Đây là tiền đề quan trọng để đáp ứng yêu cầu quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học thời gian tới.
Tập trung phát huy thế mạnh
Trường ĐH Đồng Tháp là cơ sở giáo dục có thế mạnh và truyền thống đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Với ưu điểm về quy mô đào tạo giáo viên, cùng cơ sở vật chất được đầu tư từ các dự án của Bộ GD&ĐT, dự kiến năm 2024, Trường ĐH Đồng Tháp thành lập Trường Sư phạm trực thuộc.
TS Trương Tấn Đạt - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Đồng Tháp cho biết: Nhà trường xác định sứ mạng “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đa lĩnh vực, trong đó khoa học giáo dục - đào tạo giáo viên là nòng cốt; nghiên cứu khoa học và cung cấp các dịch vụ cộng đồng; góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL và cả nước”.
Để thực hiện sứ mạng đề ra, ngoài đào tạo tại trường, thời gian qua trường tích cực liên kết với hơn 40 cơ sở giáo dục trong cả nước để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu vị trí công tác. Tính đến tháng 11/2023, Trường ĐH Đồng Tháp có 40 ngành đào tạo trình độ đại học, trong đó 18 ngành đào tạo giáo viên và 1 ngành cao đẳng giáo dục mầm non; chiếm tỷ lệ 46,34% các ngành đào tạo đại học, cao đẳng hiện có của trường.
Đặc biệt, triển khai Nghị định 116 của Chính phủ về đặt hàng, đào tạo giáo viên, Trường ĐH Đồng Tháp nhận đăng ký đặt hàng 1.068 chỉ tiêu, chiếm hơn 18% tổng chỉ tiêu và cao nhất trong 32 cơ sở giáo dục được đặt hàng…
Theo TS Trương Tấn Đạt, trường là đơn vị duy nhất vùng ĐBSCL đào tạo đầy đủ các ngành đào tạo giáo viên, đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Số lượng lớn giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vùng ĐBSCL, một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, phía Bắc được học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tại trường sẽ góp phần vào sự phát triển của ngành Giáo dục và các địa phương trong cả nước.
Trao đổi về “điểm nhấn” trong đào tạo, TS Nguyễn Tuấn Khanh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kiên Giang cho biết: Năm học 2024 - 2025, trường áp dụng chính sách thu hút nhân sự trình độ cao để phát triển chương trình đào tạo, tăng cường nguồn nhân lực ở các lĩnh vực. Đặc biệt, người học sẽ được hưởng chế độ ưu đãi, hỗ trợ chỗ ở, tiền mặt.
Ký kết chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Kiên Giang và Trường ĐH Cần Thơ giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: B. Thùy |
Đầu tư nhân, vật lực
Theo TS Nguyễn Tuấn Khanh, thời gian tới, Trường ĐH Kiên Giang phấn đấu trở thành trường đại học thông minh gắn với tự chủ đại học. Nhà trường nâng cao chất lượng đội ngũ bằng chính sách đào tạo, giữ chân tại chỗ, thu hút đội ngũ có trình độ cao ngoài trường một cách đồng bộ… Đặc biệt, trường tăng cường cơ sở vật chất, chuyển đổi số, tinh gọn bộ máy tổ chức theo hướng giảm các đầu mối khoa, phòng, trung tâm, thành lập hợp tác xã sinh viên, doanh nghiệp khoa học công nghệ...
Định hướng phát triển giai đoạn 2020 - 2025, Trường ÐH Cần Thơ tập trung cho 5 lĩnh vực ưu tiên: Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp - thủy sản - môi trường; quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; kỹ thuật công nghệ và công nghệ thông tin - truyền thông; khoa học giáo dục, luật, xã hội nhân văn; phát triển kinh tế thị trường. Trường đang đào tạo 84 ngành bậc đại học và 72 chuyên ngành sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ).
Là trường đại học trọng điểm của vùng ĐBSCL, với quy mô đào tạo khoảng 40 nghìn sinh viên, học viên, Trường ĐH Cần Thơ có vị thế trụ cột trong hệ thống giáo dục bậc cao của Việt Nam, được Chính phủ xếp vào nhóm trường đại học trọng điểm quốc gia của cả nước.
Đến nay, Trường ĐH Cần Thơ đã thành lập 5 trường trực thuộc. Theo GS.TS Hà Thanh Toàn - Thường trực Hội đồng trường, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, việc thành lập các trường trực thuộc nhằm đảm bảo hoạt động tối ưu về bộ máy quản lý, con người. Trường ĐH Cần Thơ sẽ thành đại học của khu vực và thành lập 2 phân hiệu Trường ĐH Cần Thơ tại tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang.
Thành lập trường trong trường giúp phân cấp, quyền được đẩy mạnh; tăng vai trò chủ động sáng tạo ở cấp dưới và tạo động lực phát triển đến từng giảng viên. Các trường chuyên ngành sẽ xây dựng chiến lược phát triển gắn với thế mạnh trong việc xác định tầm nhìn, sứ mạng để phục vụ cộng đồng.
Đặc biệt, việc thành lập 2 phân hiệu tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng là bước tiến quan trọng trong phát triển Trường ĐH Cần Thơ thành ĐH Cần Thơ với mô hình tổ chức của đại học công lập đa ngành, lĩnh vực, bảo đảm chất lượng đào tạo, phát triển và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác trong và ngoài nước, hỗ trợ cho sự phát triển, xây dựng mạng lưới các trường đại học vùng ĐBSCL.
Để đáp ứng yêu cầu quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, PGS.TS Lương Minh Cừ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long cho biết: Các cơ sở giáo dục đại học có sự chuẩn bị cho bước phát triển thời gian tới với tầm nhìn chiến lược.
Đặc biệt, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục đại học mới phải đồng bộ mạng lưới giáo dục hiện có; chuẩn bị đội ngũ giảng viên chất lượng và cơ sở vật chất phù hợp để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành, nghề trọng điểm được định hướng phát triển; cần có giải pháp thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ chương trình đào tạo các trường đại học…