Giáo dục đạo đức lối sống trực tuyến: Đổi mới để hút học sinh

GD&TĐ - Dù dạy học trực tiếp hay trực tuyến, các thầy cô vẫn khéo léo lồng ghép những bài học đạo đức lối sống trong giờ học, góp phần rèn luyện nhân cách, hình thành nếp sống văn minh thanh lịch cho học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Trưng Vương học trực tuyến.
Học sinh Trường Tiểu học Trưng Vương học trực tuyến.

Giáo dục học sinh từ những điều nhỏ nhất

Cô Lê Thanh Huyền- giáo viên Trường Tiểu học Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: Giáo dục tư cách đạo đức đặc biệt quan trọng với học sinh, nhất là học sinh tiểu học bởi đây là giai đoạn đầu giúp các em hình thành nhân cách. Vì vậy, nhà trường luôn quan tâm, yêu cầu các giáo viên lồng ghép bài học đạo đức vào các tiết học để rèn luyện nhân cách, hình thành lối sống văn minh cho học sinh.

Những bài học đơn giản chỉ là tình huống hay diễn ra trong đời sống thường nhật như đổ rác đúng nơi quy định, không gây mất trật tự nơi công cộng. Do học sinh đang ở độ tuổi có nhu cầu được thầy cô và bố mẹ “tuyên dương” nên khi được khen thưởng, các con sẽ tự nguyện làm nhiều việc tốt hơn nữa và dần dần loại bỏ những thói quen xấu.

Đi đôi với tuyên dương thì phê bình cũng là một trong  hình thức để rèn luyện nhân cách của con người nói chung, học sinh tiểu học nói riêng. Các cô giáo đã khéo léo phê phán những hành động "chưa đẹp" để giúp học trò hiểu được bài học đạo đức trong đó.

Những hành động này có thể là việc tranh giành đồ chơi, đồ ăn với bạn bè, anh chị em trong gia đình, không giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà... Qua đó, cô giáo giúp học sinh nhận ra được điểm sai để khắc phục. Các bài giảng phù hợp với lứa tuổi và tư duy đúng sai của trẻ tiểu học, để từ đó học sinh hình thành nhận thức theo chuẩn mực đạo đức.

Cùng với đó, trong một số giờ sinh hoạt lớp, các cô giáo cùng học sinh thực hiện trò chơi mang tính rèn luyện kỹ năng sống như: thành lập hội chữ thập đỏ, vận động học sinh cùng tham gia giữ gìn vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rèn luyện thói quen lành mạnh...

Cô Huyền cho hay: Giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh là một quá trình dài, diễn ra trên nhiều môi trường và phương diện khác nhau, để đạt hiệu quả cần sự phối hợp của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Bởi vậy, các cô giáo thường xuyên trao đổi, phối hợp cùng phụ huynh để cùng hướng dẫn học sinh về những tình huống trong cuộc sống hàng ngày, phân tích cho các con hiểu hành vi đó là đúng hay sai.

Với việc giáo dục như vậy, học sinh không những nhớ lâu mà có thể áp dụng vào trường hợp tương tự, lan tỏa hành động tích cực đến người xung quanh. Giáo dục đạo đức không chỉ là những điều xa vời mà rất thiết thực trong cuộc sống hàng ngày.

Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Đổi mới để tạo hứng thú cho học sinh

Cô Lê Thúy Nga- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Vương chia sẻ: Năm học này, phần lớn thời gian học sinh phải học trực tuyến. Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, nhà trường cũng chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, đặc biệt qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Từ đầu năm học, nhà trường đã triển khai tới cô giáo Tổng phụ trách và giáo viên chủ nhiệm các lớp cần có sự đổi mới về nội dung hoạt động tập thể theo chủ đề, chủ điểm. Từ đó, giáo viên chủ nhiệm đã chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy tại buổi họp trực tuyến tổ chuyên môn, đem tới cho học sinh các buổi sinh hoạt lớp theo hướng đổi mới.

Trong giờ học, giáo viên giữ vai trò là người tư vấn, còn học sinh chủ động tổ chức các hoạt động. Với thời lượng từ 35 đến 40 phút, các cô giáo chủ nhiệm cùng nhau tìm  cách thay đổi hình thức tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp linh hoạt, thú vị, hấp dẫn và sáng tạo nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Không chỉ minh họa bằng ngôn từ mà các cô còn tạo video từ hình ảnh, ghi âm giọng nói cùng âm thanh, hiệu ứng sống động, lựa chọn những nội dung đơn giản, phù hợp với học sinh nhưng lại mang ý nghĩa giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, góp phần hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.

Đó là những phim ngắn trong album “Quà tặng cuộc sống”, “Hạt giống tâm hồn” hay “Truyện cổ tích” có nhiều ý nghĩa giáo dục. Sau khi chơi trò chơi, giáo viên có thể chọn lựa chiếu một bộ phim phù hợp với mục đích của giờ sinh hoạt.

Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cũng có thể là tổ chức sinh nhật cho các bạn sinh cùng tháng. Tuy tất cả đều là trực tuyến, song bằng những hình thức tổ chức đa dạng, hình ảnh đẹp mắt có sự đầu tư thì niềm vui, sự phấn khích của con trẻ vẫn không bị mất đi mà còn tạo mối thân thiện giữa giáo viên và học sinh.

Theo cô Nga, nhờ được tổ chức theo hướng đổi mới, tiết hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp thực sự vì học sinh. Được tham gia hoạt động tập thể, sôi động, hào hứng, các em được thoải mái bộc lộ bản, thỏa sức sáng tạo; được bày tỏ, chia sẻ, thể hiện sự quan tâm lẫn nhau. Qua đó, năng lực tổ chức các hoạt động, tự giải quyết vấn đề cũng được hình thành và phát triển.

Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, góp phần xây dựng thế hệ trẻ có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, lành mạnh, tuân thủ pháp luật; có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội; đồng thời, khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện là nhiệm vụ quan trọng được ngành GD-ĐT quan tâm chỉ đạo gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ