Không học bổng, không điện nước
Theo tờ Global Citizen, hàng chục nghìn học sinh, giáo viên, nghiên cứu sinh và các vị phụ huynh ở khoảng 27 thành phố của Brazil đã đồng loạt xuống đường biểu tình vào giữa tuần qua, nhằm phản đối kế hoạch cắt ngân sách dành cho giáo dục của chính phủ Tổng thống Jair Bolsonaro.
Kế hoạch biểu tình được Hội đồng Sinh viên quốc gia Brazil phát động sau khi Bộ Giáo dục nước này công bố sẽ cắt giảm khoảng 30% ngân sách tùy ý - vốn được dùng cho việc thanh toán những dịch vụ hỗ trợ học sinh và các khoản phí vận hành cơ sở vật chất - dựa trên chiến dịch cắt giảm ngân sách dành cho các dịch vụ công cộng do khủng hoảng tài chính hiện nay ở quốc gia Nam Mỹ này.
Việc cắt giảm này không chỉ áp dụng cho các trường đại học, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các trường trung học phổ thông, các trạm y tế trường học và các quỹ học bổng và nghiên cứu. Theo ước tính, sẽ có khoảng 3.500 phần học bổng sau đại học - tổng trị giá 12,5 triệu đô la Mỹ - bị đóng băng, và sẽ không có những khoản hỗ trợ mới cho các nghiên cứu sinh. Đại diện của Bộ Giáo dục Brazil cho biết, các học bổng sẽ chỉ được cung cấp trở lại nếu như nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục.
Dù đợt cắt giảm này nhắm vào ngân sách tùy ý, được chính phủ cho rằng không bắt buộc, nhưng nhiều yếu tố quan trọng trong đó vẫn bị ảnh hưởng. “Ngài Bộ trưởng Giáo dục nói rằng việc cắt giảm ngân sách chỉ liên quan đến hóa đơn tiền điện nước, được coi là “không bắt buộc”, nhưng một trường đại học sẽ không thể vận hành mà không có nước hoặc ánh sáng”, Celso Napolitano, Chủ tịch Liên đoàn Giáo viên Sao Paulo bức xúc chia sẻ.
Nhiều tuyến phố chính đã bị các nhóm biểu tình kiểm soát trong hàng giờ đồng hồ. Trên đường phố Sao Paulo, cô Leticia Coelho và các giáo viên khác cùng giơ cao những biểu ngữ phản đối hành động của chính phủ. “Tôi rất xúc động khi được chứng kiến tất cả những gì mọi người đang làm tại đây, nhưng cũng thật buồn khi chúng ta vẫn phải tranh đấu cho giáo dục ở năm 2019”. Cô Leticia là Giáo sư môn Lịch sử Mỹ thuật tại Trường Đại học Liên bang Sao Paulo, nơi có rất nhiều học sinh tới từ các gia đình có thu nhập thấp, nhiều em là thế hệ đầu tiên trong gia đình được tiếp cận với nền giáo dục bậc đại học.
|
Bất đồng và tương lai mù mịt
Dù việc cắt giảm ngân sách giáo dục tùy ý chỉ là một sự lựa chọn không mong muốn, nhưng Tổng thống Brazil nhấn mạnh rằng sẽ không có giải pháp thay thế khi mà chính phủ muốn hoàn tất việc cắt giảm ngân sách quốc gia. Đáng chú ý hơn, người đàn ông quyền lực nhất Brazil đã từng nhiều lần chỉ trích các trường công lập và hệ thống giáo dục của quốc gia Nam Mỹ. Qua một lần xuất hiện trực tiếp trên Facebook, vị Tổng thống này đã so sánh hệ thống giáo dục Brazil với “một ngôi nhà với mái nhà xuất sắc, nhưng lại có những bức tường mục ruỗng”, và bày tỏ chủ trương tái cơ cấu hệ thống nhằm đầu tư thêm cho giáo dục tiểu học.
“Ngài Bộ trưởng nói rằng, sinh viên chỉ biết tiệc tùng, vậy mời ngài đến đây để chứng kiến những gì chúng tôi đang tạo ra hàng ngày”, Marcus Vinicius, sinh viên 19 tuổi tại Đại học Sao Paulo, chia sẻ đầy phẫn nộ. Những lời lẽ trên nhắm đến bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Brazil, ông Abraham Weintraub, khi vị lãnh đạo này cho rằng, các trường đại học tại Brazil đang rơi vào khủng hoảng đạo đức nghiêm trọng, nhiều sinh viên tập trung thời gian cho tiệc tùng và sử dụng các chất kích thích hơn là cho việc học.
Việc bất đồng leo thang được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngành kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này. Bộ trưởng Bộ Kinh tế, ông Paulo Guedes, đã giảm mức tăng trưởng kì vọng từ 2,2 xuống còn 1,5% và kêu gọi những nhà luật pháp phải thực hiện cải cách càng sớm càng tốt, trong tình cảnh mà đất nước đang rơi “xuống đáy giếng”.
Các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo về một tương lai đen tối cho quốc gia đông dân thứ 6 thế giới. “Chúng ta đang có một nền kinh tế trì trệ, những đường phố tê liệt và một Quốc hội với tín nhiệm sụt giảm ở mức đáng lo ngại. Đây là những cảnh báo xác thực nhất cho sự sụp đổ của một chính phủ ở khu vực châu Mỹ Latinh”, nhà khoa học chính trị Claudio Couto cảnh báo - “Tất cả những gì còn thiếu vào lúc này là một vụ bê bối có liên quan đến chính phủ”.
Tín nhiệm của ông Bolsonaro cũng đã sụt giảm ngay từ những tháng đầu của nhiệm kì Tổng thống, khi mà tỉ lệ thất nghiệp gia tăng cùng sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp đã không được thay đổi đúng như những gì vị Tổng thống 64 tuổi đã cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình. Và với tình hình đất nước hiện tại, rất có thể tình trạng trên sẽ tiếp tục diễn ra với mức độ trầm trọng gia tăng.