên tục.

Cuối cùng là khả năng xử lý các chi tiết. Thông tin rất nhiều và đa dạng, để xử lý hiệu quả, người quản trị phải biết chọn lọc các thông tin quan trọng, giữ được các xu hướng chính nhưng không mất đi các chi tiết cần thiết, cân đối giữa toàn cục và thành tố.

"Phải xác định cuộc CMCN 4.0 là xu thế tất yếu, nó đang diễn ra và không gì có thể cưỡng lại được. Người quản trị trường đại học không có quyền lựa chọn mà bắt buộc phải thích nghi bằng cách chủ động học tập, bổ sung các tri thức mới về cuộc CMCN 4.0 có liên quan đến kiến thức mà mình đã đào tạo trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước; rèn luyện, đi trước đón đầu các kỹ năng cần thiết cho một nền kinh tế thông minh và công nghiệp tự động hoá"- TS Trần Ngọc Sơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ