Giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho HSSV: Người dẫn lối

GD&TĐ - Với vai trò đảng viên, giáo viên đóng góp quan trọng vào việc truyền bá kiến thức, đường lối của Đảng...

Thầy Võ Minh Nghĩa trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC
Thầy Võ Minh Nghĩa trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Theo ThS Võ Minh Nghĩa - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM), thầy cô không chỉ truyền đạt kiến thức, kỹ năng, mà còn là tấm gương sáng để học trò noi theo trong học tập và cuộc sống. Đặc biệt, với vai trò đảng viên, giáo viên đóng góp quan trọng vào việc truyền bá kiến thức, đường lối của Đảng, giúp học sinh hình thành niềm tin và lý tưởng cách mạng.

Nhiệm vụ chính trị quan trọng

- Xin thầy chia sẻ về tầm quan trọng của giáo dục lòng yêu nước đối với lứa tuổi học sinh?

- Thầy, cô giáo không chỉ đóng vai trò người đưa đò tri thức, mà còn phải trở thành người dẫn lối cho học sinh kiên định và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và dân tộc đã lựa chọn. Tiến lên xã hội chủ nghĩa bằng niềm tin vững chắc, gây dựng lòng tin ở thế hệ trẻ là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà mỗi thầy, cô giáo thực hiện từng giờ, từng ngày.

Thế hệ trẻ ngày nay dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố xã hội. Trong đó, thế lực thù địch luôn tìm mọi cách “diễn biến hòa bình” ngay trong tâm thức, tâm hồn của thanh thiếu niên Việt Nam. Ở độ tuổi đang phát triển, tính cách còn bốc đồng… các em dễ bị dụ dỗ.

Thế nên, việc gây dựng niềm tin, thái độ chính trị vững vàng kiên định hết sức cần thiết. Tôi luôn ý thức rõ nhiệm vụ của mình và thực hiện bằng hết khả năng, tri thức và sự sáng tạo để mang đến cho các em ý thức dân tộc, lòng tin vào Đảng và tâm thế cống hiến cho tổ chức Đảng mai này.

Hằng ngày, tôi luôn cập nhật các thông tin chính trị, kinh tế, xã hội ở các tỉnh, thành và địa phương để làm tư liệu cho học sinh. Cùng đó, bản thân luôn quảng bá, giới thiệu những điều tích cực của xã hội để các em thấy được vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong cuộc sống thường ngày.

Con đường các em đi, bầu trời hòa bình, tất cả những gì hưởng thụ từ mạng xã hội đến phương tiện công cộng đều là thành tựu của cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Giáo dục lòng yêu nước, yêu Đảng bằng những bài học xác đáng, thiết thực, mắt thấy, tai nghe sẽ khiến học sinh kiên định hơn trên con đường phấn đấu của bản thân.

nguoi-dan-loi-1.jpg
Học sinh Trường THPT Ngô Quyền (Quận 7, TPHCM) trong ngày kết nạp Đảng. Ảnh: NTCC

Làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng

- Giáo dục lịch sử là cách để khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. Vậy trong quá trình giảng dạy, thầy đã lồng ghép, tích hợp vào bài học ra sao?

- Như chúng ta biết, những năm đầu của thế kỷ trước, Việt Nam lênh đênh vô định trong sự khủng hoảng của các con đường cứu nước. Các tổ chức chính trị đảng nhỏ lẻ khắp ba miền, hoạt động rời rạc chưa có hiệu quả cao trong việc tập hợp quần chúng nhân dân.

Cho đến khi Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương để thống nhất các tổ chức Đảng thì lúc bấy giờ “tấm lưới” lịch sử Việt Nam đã chọn Đảng Cộng sản làm người dẫn dắt để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám thành công và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau gần 100 năm nô lệ. Từ thời khắc đó, niềm tin của nhân dân hướng về Đảng ngày một vững mạnh.

Câu chuyện lịch sử này như pho thần thoại của thế kỷ XX, học sinh phải được nghe, khắc ghi trong tâm thức. Là giáo viên, ngay đầu mỗi năm học, tôi luôn dành thời gian cần thiết để kể lại giai đoạn này nhằm giáo dục các em về vị trí, vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng ta từ những ngày đầu lập quốc. Sự kiện lịch sử đó như một bàn thạch làm nên cơ sở vững chắc cho niềm tin chính trị của các em về sau. Lịch sử đã qua và không thể thay đổi thì tuyệt nhiên nó cũng trở thành chân lý.

Bên cạnh đó, tôi còn sưu tầm những câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lồng ghép vào các bài dạy, đặc biệt ở môn Ngữ văn. Thực tế, nói chuyện về Bác Hồ chính là cơ sở để giáo dục các em lòng kính yêu lãnh tụ, biết ơn những thành quả mà Bác đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam suốt 79 mùa Xuân của đời mình.

Mỗi khi giảng bài cần những dẫn chứng về các tấm gương đạo đức, tôi luôn kể mẩu chuyện nhỏ về Bác để ngày qua ngày trong tư duy và tiềm thức các em hiện lên hình bóng vị cha già kính yêu của dân tộc. Hiểu Bác, yêu và kính trọng Bác cũng khiến lòng ta trong sáng hơn.

Mềm mỏng và uyển chuyển

- Định hướng, phát hiện, bồi dưỡng học sinh để có thể đứng trong hàng ngũ của Đảng là một trong những nhiệm vụ của trường phổ thông. Theo thầy, giáo viên đóng vai trò như thế nào trong công tác này?

- Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn quan sát học sinh có tiềm năng, vận động các em tham dự cuộc thi, chiến dịch tình nguyện, tham gia xét “Học sinh 3 tốt” các cấp để lưu hồ sơ và khi đủ điều kiện sẽ giới thiệu với chi bộ để xem xét theo quy định. Việc làm trên là điều thực tế mà từng giờ, từng ngày bản thân thực hiện trên bục giảng.

Giáo dục lòng yêu nước, yêu Bác Hồ và kính tin Đảng là việc gieo trồng hạt giống hòa bình, hữu nghị cho đất nước mai sau. Ngày mai của đất nước sẽ bắt đầu từ những học sinh mà hôm nay tôi giảng dạy, thế nên vì tương lai ấy, nhất định công tác giáo dục chính trị phải được thực hiện nghiêm túc bằng cả cái tâm và tầm của người giáo viên.

Đối với độ tuổi học sinh THPT, việc đưa những câu chuyện chính trị vào bài giảng thì ngoài tri thức xác thực còn cần nghệ thuật. Đó là sự tự nhiên, vui tươi và không cưỡng ép. Không nên biến tiết học thành nơi rao giảng những điều khô khan. Giáo dục chính trị cần sự mềm mỏng và uyển chuyển để làm sao các em tự mình khơi dậy được lòng yêu nước; từ đó, ý thức được trách nhiệm bản thân. Giáo dục như vậy mới là thành công.

“Từ cậu bé mang khăn quàng đỏ với tư cách đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong đến đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là một hành trình vinh dự của bản thân. Để giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống cho học sinh, trước hết người thầy là tấm gương sáng trong công việc, cuộc sống; hiểu, biết được vai trò lãnh đạo và sự phối hợp giữa chính quyền và Đảng trong thực thi công vụ của đơn vị”, ThS Võ Minh Nghĩa cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Xuân về!

Truyện ngắn: Xuân về!

GD&TĐ - Xe chòng chành qua con ngõ hẹp, đỗ xịch trước một ngôi nhà ngói ba gian cũ kĩ.