Giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho HSSV: Kết nối với truyền thống

GD&TĐ - Kết nối thế hệ trẻ với truyền thống cách mạng củng cố niềm tin vào lý tưởng cách mạng, sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản...

Hơn một năm sau khi thành lập, Câu lạc bộ Tìm hiểu Lịch sử Đảng, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã có 7 buổi sinh hoạt chuyên đề.
Hơn một năm sau khi thành lập, Câu lạc bộ Tìm hiểu Lịch sử Đảng, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã có 7 buổi sinh hoạt chuyên đề.

Đa dạng hình thức

Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, Câu lạc bộ Tìm hiểu Lịch sử Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Hà Nội tôi yêu” với hình thức hoạt động trải nghiệm tham quan Bảo tàng Hà Nội nhằm giúp học sinh có thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa của Thủ đô.

Thông qua hoạt động trải nghiệm, học sinh không chỉ được trau dồi tri thức mà còn bồi dưỡng nhiều hơn tình yêu với Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn hiến mà các em đang sinh sống, học tập.

Trần Tuấn Anh - học sinh lớp 12 Hóa 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ: Đến với Bảo tàng Hà Nội, em được hòa mình vào dòng chảy suốt hơn 1.000 năm của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, tìm hiểu về lịch sử từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long cho đến Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX.

Còn Trần Bảo Ngọc - học sinh lớp 10 Văn bộc bạch: Tham quan bảo tàng, em được tìm hiểu về Hà Nội những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp đến ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 và sau đó là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Mỗi thời kỳ lịch sử là những câu chuyện anh hùng, bi tráng mà Hà Nội đã trải qua.

Bên cạnh trang sử hào hùng của Hà Nội, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng được thỏa sức tìm hiểu về cuộc sống người Hà Nội những năm 70 của thế kỷ XX và thời bao cấp với những hình ảnh ngôi nhà trên phố cổ, Bách hóa tổng hợp hay những vật dụng quen thuộc đã gắn liền với ký ức người dân Thủ đô.

Không chỉ dừng ở đó, các bạn trẻ còn say sưa tìm hiểu về Hà Nội hiện đại, năng động, hội nhập với quốc tế. Trải qua nhiều năm tháng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và công sức của người dân Thủ đô, Hà Nội đã có nhiều đổi thay, đạt được thành tựu về kinh tế cũng như chất lượng đời sống người dân ngày càng nâng cao.

Theo cô Phan Hồng Anh - Bí thư Đoàn trường Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, buổi sinh hoạt chuyên đề “Hà Nội tôi yêu” là hoạt động chuyên đề đầu tiên được Câu lạc bộ Tìm hiểu Lịch sử tổ chức dưới hình thức hoạt động trải nghiệm đã giúp học sinh trong câu lạc bộ được trang bị thêm nhiều tri thức về lịch sử, con người, kinh tế và văn hóa của Thủ đô.

Không những vậy, buổi sinh hoạt cũng giúp các bạn trẻ cảm thấy tự hào, yêu quý về một Hà Nội hào hùng và hào hoa đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô; sẵn sàng tiếp bước các thế hệ cha ông đi trước để tiếp tục dựng xây và bảo vệ Hà Nội tốt đẹp hơn.

“Nhờ các hoạt động kết nối thế hệ trẻ với truyền thống cách mạng, học sinh được bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, củng cố niềm tin vào lý tưởng cách mạng. Việc này giúp công tác phát triển Đảng của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trong hai năm qua đạt kết quả khả quan. Nhiều học sinh bày tỏ nguyện vọng được học tập, bồi dưỡng để bước vào hàng ngũ Đảng”, cô Hồng Anh cho biết.

ket-noi-voi-truyen-thong-1.jpg
Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trong buổi sinh hoạt chuyên đề tìm hiểu về lịch sử.

Bồi đắp tình yêu với Đảng

Bên cạnh tạo nguồn kết nạp đảng thì việc phát huy vai trò của đảng viên sau khi được kết nạp là nhiệm vụ mà Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đặc biệt quan tâm. Mục tiêu của nhà trường không chỉ là tạo điều kiện để học sinh được kết nạp Đảng mà còn định hướng để các em phát huy tinh thần trách nhiệm với công tác của Đảng.

Nhà giáo Trần Thùy Dương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ: Đầu năm 2023, nhà trường thành lập Câu lạc bộ Tìm hiểu lịch sử Đảng gồm các thành viên là học sinh đã kết nạp Đảng, những học sinh là quần chúng ưu tú; tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm lan tỏa tinh thần của các đảng viên trẻ.

Hơn một năm sau khi thành lập, Câu lạc bộ Tìm hiểu Lịch sử Đảng có 7 buổi sinh hoạt chuyên đề, trong đó nổi bật là chuyên đề kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do chính quần chúng ưu tú, Đảng viên học sinh lên kế hoạch, kịch bản và sân khấu hóa, biểu diễn các tiết mục tái hiện lại bầu không khí oanh liệt, những dấu mốc hào hùng của lịch sử Đảng.

Buổi sinh hoạt chuyên đề rất thành công khi học sinh tham gia hào hứng. Các thầy, cô giáo từng được phân công để hướng dẫn học sinh tìm hiểu về lịch sử Đảng đã dần trao lại vị trí của mình cho cố vấn là đảng viên học sinh. Nhờ đó, Câu lạc bộ Tìm hiểu lịch sử Đảng trở thành môi trường học tập, trải nghiệm bổ ích, kết nối những Đảng viên trẻ đi trước và những thế hệ quần chúng ưu tú sau này.

Ngoài việc mời các đảng viên học sinh đã tốt nghiệp trở lại trường để lan tỏa tinh thần nhiệt huyết cho các thế hệ sau, Đảng ủy nhà trường còn thường xuyên theo dõi quá trình trưởng thành của các em tại trường đại học để động viên, định hướng kịp thời; giúp các em phát huy được vai trò của đảng viên trẻ.

Chia sẻ thêm về công tác phát triển đảng trong học sinh nhà trường, nhà giáo Nguyễn Thị Hiền - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, nhiều năm qua trường đã thiết kế, xây dựng chuỗi hoạt động nhằm giáo dục chính trị tư tưởng, nuôi dưỡng niềm tin, khát vọng, lẽ sống, tinh thần cống hiến cho đoàn viên, thanh niên.

Qua diễn đàn “Đảng với thanh niên, thanh niên với Đảng”, các đoàn viên thanh niên ưu tú bộc lộ tâm tư, nguyện vọng; giải đáp những thắc mắc về những quy định, quy trình, thủ tục liên quan đến công tác kết nạp Đảng, điều kiện phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đảng, từ đó nuôi dưỡng niềm tin, xây dựng khát khao hoài bão phấn đấu trở thành đảng viên.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thời gian qua, các nhà trường trên địa bàn thành phố đã chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tổ chức các chuyên đề nói chuyện, thi tìm hiểu về Đảng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, các nhà trường đã đẩy mạnh giáo dục truyền thống thông qua tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, ngày truyền thống của nhà trường; tổ chức chuyến tham quan về nguồn, di tích lịch sử văn hóa. Điều này đã hun đúc tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, yêu chủ nghĩa xã hội, củng cố niềm tin của thế hệ trẻ với sự lãnh đạo của Đảng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Việc sản xuất tiêm kích F-35 của Mỹ đang phụ thuộc rất nhiều vào đất hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mỹ đang chuẩn bị cho xung đột?

GD&TĐ - Tổng thống Trump đã áp thêm 10% thuế quan với hàng hóa từ Trung Quốc bất chấp những lo ngại sẽ ảnh hưởng đến nền công nghiệp quốc phòng Mỹ.