Giáo dục đại học với tầm nhìn toàn cầu

Giáo dục đại học với tầm nhìn toàn cầu
Hội nhập giáo dục ĐH là xu thế tất yếu
Hội nhập giáo dục ĐH là xu thế tất yếu
 

(GD&TĐ) - Các vấn đề hội nhập giáo dục quốc tế, hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục, thành lập các ĐH đẳng cấp quốc tế, kết nối châu Á, chuẩn bị để giáo dục ĐH đáp ứng nhu cầu của thế kỷ 21… đã được đặt ra tại  hội nghị đối thoại giáo dục toàn cầu “Kết nối châu Á – Chuẩn bị để giáo dục ĐH đáp ứng nhu cầu của thế kỷ 21”, do Bộ GD&ĐT, Hội đồng Anh và ĐH Aston (Anh) phối hợp tổ chức tại TPHCM mới đây.

Giáo dục xuyên biên giới

Xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, một trong những thách thức của giáo dục ĐH được Phó Hiệu trưởng Đại học Bedfordshire Bill Rammell, nguyên Thứ trưởng phụ trách Giáo dục Đại học của Vương quốc Anh đặt ra là: “Các đại học của thế kỷ 21 cần suy nghĩ và hành động với tầm nhìn toàn cầu.

Biên giới quốc gia sẽ không còn nhiều ý nghĩa trong lĩnh vực này khi cạnh tranh song hành với hợp tác quốc tế.

Tầm nhìn toàn cầu được các trường đại học thành công đưa vào hệ thống, chương trình đào tạo, trải nghiệm của sinh viên, vào yếu tố con người, công tác lập kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực và tất nhiên là vào tầm nhìn và phương pháp tiếp cận của trường”.

Ông Chris Brown, Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam, chia sẻ: “Một báo cáo gần đây của Hội đồng Anh tổng kết các hoạt động liên kết giáo dục quốc tế ở 25 quốc gia cho thấy, các trường đại học cần tìm kiếm và khuyến khích các hoạt động hợp tác quốc tế cũng như chủ động mở rộng hợp tác đối tác toàn cầu, ví dụ như với các đối tác doanh nghiệp.

Tôi rất vui mừng khi thấy rằng, thông điệp về tăng cường hợp tác toàn cầu được chuyển tải một cách mạnh mẽ trong đối thoại chính sách này”.

Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, vị trí của giáo dục ĐH trong sự phát triển của các quốc gia hiện nay đã thay đổi nhiều so với trước đây.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi nhu cầu về nhân lực bậc cao ngày càng tăng với sự cạnh tranh khốc liệt của các nền kinh tế tri thức, giáo dục ĐH có vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của từng quốc gia.

Tại Việt Nam, các trường ĐH đã nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, trong đó có vấn đề hợp tác với các ĐH trên thế giới, góp phần mở rộng quy mô đào tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo chất lượng cao.

Việc chia sẻ kinh nghiệm, tạo thêm động lực và những đột phá mới ở cả cấp quốc gia và khu vực, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác bền vững và lâu dài giữa các nền giáo dục ĐH của các nước, giữa các trường ĐH và doanh nghiệp hoặc giữa các trường ĐH với các ngành công nghiệp… là cần thiết.

Điều đó sẽ hướng tới đáp ứng nhu cầu cùng tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, khu vực và toàn thế giới trong thế kỷ 21.

Tiến sĩ Steve Shannon - Phó Chủ tịch ĐH Hồng Kông, cho rằng: Các thử thách hiện nhiều trường đại học phải đối mặt đòi hỏi những mô hình quản trị và quản lý mới. Nhưng những cách tiếp cận mới này cần phải giữ lại những giá trị và đặc tính riêng biệt tạo nên bản sắc của trường.

Cơ hội và thách thức

Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, thời gian vừa qua, các trường ĐH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng, tìm giải pháp để hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới, qua đó góp phần mở rộng các lĩnh vực giáo dục đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho cả nước.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn khẳng định, các trường ĐH không thể chỉ dạy những gì nhà trường có, mà phải hướng tới nhu cầu của thị trường việc làm. Mặc dù đã có những sự hợp tác giữa doanh nghiệp với các trường ĐH như hợp tác đào tạo theo nhu cầu, hợp tác để nghiên cứu khoa học...; tuy nhiên, việc gắn kết này vẫn chỉ dừng ở một mức độ hạn chế.

Bên cạnh đó, một xu hướng mới cần chú trọng phát triển chính là chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

TS Bùi Quang đến từ TMA Solutions - một trong những nhà cung cấp giải pháp phần mềm lớn nhất Việt Nam - đã đưa ra những nhu cầu hợp tác của doanh nghiệp cũng như cơ chế để tạo nên một mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp với các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Theo Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng (Bộ GD&ĐT), mặc dù các hoạt động bảo đảm chất lượng đã được thực hiện trong các trường đại học tại Việt Nam; tuy nhiên, công tác thông tin tới công chúng, học sinh và phụ huynh còn nhiều hạn chế.

Chính vì vậy, sự kiện đã tạo ra một cuộc đối thoại tuyệt vời khi bà Carolyn Campbell đến từ Cơ quan Bảo đảm chất lượng Giáo dục Đại học Vương quốc Anh (QAA) nói về cách để những báo cáo chất lượng giáo dục đến được và thỏa mãn được sự quan tâm của những đối tượng khác nhau.

Những đối tượng khác nhau ở đây bao gồm những tổ chức và cá nhân đầu tư cho giáo dục đại học, các tổ chức giáo dục đại học, sinh viên và phụ huynh và các nhà tuyển dụng.

Theo ông Saad Rizvi, Giám đốc Hiệu quả tại Peason, nếu như các đại học tinh hoa thu hút phần lớn nguồn ngân sách nghiên cứu và những sinh viên  tài năng nhất, các trường đại học dành cho số đông cung cấp dịch vụ giáo dục cho các đối tượng thuộc nhóm trung lưu, dựa vào lợi thế về nội dung giáo trình được phát triển toàn cầu.

Các trường đại học dành cho số đông phần lớn sử dụng phương pháp trực tuyến hay hỗn hợp (cả trực tuyến và lên lớp) để phục vụ hàng ngàn sinh viên một lần.

Các trường đại học địa phương là những trường đóng vai trò then chốt trong quá trình đổi mới liên tục của kinh tế địa phương hay khu vực thông qua việc xây dựng và phát triển tay nghề cho lực lượng lao động cũng như nghiên cứu ứng dụng.

Mô hình cuối cùng là một khái niệm đang ngày một phổ biến hơn, học tập suốt đời - khái niệm làm mờ đi vai trò của các trường học hiện hữu mà nhấn mạnh hơn các phương pháp linh hoạt để thu nhận kỹ năng và kiến thức mới, cần thiết cho một thế giới không ngừng thay đổi.

Việc mở rộng liên kết toàn cầu đưa lại nhiều cơ hội cho giáo dục ĐH Việt Nam nhưng thách thức cũng không ít, bắt buộc giáo dục Việt Nam phải nâng cao chất lượng đào tạo cả về nội dung chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giáo viên, quản lý để đáp ứng được mặt bằng chung của giáo dục quốc tế. So với nhu cầu phát triển của thực tế, chất lượng giáo dục ĐH của Việt Nam vẫn nặng về lý thuyết, khô cứng và chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Công Chương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TS Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT và bà Đinh Thị Ngọc Lan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Bình tặng quà cho Trường PTDTBT TH-THCS số 2 Kim Thủy.

Ấm áp những sẻ chia

GD&TĐ - Với nhiều thầy cô tại Quảng Bình, mùa Hiến chương năm nay thật ấm áp, bởi ngoài những món quà động viên, họ nhận được sự sẻ chia và thấu hiểu.