Tuyển sinh 2024 vùng Đồng bằng sông Cửu Long đón đầu nhu cầu phát triển

GD&TĐ - Các trường đại học vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tăng tốc chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm 2024.

Sinh viên Trường ĐH Trà Vinh thực tập tại phòng in 3D. Ảnh: TG
Sinh viên Trường ĐH Trà Vinh thực tập tại phòng in 3D. Ảnh: TG

Nhiều trường dự kiến mở ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển vùng thời gian tới.

Tập trung nhân lực

Năm 2024, Trường ĐH Cần Thơ dự kiến mở đào tạo ngành Báo chí. Theo TS Bùi Thanh Thảo - Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường ĐH Cần Thơ), báo cáo từ Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào khối ngành Báo chí và thông tin cao thứ 2 (sau khối ngành An ninh, quốc phòng). Tỷ lệ đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Báo chí cao gấp 3 lần tổng chỉ tiêu tuyển sinh và là ngành có điểm tuyển đầu vào thuộc tốp cao nhất.

“Hiện, vùng ĐBSCL chưa có cơ sở đào tạo ngành báo chí trình độ đại học. Lực lượng nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí truyền thông chủ yếu đào tạo từ vùng, miền khác hoặc qua các ngành gần. Thực tiễn này đặt ra nhu cầu đào tạo lớn đối với nguồn nhân lực báo chí tại vùng ĐBSCL”, TS Bùi Thanh Thảo thông tin.

Theo dự kiến của Trường ĐH Cần Thơ, chương trình đào tạo ngành Báo chí (trình độ đại học) có tổng cộng 141 tín chỉ, thời gian đào tạo 4 năm. Đối tượng tuyển sinh gồm tất cả thí sinh tốt nghiệp THPT. Các tổ hợp môn xét tuyển gồm: C00 (Văn - Sử - Địa), D01 (Toán - Văn - Anh văn), D14 (Văn - Sử - Anh văn), D15 (Văn - Địa - Anh văn). Đơn vị trực tiếp đào tạo ngành báo chí là khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường ĐH Cần Thơ).

Dự kiến, Trường ĐH Cần Thơ tuyển sinh ngành báo chí từ năm học 2024 - 2025, với 150 chỉ tiêu, hình thức đào tạo chính quy. Theo PGS.TS Trần Trung Tính - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Cần Thơ, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ số lượng giảng viên cơ hữu, cơ sở vật chất đảm bảo theo quy định để mở ngành Báo chí…

Năm 2024, Trường ĐH FPT Cần Thơ cũng dự kiến mở một số ngành mới. Ông Trần Thanh Danh - Giám đốc Tuyển sinh và Truyền thông - Marketing cho biết, trường tuyển sinh các nhóm ngành: Các ngành mới dự kiến tuyển sinh năm 2024 gồm: Công nghệ ô tô số; Logistics và chuỗi cung ứng; Quan hệ công chúng. Đây là các ngành rất cần nguồn nhân sự phục vụ sự phát triển vùng ĐBSCL và cả nước thời gian tới.

Đại diện Phòng Tuyển sinh Trường ĐH Cửu Long cho biết, trường hiện có 27 ngành với 75 chuyên ngành đào tạo hệ đại học chính quy. Năm 2024, trường dự kiến mở thêm một số ngành mới: Marketing, Kỹ thuật hình ảnh y học, Y sĩ đa khoa, Y học cổ truyền, Hộ sinh… Những ngành này xã hội đang cần nguồn nhân lực để phục vụ phát triển kinh tế, chăm sóc sức khoẻ người dân, đặc biệt vùng ĐBSCL.

Trung tâm Đào tạo Logistics và Thương mại điện tử (Trường ĐH Trà Vinh) khảo sát tại cảng Cái Cui (TP Cần Thơ). Ảnh: TG

Trung tâm Đào tạo Logistics và Thương mại điện tử (Trường ĐH Trà Vinh) khảo sát tại cảng Cái Cui (TP Cần Thơ). Ảnh: TG

Chú trọng mở ngành đặc thù

Nhằm giải bài toán khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Logistics, Trường ĐH Trà Vinh đã thành lập Trung tâm đào tạo Logistic và Thương mại điện tử, đồng thời tiên phong ở khu vực ĐBSCL xây dựng chương trình đào tạo Co-op (chương trình đào tạo hợp tác với doanh nghiệp) cho ngành này.

Thông tin của Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Trà Vinh, từ năm 2023, đơn vị chính thức tuyển sinh hai ngành học có nhu cầu “nóng” là Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng và Trí tuệ nhân tạo. Trường cũng là thành viên, Chi hội trưởng Chi hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (Valoma) khu vực ĐBSCL. Đây là lợi thế để trường kết nối các doanh nghiệp chuỗi ngành Logistics và triển khai mô hình đào tạo Co-op.

Đại diện Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Trà Vinh cho biết thêm, trường xác định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, gắn với thực tiễn, phục vụ phát triển vùng ĐBSCL và cả nước là một trong số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, trường tập trung đầu tư nhiều ngành đặc thù, mở rộng ngành mới theo hướng đa dạng hóa gắn kết chặt chẽ cộng đồng doanh nghiệp và nhu cầu nhân lực chất lượng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực. Đó là các ngành, lĩnh vực về năng lượng, điện, nông nghiệp, thủy sản bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, khoa học sức khỏe, kỹ thuật - công nghệ, kinh tế, logistics, trí tuệ nhân tạo...

Ngành nông nghiệp ĐBSCL đang bước vào giai đoạn phát triển, cần nhân lực qua đào tạo. Các trường đại học đã nắm bắt nhu cầu, tuyển sinh và đào tạo nhiều sinh viên chuyên ngành nông nghiệp, cung ứng nhân lực cho địa phương. Tuy nhiên, nhiều năm qua, nhiều trường gặp khó trong khâu tuyển sinh.

Một trong những nguyên nhân là thí sinh lo ngại học xong chỉ có thể làm việc ở vùng nông thôn. Nhiều em sau khi ra trường chỉ muốn tìm việc tại thành phố, dù trái ngành nghề, bởi cho rằng có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập tốt hơn. Trong khi đó, thị trường lao động tại các địa phương vùng ĐBSCL - nơi có nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản, chế biến và xuất khẩu các mặt hàng thủy sản... đang cần nhiều lao động qua đào tạo.

Theo PGS.TS Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang (ĐH Quốc gia TPHCM), khó khăn chung của các trường đại học là ít thí sinh chọn học ngành nông nghiệp.

Để thu hút người học vào nhóm ngành này, nhà trường quyết tâm đào tạo chuyên môn cho giáo viên có chuyên ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp; đầu tư trang bị thiết bị mới về nông nghiệp; xây dựng trung tâm thiết bị nghiên cứu để hỗ trợ việc tiếp cận và áp dụng những công nghệ cao trong sản xuất, vận hành nền nông nghiệp hiện đại.

Song song đó, nhà trường trao đổi sinh viên với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, từ đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ cho tỉnh An Giang mà cả vùng ĐBSCL.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ