Thay đổi phương pháp để dạy học Ngữ văn theo tiếp cận năng lực

GD&TĐ - Dạy học Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực nghĩa là thông qua bộ môn, học sinh có khả năng kết hợp một cách linh hoạt, có tổ chức kiến thức, kỹ năng với thái độ, tình cảm, động cơ cá nhân… nhằm đáp ứng hiệu quả một số yêu cầu phức hợp của hoạt động trong một số hoàn cảnh nhất định.

Thay đổi phương pháp để dạy học Ngữ văn theo tiếp cận năng lực

Đưa ra nhận định này, ThS Đỗ Thu Hà (Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai) cho rằng, các năng lực đặc thù của bộ môn Văn bao gồm: Năng lực giao tiếp tiếng Việt và năng lực thưởng thức văn học, năng lực cảm thụ thẩm mỹ.

Ngoài ra, học sinh cũng cần được phát huy các năng lực khác như: Năng lực giải quyết vấn đề, năng lực giao tiếp, năng lực sáng tạo, năng lực hợp tác và năng lực tự quản bản thân.

Chuyển từ đọc chép sang đọc hiểu

Tuy nhiên, để phát huy được những năng lực nói trên của học sinh, theo ThS Đỗ Thu Hà cần thay đổi phương pháp dạy học. Cụ thể, cần chuyển từ cách dạy đọc chép sang đọc hiểu và thực hiện dạy học tích hợp.

Về đọc hiểu, ThS Đỗ Thu Hà cho rằng, trước đây, chúng ra thường coi phân tích hay giảng văn, bình luận là một phương pháp đặc thù của dạy học văn, theo hướng áp đặt một chiều.

Cách dạy đọc hiểu giúp học sinh biết cách đọc, cách tiếp cận, khám phá nội dung và nghệ thuật của văn bản theo các mức độ khác nhau, từ đọc đúng, đọc thông đến đọc hiểu; từ đọc tái hiện sang đọc sáng tạo, khơi dậy ở học sinh khả năng liên tưởng, tưởng tượng, giúp học sinh thực sự được đắm mình trong thế giới văn chương.

Từ đó, khơi gợi ở các em tình cảm mang tính thẩm mỹ, biết hướng tới giá trị chân - thiện - mĩ.

Học sinh có thể được phát huy năng lực đọc hiểu các văn bản theo đặc trưng thể loại, các văn bản chứa phương tiện biểu đạt như sơ đồ, bảng biểu…

Việc dạy đọc hiểu, theo ThS Đỗ Thu Hà, không chỉ rèn luyện học sinh năng lực đọc hiểu mà còn rèn luyện khả năng trình bày, thể hiện suy nghĩ, cảm nhận của bản thân trước đối tượng, vấn đề đặt ra.

Điều này hạn chế được hiện tượng học sinh học hết lớp 12 vẫn chưa có được khả năng tự tạo lập được văn bản theo yêu cầu như văn bản hành chính (đơn xin nghỉ học, đơn xin kết nạp đoàn…) hay khả năng diễn đạt trước đám đông.

Thực hiện dạy học tích hợp

Theo ThS Đỗ Thu Hà, dạy học tích hợp là tổ chức nội dung dạy học của giáo viên sao cho học sinh có thể huy động nội dung, kiến thức, kĩ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết các nhiệm vụ học tập, thông qua đó, hình thành kiến thức, kĩ năng, từ đó phát triển được các năng lực cần thiết.

Trong môn học Ngữ văn, dạy học tích hợp diễn ra ở ba phân môn là Làm văn, tiếng Việt và Văn học.

Có thể tích hợp ba phân môn hoặc tích hợp môn Ngữ văn với các phân môn khác như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân; tích hợp giữa kiến thức trong sách vở với kiến thức thực tế ngoài cuộc sống.

ThS Đỗ Thu Hà cho rằng, nếu chương trình Ngữ văn THCS lấy trục tích hợp là các kiểu văn bản như miêu tả, tự sự, nghị luận, thuyết minh, nhật dụng để học sinh hiểu đặc trưng văn bản theo kiểu loại, từ đó có khả năng tạo lập văn bản, thì chương trình Ngữ văn THPT lấy trục tích hợp là nội dung đọc hiểu văn bản và tạo lập văn bản..

Mục đích nhằm giúp học sinh phát triển, năng cao năng lực thưởng thức văn học và năng lực sử dụng tiếng Việt trong các tình huống giao tiếp.

Để phát huy tối đa hiệu quả giờ học, ThS Đỗ Thu Hà cho biết, có thể sử dụng những phương pháp tích cực, như:

Phương pháp đóng vai: Có thể cho học sinh đóng vai nhân vật trong tác phẩm tự sự, kịch hoặc xử lý một tình huống giao tiếp giả định…

Dạy học dự án: Tạo điều kiện cho học sinh thực hiện nhiệm vụ phức hợp giữa lý thuyết và thực tiễn. Theo đó, học sinh phải tự lực cao trong quá trình học tập, từ việc xác định mục tiêu, lập kế hoạch đến thực hiện dự án, kiểm tra kết quả…

Trải nghiệm thực tế, sáng tạo: Học sinh được trải nghiệm thực tế những địa điểm liên quan đến bài học, theo đó, sẽ tự rút ra kiến thức cho bản thân…

Để có thể dạy học môn Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực, đòi hỏi giáo viên phải có năng lực chuyên môn, năng lực phương pháp, năng lực xã hội, năng lực cá thể.

Giáo viên không chỉ là người nắm chắc văn bản, kiến thức, cần truyền thụ mà cần có khả năng định hướng, dẫn dắt học sinh giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.

Đặc biệt, chú ý xây dựng câu hỏi định hướng cho học sinh chuẩn bị bài, tránh phụ thuộc quá nhiều vào câu hỏi trong sách giáo khoa.

ThS Đỗ Thu Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.