Đó là chia sẻ của thầy Lê Đình Khương (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng số 2 - Bắc Giang) xung quan vấn đề lạm thu núp bóng Ban đại diện cha mẹ học sinh được nói đến nhiều gần đây.
Từ thực tế quản lý, theo thầy Lê Đình Khương, để tránh tình trạng lạm thu, đầu tiên, ủy ban nhân dân tỉnh cần có quy định các khoản thu theo quy định. Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT duyệt các khoản thu của từng nhà trường. “Chỉ cần làm chắc khâu này là sẽ hạn chế cơ bản sự lạm thu lạm thu” – thầy Khương khẳng định.
Với các trường, thầy Lê Đình Khương cho rằng, các khoản thu chi cần có sự bàn bạc thống nhất trong tập thể lãnh đạo, giáo viên, nhân viên trong nhà trường, thống nhất với ban đại diện cha mẹ học sinh. Đặc biệt, cần trình các khỏan thu cho Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT phê duyệt. Khi được phê duyệt mới được triển khai thu.
Theo thầy Lê Đình Khương, hầu hết các khoản thu mang tính “nhạy cảm” đều từ các khoản kêu gọi ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh như Quỹ cha mẹ học sinh; quỹ xã hội hóa; quỹ tài trợ. Do vậy, các nhà trường phải căn cứ tình hình của từng địa phương để vận động cha mẹ học sinh.
Nguyên tắc số một của vận động ủng hộ là cha mẹ học sinh phải tự nguyện, họ phải cảm thấy đồng tiền họ bỏ ra thực sự thiết thực cho học sinh. Không phải tất cả các hoạt động, các hạng mục công trình đều phải kêu gọi sự quyên góp từ phụ huynh.
“Người đứng đầu nhà trường phải biết cân đối ngân sách nhà nước cấp với nguồn vận động từ cha mẹ học sinh; phải biết lựa chọn những gì thực sự cần thiết và có ý nghĩa thiết thực để vận động sự ủng hộ của cha mẹ học sinh (liệu cơm gắp mắm).
Chẳng hạn ở vùng kinh tế khó khăn mà vận động cha mẹ học sinh góp tiền lắp điều hòa là không hợp lí. Hiệu trưởng phải khéo léo và hơn mọi lời nói là phải cho cha mẹ học sinh thấy được hiệu quả các hoạt động của nhà trường” – thầy Lê Đình Khương chia sẻ.
Ban đại diện cha mẹ học sinh rất cần thiết
Xung quanh câu chuyện nên hay không nên có Ban đại diện cha mẹ học sinh, thầy Lê Đình Khương khẳng định: vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh là rất cần thiết.
Vai trò đó được khẳng định ngay từ nhiệm vụ, quyền của ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, của trường, có thể liệt kê một số vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp và của trường, đã được ghi rõ trong thông tư 55 của Bộ GD&ĐT, đó là:
Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục theo nội dung được thống nhất tại cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học;
Tổ chức việc thu thập nguyện vọng và kiến nghị của cha mẹ học sinh; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh;
Trao đổi với giáo viên chủ nhiệm lớp về hoạt động của cha mẹ học sinh, phản ánh ý kiến của cha mẹ học sinh về chất lượng giáo dục và chất lượng dạy học;
Cùng với giáo viên chủ nhiệm lớp xem xét, đề nghị tuyên dương, khen thưởng hoặc xử lý kỷ luật đối với học sinh của lớp;