Tuy nhiên, sử dụng AI trong hỗ trợ học tập là xu thế không thể đảo ngược, chúng ta cần tìm cách chung sống, tận dụng và phát huy ích lợi mà công nghệ mang lại.
Hấp dẫn nhưng tiềm ẩn nguy cơ
ChatGPT là một chatbot do OpenAI phát triển và không nhằm mục đích sử dụng như công cụ giáo dục. ChatGPT là mô hình ngôn ngữ lớn được đào tạo để tạo ra văn bản giống như con người, dựa trên dữ liệu đầu vào mà nó nhận được.
Cảm giác cô đơn sau đại dịch Covid-19 có thể khiến nhiều người trẻ, đặc biệt là nhóm thiếu hướng dẫn trở nên nghiện ChatGPT, coi nó như người bạn thực sự chứ không phải người máy. Nhưng vấn đề cần quan tâm là câu trả lời do ChatGPT tạo ra không khác gì văn bản được viết bởi một sinh viên đại học. Thời gian gần đây, ChatGPT cũng viết tóm tắt bài báo (abstract) khiến các nhà khoa học bình duyệt không phân biệt được với sản phẩm do người viết. Nhiều tác giả đã sử dụng ChatGPT để viết các đoạn văn, vẽ biểu đồ, phân tích số liệu nhưng cũng không bị phát hiện bởi những người bình duyệt và vượt qua các công cụ kiểm tra đạo văn.
Và dù chúng ta sẽ có sản phẩm công nghệ để phát hiện gian lận thì ChatGPT vẫn khiến nhiều người trở nên lười biếng hơn, mất động lực học tập. Vì viết lách và nảy sinh ý tưởng thường tốn rất nhiều thời gian, ai chẳng muốn tăng tốc quá trình này bằng cách nhờ máy làm việc cho họ, đặc biệt khi có những cỗ máy cho người dùng sản phẩm ngôn ngữ trôi chảy và mượt mà thậm chí còn tốt hơn chính mình viết ra.
PGS.TS Trần Thành Nam. |
Tuy vậy, ChatGPT không phải lúc nào cũng đáng tin cậy, vì trí tuệ của ChatGPT được đào tạo bằng cách sử dụng bộ dữ liệu văn bản khổng lồ được lấy từ Internet. Do đó, các câu trả lời có thể bị thiên lệch bởi thành kiến của những người tạo ra văn bản được sử dụng trong tập dữ liệu sử dụng để huấn luyện chatbot này. ChatGPT hiện không phân biệt được thông tin nào thì độ tin cậy cao hơn, dựa trên nghiên cứu khoa học và thông tin nào chỉ là quan điểm cảm nhận phiến diện của cá nhân. Chính trong mục các câu hỏi thường gặp về
ChatGPT trên trang chủ của OpenAI cũng thừa nhận, ChatGPT có kiến thức hạn chế về thế giới và các sự kiện sau năm 2021, đôi khi cũng có thể tạo ra những hướng dẫn có hại hoặc nội dung thiên vị. Ngoài ra, để bù đắp cho những lỗ hổng kiến thức hiện tại, ChatGPT sẽ cung cấp phản hồi theo khả năng tốt nhất của mình (thường là bịa chuyện) thay vì nói “lỗi” hoặc “không biết”.
Tôi đã thử hỏi ChatGPT về những chi tiết trong một tác phẩm văn học. Rất tự tin, ChatGPT đưa ra những nội dung có vẻ giống như tóm tắt về tác phẩm nhưng lại bổ sung thêm nhiều tình tiết mới hoàn toàn bịa đặt mặc dù có vẻ hợp lý. Có lẽ hư cấu là một năng lực mà ChatGPT thực sự giỏi. Điều này sẽ gây lo lắng cho những người sáng tác văn học mạng hoặc những người làm nghề copy writer.
Và trên phương diện văn hóa giáo dục, sẽ ra sao nếu những đứa trẻ yêu cầu ChatGPT viết câu chuyện khiêu dâm, hay chế tạo ra các tin giả để bôi nhọ, tấn công người khác. Bản thân ChatGPT cũng đang học từ phản hồi của con người để hoàn thiện các câu trả lời của nó. Nhưng sẽ ra sao nếu có người “đùa dai”, cố tình cung cấp thông tin sai về sự kiện hoặc nhân vật lịch sử, thậm chí lãnh đạo, lãnh tụ. ChatGPT sẽ chẳng thể nào nhận ra thông tin đó đúng hay sai. Chúng sẽ học, tiếp tục phản hồi những câu hỏi tương tự với đáp án sai và trở thành nguồn phát tán tin giả hợp pháp. Chính vì vậy, Liên minh châu Âu (EU) mới đây tuyên bố sẽ áp đặt các quy định mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giải quyết những lo ngại về rủi ro của công cụ ChatGPT mang lại.
Nói như thế, chính con người chúng ta chứ không phải ai khác đang giúp cho ChatGPT hoàn thiện hơn. Và rồi sớm thôi, ChatGPT sẽ có phiên bản 4.0 thông minh hơn, có thể cập nhật kiến thức thời gian thực nhờ sự trợ giúp của chính chúng ta. Liệu có thể chấp nhận một công cụ AI được chúng ta đào tạo, giờ lại trở thành người giáo dục chúng ta và cướp mất việc của chúng ta trong tương lai hay không?
Ảnh minh họa. |
Không thể thay thế người thầy
Với những gì mà ChatGPT có thể làm, nhiều người lo lắng chúng sẽ khiến vai trò của thầy cô trở nên thừa thãi. Tuy nhiên, chính ChatGPT trả lời câu hỏi này và nhấn mạnh AI chỉ là một công cụ giúp thầy cô, học sinh hoạt động hiệu quả hơn.
Thầy cô giáo dục các thế hệ học trò bằng nhân cách của mình. Vì vậy, kiến thức và năng lực chuyên môn chỉ đóng góp một phần. Phần quan trọng ảnh hưởng đến học sinh liên quan đến phong cách, lối sống, phẩm chất, thái độ của thầy cô, như tôn trọng, thân mật, đam mê với tri thức của các môn học. Sự quan tâm chính là chìa khóa để tạo ra môi trường mang tính nuôi dưỡng, biến học sinh trở thành liên minh với thầy cô.
Giáo viên giỏi không phải là người trả lời được mọi câu hỏi của học sinh hay luyện ra những học sinh trả lời được mọi câu hỏi. Người thầy xuất sắc phải là người ảnh hưởng đến thay đổi bước ngoặt, tác động lâu dài đến cuộc sống, thậm chí giúp thay đổi thân phận của học sinh; biến trò chệch hướng, không có động cơ học tập trở thành những người học có khao khát khẳng định bản thân để cống hiến cho xã hội và giá trị tích cực của cuộc sống. Ở khía cạnh này không một AI nào làm được.
Nói cụ thể trong tiến trình học tập ở độ tuổi tiểu học, THCS, các hoạt động học tập thường đi theo quy luật của nhận thức. Đầu tiên, giáo viên phải tổ chức hoạt động gây chú ý, tạo hứng thú cho học sinh về một chủ đề kiến thức mới. Sau khi học sinh hứng thú, tò mò, giáo viên giúp các em hình thành các câu hỏi thông minh, ví dụ như nó là gì? Em cần làm gì? Tại sao phải làm như vậy? Em sẽ làm nó như thế nào? Tiếp đến, học sinh tham gia hoạt động để trả lời những câu hỏi này và rút ra kiến thức quy luật chung. Cuối cùng, giáo viên tổ chức hoạt động trên lớp và giao nhiệm vụ về nhà để học sinh ứng dụng các tri thức đã học vào thực tiễn cuộc sống.
Với quy trình dạy học như vậy, ChatGPT không thể làm được việc tạo hứng thú, truyền cảm hứng học tập. Nó cũng hạn chế trong việc gợi ý cho học sinh đi đến những câu hỏi thông minh; không thể thiết kế hoạt động giúp học sinh ứng dụng tri thức đã học vào thực tiễn. ChatGPT cũng không phân tích được tại sao trong bối cảnh văn hóa này thì tri thức đó phù hợp, trong bối cảnh văn hóa khác thì tri thức lại không phù hợp ngoài việc đưa ra những kết luận chung.
Còn với người học lớn tuổi, đã có định hướng rõ ràng, có động cơ học tập, kế hoạch, sự sẵn sàng học tập và chút kinh nghiệm thực tiễn có thể tìm ra những câu hỏi thông minh để học hỏi. Nhưng học để thực hành, thực nghiệp không thể chỉ đặt câu hỏi, chờ vài giây và copy rồi paste kết quả là xong được. Học để hình thành năng lực phải thông qua trải nghiệm thực tế, tự mình thực hành thao tác cụ thể. Phải học qua quan sát người khác thao tác, suy ngẫm, đối chiếu với các trải nghiệm của bản thân. Học qua việc thử nghiệm những ý tưởng mới, phân tích sai lầm và thất bại để đưa ra phương án giải quyết vấn đề. Nó hoàn toàn vượt qua những gì mà ChatGPT có thể làm.
Có thể nói, ChatGPT sẽ không thể thay thế phẩm chất của người thầy như trí tuệ cảm xúc, sự đồng cảm, năng lực truyền cảm hứng, khả năng ra quyết định có đạo đức - những phẩm chất quan trọng để dạy người và giúp học trò trở thành những nhân cách xuất sắc. ChatGPT sẽ không thay thế được giáo viên hiện đại, những người dạy học theo cách tiếp cận dựa trên năng lực; dạy học bằng việc đưa ra những câu hỏi kích thích tư duy sáng tạo; coi trọng tư duy phản biện trong quá trình kiểm tra đánh giá hơn là trí nhớ. ChatGPT cũng hoàn toàn không tạo được cảm hứng học tập. Nó chỉ ra được các bước đi, kết quả, nhưng không thể hướng dẫn người học được cái quan trọng là những nhà khoa học đi trước đã tư duy như thế nào để giải quyết từng bước và đi đến kết quả cuối cùng.
ChatGPT đã tạo nên một hiện tượng trong lịch sử ngành công nghệ trên thế giới. Ảnh minh họa. |
Xu thế không thể đảo ngược
Các ứng dụng AI sẽ còn thông minh hơn nữa và công cụ như ChatGPT trở thành món đồ chơi công nghệ hấp dẫn và độc đáo của mọi người, đó là xu thế không thể đảo ngược.
Để giải quyết những lo lắng, giáo viên có thể suy nghĩ về việc trao đổi thắng thắn với học sinh về vấn đề liêm chính trong học thuật. Hãy nói với sinh viên lý do tại sao chúng ta phải học viết, nghiên cứu trong khi ChatGPT có thể làm điều này. Vì đó là cách để chúng ta vượt qua AI, nếu không bạn sẽ biến mình thành nô lệ của chúng và sẽ có thể bị AI cướp hết công việc trong tương lai.
Giáo viên có thể điều chỉnh lại các chính sách trong quá trình học tập, trong đó nêu rõ chỉ cho phép sử dụng AI như một bản nháp đầu tiên để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu không có đầu tư thích đáng thì không thể qua môn. Thống nhất với người học về các nội dung sử dụng AI phải được trích dẫn một cách trung thực.
Giáo viên cũng có thể thiết kế lại hoạt động đánh giá của mình và tập trung tiêu chí vào hoạt động tư duy bậc cao, cách giải quyết vấn đề sáng tạo, dự án học tập, bài thu hoạch phản ánh sự thay đổi nhận thức cá nhân và nhiệm vụ mà ChatGPT hay công cụ AI khác không thể hoàn thành.
Một trong những lý do khiến học sinh gian lận chính là chủ nghĩa thành tích, học vì điểm số và điểm kém có nghĩa là thất bại. Nhưng trên thực tế, chúng ta thường học được nhiều điều từ thất bại hơn là thành công. ChatGPT cũng đang học từ những thất bại (câu trả lời lỗi của mình) để hoàn thiện hơn. Vì thế, đừng đánh giá thất bại của học sinh như một kết quả cuối cùng. Hãy khuyến khích học sinh chấp nhận rủi ro, thất bại và học hỏi từ chính thất bại của mình.
Thầy cô cũng có thể giao các nhiệm vụ tìm hiểu ứng dụng ChatGPT cho học sinh. Giúp trò hiểu được những điều khoản, nguy cơ và hạn chế về thiên lệch kiến thức. Có thể giao nhiệm vụ cho học sinh bậc trung học phân tích và chấm điểm cho chính văn bản mà ChatGPT tạo ra, xác định xem điều gì là hữu ích nhất cho việc học của họ và những gì có thể là thông tin nghi ngờ.
Biến ChatGPT thành gia sư số bằng cách giao nhiệm vụ cho học sinh yêu cầu ChatGPT giải thích một khái niệm rồi phân tích sự khác biệt trong cách công cụ này sử dụng ngôn ngữ để diễn giải khái niệm. Hoặc có thể giao nhiệm vụ tìm kiếm trên Internet xem nguồn gốc các văn bản được ChatGPT sử dụng xem nó có độ tin cậy hay không.
Mỗi giáo viên hãy tận dụng sức mạnh của ChatGPT để giảm tải công việc văn bản hành chính ít quan trọng và mang tính lặp lại. Hãy thử trải nghiệm sử dụng
ChatGPT để soạn bản nháp đầu tiên cho đề cương học phần, viết chính sách, nội quy cho một khóa học, dự thảo mục tiêu học tập, thiết kế câu hỏi trắc nghiệm, hay soạn các biểu mẫu đánh giá… trước khi thầy cô hoàn thiện.
ChatGPT có thể hỗ trợ thầy cô trong công tác giáo viên chủ nhiệm bằng cách khởi thảo những bản nháp email cá nhân hóa về từng học trò; tư vấn chung về chiến lược học tập hay vấn đề tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, hướng dẫn vệ sinh, sức khỏe tinh thần. Hiểu đúng, sử dụng đúng, ChatGPT sẽ là cộng sự tốt của các giáo viên, giúp giảm tải áp lực công việc, hỗ trợ sự sáng tạo và tư duy của người thầy, từ đó gia tăng hiệu quả của công tác giáo dục.
* PGS.TS Trần Thành Nam hiện là Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.