Khởi sắc giáo dục đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, GD đại học ở ĐBSCL đạt được thành quả đáng ghi nhận.

Sinh viên Trường ĐH Trà Vinh trong giờ thực hành in 3D. Ảnh: Q. Ngữ
Sinh viên Trường ĐH Trà Vinh trong giờ thực hành in 3D. Ảnh: Q. Ngữ

Phát triển quy mô, số lượng và chất lượng

Thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương, GD&ĐT vùng ĐBSCL tiếp tục ổn định và phát triển về quy mô mạng lưới trường, lớp, số học sinh/sinh viên từ mầm non đến đại học, được rà soát, sắp xếp theo hướng phù hợp với nhu cầu xã hội về ngành nghề và đa dạng về loại hình. Các ngành học, bậc học được giữ vững và phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng.

Từ việc chỉ có Trường ĐH Cần Thơ vào những năm đầu thế kỷ 21, hiện nay 10/13 tỉnh, thành phố đã có trường đại học. Tại các tỉnh còn lại đều có phân hiệu của các trường đại học hoặc có chủ trương đầu tư, trong đó riêng TP Cần Thơ có 5 trường đại học và 1 phân hiệu, Vĩnh Long có 3 trường đại học và 1 phân hiệu.

Các trường đại học trong khu vực hiện đang đào tạo các trình độ từ đại học đến tiến sĩ với 1.475 lượt ngành đào tạo đại học, 115 lượt ngành đào tạo thạc sĩ và 40 lượt ngành đào tạo tiến sĩ, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, chăn nuôi và quản trị, quản lý.

Năm học 2010 - 2011, quy mô đào tạo cao đẳng, đại học của vùng là 42.448 sinh viên. Đến năm 2019 - 2020, quy mô sinh viên đại học đạt 149.744 sinh viên. Vùng ĐBSCL đứng thứ tư trên toàn quốc về số lượng sinh viên đại học, cao đẳng. Số lượng học viên cao học, nghiên cứu sinh là 5.589 học viên.

Chất lượng đào tạo nhân lực có trình độ đại học, sau đại học tại các cơ sở giáo dục đại học tại địa phương có bước khởi sắc. Nhiều chương trình liên kết, đề án đào tạo đại học, sau đại học được Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các bộ, ngành trung ương, các địa phương triển khai thực hiện; các đề án đặc thù đào tạo bác sĩ, chuyên ngành y dược, kiến trúc, kinh tế… Chương trình Mê Kông 1.000 là kết quả nỗ lực phối hợp giữa Trường ĐH Cần Thơ cùng với các tỉnh, thành trong vùng đến nay đã đào tạo hơn 500 tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài.

Theo GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, trường hiện có 84 ngành đào tạo bậc đại học, 51 chuyên ngành bậc thạc sĩ và 21 chuyên ngành tiến sĩ. Mỗi năm, trường cung cấp cho xã hội khoảng 10.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ, đây là nguồn lao động lớn có trình độ cao.

Trường ĐH Cần Thơ hiện có 5 trường (Trường Nông nghiệp, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Bách khoa, Trường Thủy sản), có 10 Khoa, 17 Trung tâm, 14 phòng ban, 3 Viện, 1 Công ty và Trường THPT Thực hành Sư phạm. Trường đang xúc tiến thủ tục thành lập 2 phân hiệu tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, đây là bước tiến quan trọng trong việc phát triển Trường ĐH Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ.

Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ thực hành trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Q. Ngữ

Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ thực hành trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Q. Ngữ

Nỗ lực nâng cao chất lượng

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục được các trường quan tâm và thực hiện. 100% các trường đều đã có đơn vị chuyên trách thực hiện công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định. Có 15 trường đại học và 1 trường cao đẳng sư phạm đã được đánh giá ngoài và đều được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục. Có 9 trường đại học với tổng số 50 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và 50 chương trình đào tạo này đều được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Theo lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ, xếp loại của Webometrics, trường được xếp thứ 10 trong cả nước (năm 2023) và theo xếp hạng của QS thì thứ 501-550 Châu Á (năm 2022), đặc biệt ngành nông nghiệp và thuỷ sản được xếp 251-350 thế giới (tuỳ năm trong giai đoạn 2020 - 2022). Công bố khoa học của trường liên tục tăng trong nhiều năm qua, năm 2022 chỉ số xuất bản của giảng viên (số bài báo/số giảng viên) là 1,96 bài, trong đó bài báo trong tạp chí quốc tế uy tín (WoS và Scopus) là 0,61 bài.

Kết quả của AD Scientific Index 2023, Trường ĐH Trà Vinh xếp hạng 37 trong hơn 120 trường đại học tại Việt Nam. Nếu chỉ xét đến các trường đại học được thành lập sau năm 2000, Trường ĐH Trà Vinh đạt được một thành tích vượt trội hơn nữa khi xếp hạng thứ 8, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của nhà trường trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, đây là kết quả sự nỗ lực của sinh viên, giảng viên, các nhà khoa học và nghiên cứu tại trường. Trường ĐH Trà Vinh tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chất lượng giáo dục để nâng tầm vị thế của mình trong tương lai; Tiếp tục liên kết với các tổ chức, viện, trường, doanh nghiệp, cộng đồng trong nước và quốc tế để tăng cường hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ gắn với thực tiễn.

Thời gian tới, Trường ĐH Trà Vinh đặt mục tiêu trở thành một trường đại học vươn tầm ảnh hưởng trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về lĩnh nông nghiệp, thủy sản, công nghệ sinh học, môi trường, khoa học sức khỏe, văn hóa, kinh tế, logistics, trí tuệ nhân tạo, khoa học kỹ thuật và năng lượng… Những sản phẩm, đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên nhà trường gắn với thực tiễn, ứng dụng cao góp phần phục vụ quá trình sản xuất, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, khu vực và cả nước.

Trường ĐH Cần Thơ đang có nguồn cán bộ giảng dạy có trình độ sau đại học thuộc nhóm các trường hàng đầu của Việt Nam với 53% có trình độ tiến sĩ (trong đó, 18 giáo sư chiếm 1,70% và 163 phó giáo sư chiếm 15,2%), có trường chuyên ngành đạt tỷ lệ giáo sư là 13,6%, phó giáo sư 40,0% và tiến sĩ 40,4%. Trường phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ tiến sĩ của trường tiếp cận mức 70%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.