UNESCO: Xe buýt chở kiến thức thay đổi cuộc đời trẻ nhỏ

GD&TĐ - Tại nhiều nơi trên thế giới, các tổ chức phi lợi nhuận đã xây dựng thư viện, trường học trên xe buýt “chở” kiến thức đi khắp nơi, tới những trẻ nhỏ sống trong hoàn cảnh khó khăn.

Trẻ em tại thư viện trên xe buýt ở Afghanistan
Trẻ em tại thư viện trên xe buýt ở Afghanistan

Từ xe buýt thư viện...

Mỗi tuần, hai chiếc xe buýt màu xanh chứa đầy sách dành cho trẻ em lại di chuyển trên đường phố Kabul (Afghanistan), tránh những khu vực thường xảy ra các vụ tấn công.

Thư viện di động này là kế hoạch của tổ chức phi lợi nhuận Charmagh. Chúng dừng lại ở những trường học tại nhiều khu vực khác nhau của thành phố, cung cấp tài liệu cho trẻ nhỏ - những người hiếm khi được đọc sách.

“Rất nhiều trường học trong thành phố của chúng tôi không có thứ cơ bản như thư viện. Chúng tôi đã suy nghĩ về những việc có thể làm để thúc đẩy tư duy phản biện ở đất nước này”, Freshta Karim (27 tuổi), cựu SV Trường Đại học Oxford, người được truyền cảm hứng để thành lập Charmaghz tại Afghanistan - quê nhà cô.

Ở một số thành phố, xe buýt đang trở thành công cụ vận chuyển, giúp đưa sách đến với những người có nhu cầu. Nhờ vậy, phương tiện công cộng này đang được nâng cấp để không chỉ truyền bá niềm vui đọc sách, mà còn để giáo dục và cải thiện cuộc sống.

Theo thống kê của UNESCO, Afghanistan là một trong những quốc gia có tỷ lệ biết chữ thấp nhất thế giới, khi chỉ 3/10 người trưởng thành có thể đọc. Phần lớn các trường công lập ở Kabul không có thư viện, còn thư viện thành phố lại không cung cấp nhiều sách cho trẻ em.

Đối với Freshta Karim, xe buýt là một cách hiệu quả và tiết kiệm để mang sách tới trẻ em. “Charmarghz thuê xe buýt từ một công ty nhà nước. Chúng tôi đến các trường học trong khu vực và cố gắng dừng lại bên trong khu dân cư thay vì trên đường phố chính - nơi thường xảy ra các vụ nổ”, Karim cho biết.

Karim chia sẻ, tổ chức phi lợi nhuận này được tài trợ bởi các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Charmarghz đang khởi động chiếc xe buýt thứ ba để có thể hoạt động như một rạp chiếu phim di động.

Mỗi ngày, có tới hơn 600 trẻ em tại Kabul ghé thăm xe buýt của tổ chức này để đọc, tương tác với nhau và chơi trò chơi. “Bọn trẻ thường rất phấn khích. Một trong những thách thức lớn nhất của chúng tôi là có rất nhiều trẻ em muốn vào xe buýt, nên chúng tôi không thể để tất cả các em cùng tới trong một ngày”, Karim nói.

...Tới xe buýt trường học và thư viện tại trạm xe buýt

Tại thành phố Tijuana (Mexico), một chiếc xe buýt của tổ chức “Yes We Can World” cũng được biến thành một ngôi trường di động. Chiếc xe này chủ yếu hỗ trợ những trẻ em di cư đến từ các quốc gia như Honduras và El Salvador.

Bà Estefania Rebellon, người sáng lập tổ chức cho biết: “Lý do chúng tôi quyết định đặt ngôi trường di động đầu tiên tại đây vì Tijuana là một điểm đến của người di cư, khi hàng nghìn người vẫn tới đây với hy vọng có thể xin tị nạn”.

Chia sẻ về ý tưởng này, Rebellon cho biết, đã được truyền cảm hứng sau khi làm tình nguyện viên tại một trại tị nạn ở Tijuana. “Tôi thấy những đứa trẻ chạy nhảy khắp nơi với bàn chân trần, cơ thể suy dinh dưỡng và không có gì khác để làm. Bởi vậy, chúng tôi cần một giải pháp nhanh chóng trước vấn đề cấp bách này”.

Từng là một người di cư khi gia đình đi khỏi Colombia để tới Mỹ, Rebellon bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với những em nhỏ tị nạn tại Mexico. “Họ không thể làm việc, không thể thuê một nơi ở và vì vậy, những đứa trẻ không thể tới trường”.

Ngoài việc được học những kỹ năng đọc, viết cũng như các môn Toán, Khoa học, trẻ em tại trường học di động còn được hỗ trợ về mặt cảm xúc để có thể vượt qua những thách thức trong cuộc sống.

“Chúng tôi cố gắng trang bị cho các em những công cụ cần thiết trong mỗi tình huống. Chúng tôi nói về những gì phù hợp với trẻ em cũng như câu chuyện của mỗi cá nhân, bởi có rất nhiều hành vi lạm dụng tình dục đối với trẻ em trên hành trình di cư của chúng”, bà Rebellon nói.

Đến với ngôi trường này, các em nhỏ sẽ được cung cấp những cuốn truyện kể về di cư và cả đồng phục, ba lô cùng đồ dùng học tập. Bên cạnh 45 HS tại trường, sắp tới, 30 người học khác cũng sẽ đăng ký vào cơ sở GD đặc biệt này.

Với thành công đạt được, Yes We Can đang gây quỹ để tạo ra một trường học di động thứ hai. “Bạn có thể cảm nhận được sự thay đổi ở các em nhỏ theo từng ngày. Bọn trẻ thực sự cảm thấy an toàn khi tới môi trường này”, bà Rebellon chia sẻ.

Không chỉ xe buýt được biến thành thư viện, ở thành phố Tel Aviv (Israel), một trạm xe buýt rộng lớn đã trở thành trung tâm văn hóa và thư viện chứa khoảng 60.000 cuốn sách Yiddish (ngôn ngữ lịch sử của người Do Thái).

Thư viện này được điều hành bởi Mendy Cahan, một diễn viên kiêm ca sĩ có tình yêu đặc biệt với ngôn ngữ Yiddish. Vì vậy, Cahan đã đưa các tuyển tập từ thơ, văn xuôi, sách khoa học và báo chí Yiddish vào thư viện.

Mendy Cahan bắt đầu bộ sưu tập của mình sau khi nhận thấy, việc tìm được một cuốn sách Yiddish trong các nhà sách là vô cùng khó khăn. Không lâu sau, ông quyết định thành lập Yung Yiddish - một tổ chức phi lợi nhuận để bảo tồn văn hóa Yiddish. Trạm xe buýt là một trong những không gian phù hợp và đủ chỗ để chứa hết các cuốn sách của Cahan.

Bên cạnh đó, thư viện tại trạm xe buýt này cũng là nơi tổ chức các sự kiện, buổi hòa nhạc và những lớp học ngôn ngữ, thu hút du khách từ một bộ phận cộng đồng ở Israel.

“Từ những người mặc trang phục truyền thống Hasidim đến những người trẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ hoặc người đến từ cộng đồng LGBT đều đến với thư viện. Họ thích nơi này và bị thu hút theo những cách khác nhau”, ông Cahan nói.

Với âm thanh ồn ào của xe buýt, ông Cahan thừa nhận rằng, đây là một địa điểm khá lạ để trở thành thư viện. Tuy nhiên, đối với ông, sự nhộn nhịp xung quanh là một điều tích cực.

“Tôi cảm thấy nhịp đập đô thị đến từ những chiếc xe buýt và khách du lịch. Họ mang lại một khía cạnh khác của sự trải nghiệm”, người sáng lập Yung Yiddish bày tỏ.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ