Giáo dục đạo đức vẫn bị xem nhẹ?

GD&TĐ - “Các nhà trường đang lo lắng và tập trung nhiều vào chạy theo điểm số, thi cử, bị cuốn theo “dòng thác” thành tích. Giáo dục đạo đức (GDĐĐ) nếu không bị xem nhẹ thì cũng chưa được coi là trọng tâm...” - TS Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch HĐQT Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) nhận định.

Trẻ không thích nghe giáo huấn, mà thích nghe nhạc, chơi game, thể thao, các hoạt động tập thể hợp với tuổi trẻ. Ảnh: T.G
Trẻ không thích nghe giáo huấn, mà thích nghe nhạc, chơi game, thể thao, các hoạt động tập thể hợp với tuổi trẻ. Ảnh: T.G

Chưa được coi trọng đúng mức

Theo TS Nguyễn Văn Hòa, GDĐĐ cho HS hiện đang diễn ra nhỏ lẻ, không được chú tâm, thậm chí còn xem nhẹ. Cũng vì chưa được chú trọng đúng mức, nên GDĐĐ cho HS có hiện tượng “làm chỉ để lấy lệ”, dạy “hình thức”, không xuất phát từ mục tiêu GD con người.

Tại Hội thảo “Thực trạng đạo đức lối sống của học sinh, sinh viên - Vấn đề và giải pháp” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức, nhiều chuyên gia GD, nhà giáo có chung nhận định: HS, SV hiện nay năng động, thực tế, tự chủ hơn, bộc lộ rõ cá tính. Quan niệm đạo đức của HS, SV hiện nay cũng ít bị ràng buộc bởi dư luận hơn so với các thế hệ HS, SV trước đây. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là một bộ phận HS, SV đang thực dụng trong quan niệm đạo đức và hành vi ứng xử, muốn thể hiện vai trò cá nhân, đề cao các giá trị vật chất hơn những giá trị tinh thần.

Thậm chí, một số HS, SV có thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội; xa rời các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc; sống buông thả, tự đặt mình ra khỏi những nguyên tắc; có lối hành xử bạo lực phi nhân tính, lười học tập, lười lao động... Đáng báo động là, các vấn đề đạo đức, lối sống trong HS, SV như dính vào tệ nạn xã hội gia tăng, khiến gia đình, nhà trường và xã hội lo lắng.

“Nhiều người cho rằng, không ít nhà trường đã quên mất, hay không quan tâm, coi nhẹ việc GDĐĐ cho HS. Theo tôi, trường học nào cũng quan tâm đến GDĐĐ, nhiều trường treo khẩu hiệu rất to “Tiên học lễ, hậu học văn”... Song thực tế các nhà trường tổ chức GDĐĐ như thế nào, nhất là có làm tích cực và hiệu quả hay không, mới là điều đáng xem xét” - TS Nguyễn Văn Hòa nhận định.

Bà Phạm Bích Vân (Tổ trưởng Tổ Hóa học, Trường THPT Nguyễn Khuyến, TPHCM) cũng cho rằng: Yếu tố dạy người rất quan trọng trong nhà trường. Trường THPT Nguyễn Khuyến có đông HS nội trú. Do đó, nhà trường chú trọng tới việc GDĐĐ và lối sống cho HS. Định hướng GDĐĐ được thực hiện từ lâu trong nhà trường và được cụ thể hóa trong cuốn “Văn hóa trường học”. Nhà trường chú trọng yếu tố “Nên người” trước “Học giỏi”.

Các chuyên gia GD cùng lắng nghe và phân tích: Trong những năm vừa qua việc chạy theo thi cử - thành tích đã lấn át, làm cho nhà trường chỉ tập trung dạy bằng được để có điểm số cao, đánh giá chất lượng GD chủ yếu còn qua kết quả thi cử. Một khi kết quả đỗ đạt cao; tỷ lệ khá, giỏi cao đồng nghĩa nhà trường được đánh giá chất lượng GD tốt và ngược lại. Đó là một nguyên nhân khiến việc “dạy người”, hay dạy đạo đức trong nhà trường dường như bị xem nhẹ kéo dài.

GDĐĐ HS chưa được coi trọng đúng mức còn có nguyên nhân khác nữa. Đó là phương pháp GD. “Chúng ta vẫn quan niệm GDĐĐ chỉ thông qua môn học Đạo đức, GD công dân, thông qua một số quy định, quy tắc và phương pháp... theo kiểu giáo huấn - dạy bảo”, TS Nguyễn Văn Hòa nêu.

Giáo dục đạo đức kiểu “giáo huấn”: Ít tác dụng

“Nếu nhận thức không đầy đủ, GDĐĐ sẽ không đạt được mong muốn dạy HS nên người. Việc GDĐĐ phải nằm trong hoạt động GD chung của nhà trường, thể hiện trong tất cả các bộ môn, trong hoạt động ngoại khoá, hướng nghiệp, sinh hoạt, chào cờ… Tất cả những hoạt động của việc giảng dạy các bộ môn văn hoá phải đạt tới mục tiêu GDĐĐ, tức là hình thành phẩm chất - phát triển năng lực, chứ không phải dạy văn hoá chỉ để biết văn hoá, kiến thức” - Chủ tịch HĐQT Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm khẳng định.

TS Võ Thế Quân (Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô, Hà Nội) cho rằng: “Cần phải đưa môn Kỹ năng sống vào chương trình dạy học chính thức cho các trường học để hình thành thói quen, ý thức cho HS”.

“Thời đại ngày nay đã thay đổi, trẻ con không thích nghe giáo huấn, mà thích nghe nhạc, chơi game, thể thao, các hoạt động tập thể hợp với tuổi trẻ… Nếu HS, SV thích gì, mong muốn gì mà chúng ta không nắm bắt được, GDĐĐ kiểu “giáo huấn” sẽ không thật sự đi vào suy nghĩ của tuổi trẻ được” - TS Võ Thế Quân nói thêm.

Tổ chức dạy đạo đức không chỉ trong các môn học, mà còn thông qua các hoạt động tập thể, trải nghiệm, hoạt động xã hội, thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa... để HS cảm nhận được khó khăn của người khác, biết yêu thương, chia sẻ, ý thức được tuổi trẻ cần đóng góp gì cho xã hội và sự phát triển chung của cộng đồng, để sống văn minh hơn, hạnh phúc hơn.

“Các hoạt động này được tổ chức thường xuyên trong chương trình hoạt động của nhà trường hằng tuần, hằng tháng, xuyên suốt cả năm học, lôi cuốn tất cả HS tham gia, làm cho các em cảm thấy hạnh phúc hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn, giúp HS nên người, chứ không chỉ nhằm đạt mục đích điểm số, thi cử” - TS Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ