Giáo dục đạo đức cho học sinh từ đề tài NCKH giải nhất quốc gia

GD&TĐ - Đề tài đạt giải nhất quốc gia năm học 2016-2017 cuộc thi Khoa học kĩ thuật cho học sinh phổ thông do Đào Ngọc Huyền (nguyên học sinh Trường THPT Công nghiệp Việt Trì, Phú Thọ) thực hiện dưới dự hướng dẫn của ThS Đỗ Thu Hà (giáo viên Trường THPT Công nghiệp Việt Trì) đã đề xuất một số giải pháp giáo dục đạo đức cho học sinh THPT.

ThS Đỗ Thu Hà và học sinh Đào Ngọc Huyền tham gia Cuộc thi KHKT cấp quốc gia
ThS Đỗ Thu Hà và học sinh Đào Ngọc Huyền tham gia Cuộc thi KHKT cấp quốc gia

Những giải pháp của đề tài được chia sẻ dưới đây có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục học sinh THPT hướng tới những giá trị đạo đức tốt đẹp.

Giáo dục định hướng giá trị đạo đức ở gia đình

Giáo dục giá trị đạo đức trong môi trường gia đình hướng tới hai mục tiêu. Thứ nhất, ông bà, cha mẹ truyền đạt cho con cháu những truyền thống tốt đẹp của gia đình để những truyền thống đó luôn được giữ gìn, phát huy. Thứ hai, ông bà, cha mẹ giáo dục cho con cháu những giá trị truyền thống tốt đẹp theo chuẩn giá trị đạo đức của cộng đồng, xã hội.

Biện pháp giáo dục gia đình đặt ra một số yêu cầu cơ bản như sau:

Giáo dục học sinh phải chú ý sử dụng con đường tình cảm. Việc cung cấp đầy đủ các nhu cầu vật chất không thể thay thế cho sự quan tâm, gần gũi, tôn trọng, yêu thương của cha mẹ đối với con cái.

Giáo dục thông qua tấm gương, sự mẫu mực của chính những người lớn trong gia đình. Nhiều học sinh lấy tấm gương của cha mẹ, ông bà làm hình mẫu cho sự phấn đấu và hoàn thiện nhân cách của mình. Vì vậy, nếu người lớn trong nhà có những biểu hiện lệch chuẩn thì định hướng giá trị đạo đức của con cháu cũng thiên về lệch lạc với yêu cầu, kỳ vọng của xã hội.

Những bài học đạo đức từ các thành viên trong gia đình có ý nghĩa lâu bền với mỗi cá nhân. Vì vậy, xây dựng gia đình văn hóa, ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, mọi người hòa thuận, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau là cơ sở hình thành định hướng giá trị (ĐHGT) đạo đức của mỗi thành viên.

Ông bà, bố mẹ phải trò chuyện với con cháu về các giá trị đạo đức tốt đẹp, lắng nghe những suy nghĩ của con cháu và kịp thời uốn nắn, điều chỉnh những biểu hiện lệch chuẩn. Gia đình nên động viên và tạo điều kiện để học sinh được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hoạt động xã hội, từ thiện trong và ngoài nhà trường…

Đào Ngọc Huyền tham gia chương trình Tọa đàm về giáo dục đạo đức cho học sinh THPT

Đào Ngọc Huyền tham gia chương trình Tọa đàm về giáo dục đạo đức cho học sinh THPT

Giáo dục định hướng giá trị đạo đức ở nhà trường

Với mỗi học sinh, nhà trường là môi trường không thể thiếu trong quá trình phát triển toàn diện nhân cách. Thông qua hoạt động học tập, học sinh hình thành quan điểm, niềm tin, thái độ… với mọi vấn đề của tự nhiên, xã hội, con người. Từ đó, các ĐHGT đạo đức đúng đắn được hình thành.

Giáo dục ĐHGT đạo đức là nội dung cơ bản trong chương trình giáo dục công dân và được tích hợp trong hoạt động dạy học. Nội dung này cần được lồng ghép, nhấn mạnh ở những môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội.

Để thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế, nhà trường không chỉ giáo dục cho học sinh những giá trị cốt lõi, truyền thống mà còn chú ý hình thành ở học sinh những giá trị cần thiết trong giai đoạn hội nhập như tự tin, hợp tác, độc lập… Một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục nhà trường là chuyển từ quá trình giáo dục thành tự giáo dục.

Thực hiện phương châm học đi đôi với hành, lí luận gắn liền với thực tế, nhà trường, đặc biệt là tổ chức Đoàn Thanh niên cần tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa chính trị – xã hội – thực tiễn nhằm giáo dục giá trị đạo đức cho học sinh. Các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động tri ân được nhà trường tổ chức nhân những ngày lễ lớn… có tác dụng giáo dục truyền thống đạo đức tốt đẹp cho học sinh.

Bên cạnh đó, việc thành lập những câu lạc bộ học thuật, câu lạc bộ kỹ năng là cơ hội để học sinh được sáng tạo, rèn luyện năng lực hợp tác, làm việc nhóm, hình thành các giá trị sống chuẩn mực.

Thực tế hiện nay, giáo dục nhà trường có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn trong giáo dục giá trị đạo đức cho học sinh. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, sự đa dạng, đa chiều của các tác động xã hội đến học sinh đặt ra yêu cầu đối với giáo dục nhà trường là phải kịp thời quản lý, xử lý các vấn đề nảy sinh ở người học trong quá trình tương tác với môi trường xã hội.

Giáo dục định hướng giá trị đạo đức ở cộng đồng xã hội

Lứa tuổi học sinh THPT đã gia nhập vào nhiều mối quan hệ xã hội và những ảnh hưởng, tác động từ cộng đồng xã hội tới học sinh cũng không nhỏ. Thông qua hoạt động và giao tiếp với các tổ chức, đoàn thể, học sinh THPT vừa được rèn luyện về sự tự tin, năng động, vừa phát triển hệ thống động cơ, nhu cầu, lý tưởng đạo đức.

Khi đất nước hội nhập, khi nền dân chủ được mở rộng, các cơ quan chức năng cần quản lý hiệu quả sự du nhập của văn hóa bên ngoài để có những biện pháp ngăn chặn kịp thời những giá trị tiêu cực, tạo hàng rào văn hóa an toàn cho thế hệ trẻ Việt Nam. Các cơ quan chức năng cũng cần quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh mạng, trò chơi điện tử, karaoke, vũ trường, quán bar… để ngăn chặn kịp thời những hành vi không lành mạnh của học sinh THPT.

Các phương tiện truyền thông có tác động mạnh đến nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi cá nhân, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Nên tận dụng tối đa thế mạnh của truyền thông trong giáo dục đạo đức cho học sinh THPT như thông qua các tờ báo, chương trình truyền hình… Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp học sinh tiếp cận với những giá trị chung của nhân loại, của xã hội, những giá trị mang tính truyền thống, dân tộc, hiện đại và phát triển.

Tuy nhiên, học sinh THPT với đặc điểm chưa chín chắn, dễ dao động, thích cái mới… cũng rất dễ thiếu cân nhắc, lựa chọn khi tiếp nhận, làm theo các tác động từ truyền thông. Do vậy, việc ngăn chặn những nguồn thông tin trái với chuẩn mực xã hội, thuần phong mĩ tục của dân tộc như bạo lực, đồi trụy… trên các phương tiện truyền thông là cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Tiếp thêm sức mạnh

GD&TĐ - Hôm nay, 7/5, triệu triệu trái tim của người dân cả nước đều hướng về Điện Biên...