Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phải thường xuyên và liên tục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được các nhà trường ở Nam Định thực hiện thường xuyên và liên tục, đa dạng cách làm đem lại hiệu quả cao.

Sinh hoạt dưới cờ, một hình thức giáo dục đạo đức lối sống hiệu quả cho học sinh.
Sinh hoạt dưới cờ, một hình thức giáo dục đạo đức lối sống hiệu quả cho học sinh.

Thường xuyên và liên tục

NGƯT Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết: Chúng tôi chỉ đạo các nhà trường phải đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Hoạt động này phải thường xuyên và linh hoạt. Triển khai hiệu quả, lồng ghép, tích hợp vào hoạt động giảng dạy chính khóa và các môn học và các buổi sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, trải nghiệm sáng tạo với nhiều sân chơi bổ ích, hấp dẫn.

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh không chỉ dừng ở những bài học giáo dục công dân. Ngoài việc giáo dục văn hóa cho học sinh, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cần phải được quan tâm đặc biệt. Các hoạt động phải có sự đồng hành của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên Đội, phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường tổ chức các hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống, nói chuyện chuyên đề… tạo sức lan tỏa sâu rộng.

Thực tế cho thấy, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, học tập thông qua nhiều hoạt động bổ ích như: Ngày hội văn hóa đọc, “Rung chuông vàng”, ngày hội STEM, tìm hiểu truyền thống, lịch sử địa phương, lịch sử hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn, Đội tổ chức đã đem lại hiệu quả hết sức tích cực. “Giáo dục Nam Định bên cạnh truyền thống dạy tốt – học tốt, nói lời hay – làm việc tốt còn có ở khắp các nhà trường trên vùng đất học này”. – NGƯT Cao Xuân Hùng nhấn mạnh.

Những giờ học lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tại Trường THPT Trần Nhân Tông.

Những giờ học lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tại Trường THPT Trần Nhân Tông.

Đa dạng hóa cách làm đang đem lại hiệu quả cao, các buổi tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa về các chủ đề như: phòng, chống bạo lực học đường; nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử; tuyên truyền về an toàn giao thông; tuyên truyền ngày pháp luật; cách sử dụng mạng xã hội an toàn. Hay các buổi sinh hoạt nói chuyện chuyên đề, trao đổi về việc hình thành, rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh được tổ chức thường xuyên tại mỗi lớp học. Giáo dục đạo đức, lối sống trong các nhà trường ở Nam Định đã cho thấy tính linh hoạt và hiệu quả.

Đa dạng cách làm

Trường THCS Hải Lý, huyện Hải Hậu, hiệu trưởng Nguyễn Hải Sơn cho rằng: Nhà trường không chỉ triển khai đồng bộ việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các bộ môn văn hóa, mà còn đẩy mạnh xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” nhằm hình thành lối sống đẹp cho học sinh. Để công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đạt hiệu quả cao, Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu mỗi cán bộ, giáo viên là một tấm gương sáng để học sinh noi theo. Trường tổ chức thiện nguyện, góp phần hình thành lối sống đẹp, sống có ích trong mỗi học sinh.

Còn ở Trường THPT Trần Nhân Tông, huyện Nghĩa Hưng, thầy hiệu trưởng Lại Tiến Đẩu đưa ra cách làm hay, hiệu quả: Các thầy cô giáo ở trường đã đồng hành cùng học sinh, tạo môi trường, phương pháp giáo dục học sinh đa dạng, phong phú, giúp các em có trải nghiệm thực tế, nâng cao nhận thức, hình thành hành vi, hành động đúng, lối sống đẹp. Nói lời hay, làm việc tốt đã tạo sức lan tỏa trong học sinh nhà trường. Các em đã ý thức được mình việc mình làm để có lối sống đẹp, hòa nhã, thân thiện, biết chia sẻ yêu thương và trách nhiệm với cộng đồng.

Nói lời hay, làm việc tốt đã tạo sức lan tỏa trong học sinh nhà trường.
Nói lời hay, làm việc tốt đã tạo sức lan tỏa trong học sinh nhà trường.

Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu, ông Vũ Văn Trình, cho biết: Các nhà trường dạy học sinh của mình những điều hết sức đơn giản, cách ứng xử có văn hóa từ văn hóa xếp hàng, tự phục vụ, cách xưng hô với bạn bè, thái độ khi giao tiếp, ứng xử với những người xung quanh… Điều này giúp các bạn nhận thức, hành động đúng, hình thành lối sống đẹp ngay từ khi còn nhỏ. Đặc biệt, các phong trào và hoạt động ngoại khóa học sinh được tham gia giúp các em có ý thức, trách nhiệm gắn bó với trường lớp, thân thiện với bạn bè, biết sẻ chia yêu thương.

Trưởng Phòng chính trị và công tác học sinh sinh viên, Sở GD&ĐT Nam Định, ông Đỗ Anh Tuấn, chia sẻ: "Chúng tôi chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh qua nhiều hình thức. Đặc biệt, hoạt động này thông qua mạng xã hội bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Các nhà trường đã tận dụng website nội bộ, facebook, fanpage để đẩy mạnh hoạt động truyền thông. Trong đó đặc biệt chú trọng việc kết nối, phối hợp với gia đình, nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh để giáo dục về phòng, chống tác hại của thuốc lá, phòng, chống bạo lực trong môi trường học đường, ma túy, tệ nạn xã hội".

Việc tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội đã giúp công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh hiệu quả, thiết thực. Các nhà trường đã đa dạng hóa chương trình giáo dục phù hợp, triển khai thường xuyên các cuộc thi viết về Bác; xây dựng nội dung truyền thông trong nhà trường; tổ chức các buổi nói chuyện, giao lưu, tọa đàm bám sát chủ đề nội dung tuyên truyền.

Trong đó, chú trọng việc nêu gương, tuyên dương, xây dựng điển hình tốt. Phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống hiệu quả đã khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, tạo sự chuyển biến tốt trong nhận thức, hành động và phong trào thi đua học tập, rèn luyện đạo đức cho học sinh trong các trường học. – NGƯT Cao Xuân Hùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ