Giáo dục đạo đức học sinh tiểu học thông qua công tác chủ nhiệm lớp

GD&TĐ - Cô Lê Thị Trang – giáo viên Trường Tiểu học bán trú A Long Thạnh (thị xã Tân Châu, An Giang) – chia sẻ một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức học sinh tiểu học thông qua công tác chủ nhiệm lớp.

Việc nắm vững kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh cũng góp phần không nhỏ cho thành công trong công tác chủ nhiệm lớp. Ảnh minh họa.
Việc nắm vững kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh cũng góp phần không nhỏ cho thành công trong công tác chủ nhiệm lớp. Ảnh minh họa.

Nắm vững kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh

Người giáo viên chủ nhiệm giỏi không cần phải là một nhà tâm lý giỏi nhưng vẫn có thể hiểu được học sinh của mình, có đủ kiến thức để xử lí các tình huống sư phạm sao cho khéo léo, tế nhị và đạt hiệu quả giáo dục cao. Tất cả đều xuất phát từ cái tâm của nghề. Nếu giáo viên không tâm huyết với nghề, không có tinh thần trách nhiệm cao thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ.
Cô Lê Thị Trang

Bên cạnh việc phải xây dựng cho mình kế hoạch chủ nhiệm, đặt ra các mục tiêu cần đạt được, các giải pháp sẽ thực hiện trong công tác chủ nhiệm lớp. Cô Lê Thị Trang còn dự đoán các tình huống khó khăn khi bắt tay vào làm và tìm ra các phương án thích hợp nhất cho công việc.

Ngoài ra, cô xây dựng phiếu khảo sát dành cho phụ huynh và học sinh ngay khi mới bắt đầu nhận lớp. Qua đó, nhằm nắm bắt được những mong muốn của phụ huynh, biết được các tiền sử bệnh lý, sở thích, nét tính cách, các thông tin khác liên quan đến học sinh mà mình chủ nhiệm.

Theo Cô Lê Thị Trang, tâm lý lứa tuổi của học sinh tiểu học ở từng khối lớp không khó để phân biệt. Mỗi độ tuổi sẽ có đặc điểm tâm sinh lý riêng.

Việc nắm vững kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh cũng góp phần không nhỏ cho thành công trong công tác chủ nhiệm lớp.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, người giáo viên phải rèn luyện tốt kỹ năng quan sát và lắng nghe mọi vấn đề của học sinh một cách chân thành nhất.

“Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm tiểu học, tôi nắm được đặc điểm chung về tâm sinh lý của các em. Bên cạnh đó, nhờ vào phiếu khảo sát đối với phụ huynh, tôi sẽ hiểu thêm phần nào về học sinh của mình để có thể hỗ trợ các em một cách tốt nhất trong việc học tập và rèn luyện đạo đức, nhân cách” - Cô Lê Thị Trang chia sẻ.

Xây dựng hình tượng, đạo đức, tác phong cá nhân

Cũng theo cô Lê Thị Trang, giáo viên chủ nhiệm được thay đổi theo từng năm học. Mỗi năm lên lớp, các em lại được làm quen với giáo viên mới.

Ấn tượng ban đầu của giáo viên đối với học sinh không kém phần quan trọng. Làm sao để các em học sinh cảm nhận được sự thân thiện, chân thành của giáo viên để các em có cảm giác an tâm, có niềm tin vào sự yêu thương, che chở, từ đó sẽ thích đến trường, đến lớp hơn.

Bên cạnh đó, giáo viên cần rèn luyện đạo đức, tác phong, có lối sống lành mạnh, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao dù ở bất cứ vị trí, hoàn cảnh nào.

“Mỗi giáo viên tiểu học muốn làm tốt công tác chủ nhiệm, ngoài việc nắm vững công tác chuyên môn, còn cần phải rèn luyện cho mình một tâm hồn phong phú, vị tha, bao dung và giàu lòng nhân ái, yêu nghề, mến trẻ bằng tất cả trái tim” - cô Lê Thị Trang trao đổi.

Những nguyên tắc giáo dục đạo đức cho học sinh:

- Giáo dục học sinh trong thực tiễn sinh động của xã hội.

- Giáo dục theo nguyên tắc tập thể.

- Giáo dục bằng cách thuyết phục và phát huy mạnh mẽ tính tự giác của học sinh.

- Giáo dục đạo đức cho học sinh phải lấy việc phát huy ưu điểm là chính, trên cơ sở đó mà khắc phục khuyết điểm.

- Giáo dục đạo đức phải phối hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh và đặc điểm hoàn cảnh cá nhân học sinh.

- Trong công tác giáo dục đạo đức, người thầy cần phải có nhân cách mẫu mực và phải đảm bảo sự thống nhất giữa các các ảnh hưởng giáo dục đối với học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.