Giáo dục chuyên biệt ở TPHCM: Cần phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu

GD&TĐ - Tại buổi tổng kết năm học 2014 – 2015 và triển khai phương hướng năm học 2015 – 2016, khối giáo dục chuyên biệt vừa được ngành Giáo dục TPHCM tổ chức, ghi nhận cho thấy, giáo dục chuyên biệt còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nhân sự và cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu vì thế con đường đến lớp của trẻ khuyết tật cũng còn nhiều trắc trở.

Giáo dục chuyên biệt ở TPHCM: Cần phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu

Khó khăn đủ bề

Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập người khuyết tật TP Hồ Chí Minh (TT HTPTGDHNNKT TPHCM), năm học 2014 – 2015 vừa qua, toàn thành phố có 27 trường chuyên biệt tiếp nhận gần 3.000 học sinh khuyết tật, gần 5.000 học sinh học hòa nhập tại các trường học trên địa bàn tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật đạt các kỹ năng cần thiết trong học tập và sinh hoạt.

Tuy nhiên, khối giáo dục chuyên biệt còn gặp không ít khó khăn: Cụ thể, toàn thành phố mới chỉ có 24 trường chuyên biệt, trong đó vẫn còn 7 quận huyện chưa có trường chuyên biệt công lập (quận 4, 7, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức, huyện Nhà Bè, Hóc Môn).

Còn các trường chuyên biệt dân lập phải tự túc kinh phí và dụng cụ giảng dạy. Cơ sở vật chất của các trường chuyên biệt còn nhỏ hẹp, thiếu sân chơi, thiếu đồ chơi vận động ngoài trời, các trường hòa nhập thiếu phòng học cho trẻ khuyết tật hoạt động cá nhân. Trong khi đó, số trẻ khuyết tật và những dạng dị tật khác ngày càng tăng nhiều.

Đối với những quận huyện chưa có trường chuyên biệt, hầu hết phụ huynh có con khuyết tật đành để con ở nhà, hoặc đến những quận xa để xin cho con học nhờ.

Nhưng thực tế, số lượng trẻ được các trường chịu cho học nhờ cũng rất hạn chế do khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, số lượng chuyên gia trị liệu cũng chưa đáp ứng đủ, nên con đường học tập của trẻ khuyết tật rất khó khăn.

Theo BS Phan Thiệu Xuân Giang - Giảng viên thỉnh giảng bộ môn Tâm lý thần kinh và tâm bệnh học phát triển của Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, trẻ khuyết tật có nhu cầu về đầu tư giáo dục gấp nhiều lần trẻ bình thường chính vì thế trường chuyên biệt cho trẻ khuyết tật cần những yêu cầu riêng, đặc biệt như lối đi riêng, nhà vệ sinh riêng, chưa kể những phương tiện dạy học tối thiểu khác.

Tuy nhiên, ông Nguyên Thành Tâm – Giám đốc TT HTPTGDHNNKT TPHCM (Sở GD&ĐT TPHCM) cho biết: Hầu hết các trường chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật đều khó khăn từ việc trang bị đồ dùng học tập, đồ chơi, sách vở cũng như bổ sung nguồn giáo viên, cán bộ y tế, bảo mẫu... Cơ sở vật chất thì xuống cấp đã lâu, đa số các trường đều tận dụng những phòng học cũ để lại nên rất khó.

Ví dụ ở Trường Chuyên biệt Hy Vọng (quận 8), do trước đây là một căn nhà của người dân để lại, có diện tích nhỏ hẹp và cấu trúc cũng không đúng quy định nên rất khó khăn.

Khuôn viên chỉ 216 m2 nên sân thượng của trường được tận dụng để làm sân thể dục, phòng đọc sách và cả nơi dạy kỹ năng. Tương tự là Trường chuyên biệt Thảo Điền (quận 2), mỗi khi triều cường là sân trường chìm ngập trong nước nhưng không có kinh phí để sửa chữa.

Không chỉ cơ sở vật chất, mà ngay cả vấn đề nhân lực cũng rất thiếu, gây không ít khó khăn cho các trường CB nếu muốn mở thêm phòng học để nhận trẻ.

Ông Nguyễn Thanh Tâm cho biết thêm: Hiện tại hầu hết trường chuyên biệt nào cũng thiếu giáo viên (GV) đứng lớp, một phần do tỷ lệ trẻ khuyết tật hằng năm đều tăng, mặt khác trình độ chuyên môn của GV không đồng đều, đa số GV đều được chuyển từ các trường MN qua sau đó đi học chuẩn hóa.

Trong khi đó, số GV được đào tạo chính quy, có tâm huyết với nghề rất ít. Cộng thêm với tình trạng GV, cán bộ quản lý có tâm huyết ở các trường về hưu nên hằng năm đều thiếu hụt GV cho trường chuyên biệt.

Đặc biệt, giáo viên các trường chuyên biệt chưa đảm bảo được tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp theo quy định, giáo viên các lớp có học sinh học hòa nhập chưa được bồi dưỡng chuyên sâu khó nâng cao chất lượng giảng dạy học sinh khuyết tật.

Được biết, hằng năm có khoảng trên dưới 40 sinh viên tốt nghiệp ngành Giáo dục chuyên biệt của Khoa Giáo dục đặc biệt của Trường ĐHSP TPHCM ra trường (ở 2 hệ, CĐ và ĐH) tuy nhiên để tuyển được số sinh viên này bổ sung cho các trường cũng rất khó.

Ông Tâm lý giải: Do đa phần những em này đều ngoại tỉnh, nếu muốn nhận vào biên chế thì phải có hộ khẩu, trong khi ở các quận huyện Phòng Nội vụ không nhận với lý do không có hộ khẩu, nên phòng Giáo dục cũng không nhận vào biên chế được, chỉ có thể nhận theo dạng hợp đồng nên cũng rất khó.

Chung tay để tháo gỡ khó khăn

Với 25 năm hoạt động trong ngành Giáo dục chuyên biệt của thành phố, ông Nguyễn Thanh Tâm đánh giá: Hiện giáo dục chuyên biệt của thành phố mới chỉ phát triển chiều rộng chứ chưa có chiều sâu, chất lượng chưa đạt yêu cầu.

Về mặt xã hội, chỉ mới giải quyết được phần ngọn chứ chưa hỗ trợ một cách thiết thực, thiếu hệ thống hoạt động cộng đồng. Giáo dục khuyết tật vẫn chưa được xem là ngành học chính quy, người quản lý làm công tác kiêm nhiệm, thiếu cơ sở vật chất giảng dạy…

Để giải quyết tình trạng khó khăn này, ông Tâm cho rằng, trước tiên cần tập trung nâng cao chất lượng các trường chuyên biệt, xây dựng được mạng lưới chuyên môn các quận huyện để bồi dưỡng thường xuyên cho các GV. Đặc biệt cần có một quy chế chung về giáo dục khuyết tật cho các trường, giúp các đơn vị hoạt động.

Hiện nay, hầu hết các trường chuyên biệt còn chưa có một giáo trình giảng dạy cụ thể, thống nhất, nhiều trường mới chỉ chú trọng dạy các bé phát triển về ngôn ngữ và các hành vi giao tiếp thông thường. Để đáp ứng nhu cầu dạy học trẻ khuyết tật, các nhà trường thiết kế chương trình theo quan điểm riêng biệt của một nhóm người hoặc một người.

Vì vậy, hiện nay có nhiều loại chương trình khác nhau đang được sử dụng trong các trường chuyên biệt gây khó khăn cho nhà trường trong việc quản lí chuyên môn và đánh giá chất lượng giáo dục. Mặt khác phụ huynh trẻ khuyết tật chưa được tiếp cận với chương trình giáo dục của con em mình cũng là một thiếu sót không đáng có của các trường chuyên biệt.

Phụ huynh có nhiều thời gian gần gũi trẻ, hiểu tâm sinh lí trẻ nhất nhưng do thiếu kiến thức, kỹ năng và không biết nội dung, tiến trình dạy trẻ cho nên sự hỗ trợ của phụ huynh trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ rất hạn chế. Và không biết đến bao giờ, những khó khăn của giáo dục chuyên biệt mới được giải quyết một cách triệt để

Trong năm học 2015 - 2016, Sở GD&ĐT TPHCM tiếp tục tham mưu xây dựng trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ở 7 quận huyện chưa có trường chuyên biệt (quận 4,7,9, Nhà Bè, Hóc Môn, Thủ Đức và Bình Thạnh), tổ chức hội thảo chuyên đề về giáo dục hòa nhập tại Phòng Giáo dục địa phương để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn trong giảng dạy, xây dựng các mô hình giáo dục hòa nhập tiên tiến ở các cấp học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.