Đồng bằng sông Cửu Long cần thay đổi cơ cấu, ngành nghề đào tạo

GD&TĐ - Giáo dục vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chuyển biến tích cực, nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển xã hội còn thiếu.

Sinh viên Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường ĐH Cần Thơ) trong giờ thực hành. Ảnh: Q. Ngữ
Sinh viên Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường ĐH Cần Thơ) trong giờ thực hành. Ảnh: Q. Ngữ

Điều này đòi hỏi việc nâng cao mặt bằng học vấn, đặc biệt nguồn lao động có trình độ đại học trở lên.

Thiếu nhân lực trình độ cao

Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo có trình độ đại học ở ĐBSCL chỉ chiếm khoảng 7% so với hơn 16% vùng Đông Nam Bộ hay 14,5% vùng Đồng bằng sông Hồng. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết ĐBSCL có khoảng 10 triệu lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 14,9% và tỷ lệ lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên là 6,8% - thấp nhất cả nước.

Theo GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, những năm qua giáo dục, đào tạo vùng ĐBSCL có những bước phát triển đáng mừng. Mới đây, Hội nghị Giáo dục vùng ĐBSCL (Bộ GD&ĐT tổ chức), đã đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục vùng tiệm cận trung bình chung cả nước, một số chỉ số giáo dục đạt mức trung bình và trên trung bình cả nước. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần cải thiện, trong đó có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp.

GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ, cũng nhận định, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển vùng ĐBSCL hạn chế, đặc biệt mặt bằng học vấn, tỷ lệ ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến thấp hơn mức bình quân chung cả nước. Đây là trở lực cho bước tạo đà tăng tốc và cất cánh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đối với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Trong 9 đột phá chiến lược của Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 287 của Thủ tướng Chính phủ, đột phá thứ nhất đó là liên quan đến con người - nguồn nhân lực. Để thực thi điều này, cần xác định được thực trạng nguồn nhân lực ĐBSCL và định hướng giải pháp phát triển nguồn nhân lực phù hợp bền vững, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng trong tương lai.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Phương, sự thiếu hụt nguồn nhân lực có thể là do hệ thống giáo dục đại học vùng chưa phát triển; khả năng chi trả cho học tập đại học của người dân còn hạn chế; sự phân luồng trong giáo dục sau trung học chưa tốt...

ĐBSCL hiện có 16 trường đại học, chưa kể phân hiệu của các trường đại học, các trường quốc tế đóng trên địa bàn. Chỉ tính 16 trường đại học công lập và ngoài công lập ở ĐBSCL, quy mô đào tạo khác nhau, từ chỉ hơn 1.000 đến gần 35.000 sinh viên đại học; đồng thời chỉ có 6 trường có đào tạo trình độ tiến sĩ, 11 trường có đào tạo thạc sĩ.

“Với thực trạng này, giáo dục đại học của ĐBSCL cần sự chuyển dịch mạnh không chỉ trong nội bộ các trường, mà cần sự góp sức của các trường ngoài khu vực; đồng bộ với chính sách hỗ trợ của Bộ GD&ĐT và Chính phủ mới có thể đáp ứng nhu cầu phát triển…”, GS.TS Nguyễn Thanh Phương nhấn mạnh.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Cần thay đổi cơ cấu

Một vấn đề đặt ra cho nguồn nhân lực ĐBSCL chính là tình trạng “chảy máu chất xám”. Minh chứng vấn đề này, TS Huỳnh Anh Huy, Trưởng khoa Sư phạm (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: 10 năm qua, trong khi dân số vùng Đông Nam Bộ tăng lên thì dân số vùng ĐBSCL giảm. Điều này chứng tỏ có xu hướng di dân, dịch chuyển ra ngoài vùng, đặc biệt vùng lân cận.

Từ đây cũng cho thấy thị trường lao động ở ĐBSCL chưa phát triển và thu hút nguồn nhân lực. Về cơ cấu nguồn lao động có sự thay đổi, theo TS Huỳnh Anh Huy, từ năm 2010 tỷ lệ lao động ở khu vực nông thôn ĐBSCL chiếm tỷ lệ rất lớn; những năm gần đây giảm, nhưng lại tăng ở khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Như vậy, ĐBSCL đã có dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Do đó, công tác đào tạo cần cơ cấu ngành nghề đào tạo theo xu hướng dịch chuyển này.

ĐBSCL đang trong quá trình chuyển dịch phát triển kinh tế - xã hội, Trung ương có nhiều Nghị quyết về phát triển vùng. Tất cả nghị quyết đều đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Theo đó, trong xu hướng phát triển của thế giới và tác động mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, càng đòi hỏi đội ngũ nhân lực phải qua đào tạo, nhân lực có trình độ đại học trở lên.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Phương, đặc điểm lao động của ĐBSCL đang dịch chuyển, lao động trong khu vực nông - lâm - thủy sản giảm; lao động tham gia các khu vực ngoài nông nghiệp tăng. Vì vậy, giáo dục đại học ở ĐBSCL phải dịch chuyển theo hướng các ngành nghề mà vùng đang cần; nhất là các lĩnh vực về kỹ thuật công nghệ và dịch vụ. Ưu tiên cho tuyển sinh và đào tạo các ngành có nhu cầu cao sẽ là động lực lớn cho sự phát triển của vùng.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho hay, thời gian tới, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trong nước, từng bước tiếp cận các chuẩn kiểm định chất lượng khu vực và thế giới. Cùng đó, sẽ mở rộng quan hệ, tích cực hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực; tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; Đồng thời rà soát nhu cầu xã hội để điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo sát với thực tiễn nguồn nhân lực trong vùng, đáp ứng nhu cầu học tập của người học và các doanh nghiệp, tổ chức, địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.