Hướng dẫn học sinh trở thành người đọc hiệu quả

GD&TĐ - Thạc sĩ Huỳnh Văn Thế (Trường THPT Mang Thít - Vĩnh Long) chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn học sinh trở thành người đọc hiệu quả.

Hướng dẫn học sinh trở thành người đọc hiệu quả

Giúp học sinh nghiên cứu và trình bày bài học

Thạc sĩ Huỳnh Văn Thế cho rằng, hướng dẫn học sinh (HS) trở thành người nghiên cứu và trình bày bài học là một trong những biện pháp nâng cao năng lực tự học.

Cách thức thực hiện như sau: Giáo viên (GV) chọn bài học hay, khó, bài học có vấn đề (một học kì chỉ nên chọn 2 bài, nếu lớp 12, chú ý nhiều những bài trong cấu trúc đề thi). Sau đó, GV phân nhóm (mỗi nhóm tối đa 4 HS), hướng dẫn vấn đề thực hiện, giới thiệu sách tham khảo, trang web tham khảo.

Với nhóm thực hiện vấn đề, GV phân công người trình bày qua phiên trình chiếu powerpoint (số lượng slide, cỡ chữ, màu nền). Cuối cùng, sau khi HS trình bày, GV nhận xét, giảng bình thêm vấn đề.

Ví dụ, thực hiện bài "Đất Nước" (Nguyễn Khoa Điềm): Theo phân phối chương trình, văn bản "Đất Nước" được học vào tuần thứ 10.

Vào tuần thứ 5, GV phân nhóm thực hiện tìm hiểu bài học. Nhóm 1: Giới thiệu những vấn đề về tác giả, tác phẩm; nhóm 2: Đất nước gần gũi, gắn bó máu thịt với con người Việt Nam qua "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi... Đất Nước có từ ngày đó"; 

Nhóm 3: Đất nước gắn bó với không gian, thời gian, văn hóa qua "Đất là nơi anh đến trường... Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ"; nhóm 4: Đất nước gắn bó cái riêng và cái chung, bảo vệ đất nước qua "Trong anh và em hôm nay... Làm nên Đất Nước muôn đời";...

Các trang web HS nên tham khảo: youtube.com; baigiang.violet.vn; kenhtrithuc.com với từ khóa "đất nước", "Nguyễn Khoa Điềm". Và HS cũng nên tham khảo những bài thơ hay, bài hát hay về đất nước (Đất nước của Nguyễn Đình Thi,... Đất nước của Phạm Minh Tuấn). HS trình chiếu bài học, GV nhận xét.

Hướng dẫn tiếp cận tác phẩm ngoài chương trình SGK

Thạc sĩ Huỳnh Văn Thế cho rằng, đọc thêm những tác phẩm ngoài SGK giúp HS nâng cao kiến thức, thêm yêu văn chương, có thói quen đọc sách.

Điều khó khăn là lớp học ở các trường công lập từ 35 đến 45 HS, nghĩa là cũng ngần ấy những quyển sách. Thế nhưng, thư viện không có sách cần, nếu có, cũng không đủ cho 1 lớp học.

Thầy Thế đã giải quyết bằng cách tổ chức thư viện di động (HS góp sách, đọc xoay vòng), vận động HS mua sách. Để có thể đọc sách hiệu quả, GV giới thiệu 4 quyển sách đọc trong năm.

Muốn giúp HS thành người đọc hiệu quả, GV là người chọn tác phẩm (chọn sách). Tiêu chí chọn sách: Sách giúp HS đọc trọn vẹn tác phẩm trong nhà trường, mở rộng kiến thức về cảm thụ, lí luận cho văn bản cần đọc hiểu. 

Sách giúp HS hiểu hơn về phong cách nhà văn. Hoặc sách giúp người học bồi dưỡng tình cảm, niềm tin, hi vọng... Lưu ý, sách phải phù hợp tâm lí, lứa tuổi HS.

Tiếp theo, GV giới thiệu sách cho HS. Có thể giới thiệu sách ở buổi sinh hoạt đầu tuần, trong buổi học, trong giờ sinh hoạt ngoại khóa, giờ sinh hoạt chủ nhiệm bằng các hình thức: Nói trực tiếp, trình chiếu hoặc qua mạng.

Giới thiệu sách là để thu hút HS tìm đến sách. Cũng có thể biến quyển sách thành bài tập. GV ra yêu cầu cho HS để nhằm đảm bảo HS phải đọc sách. Để rèn kĩ năng làm văn, GV yêu cầu cách viết, hình thức, dung lượng và thời gian thực hiện bài viết.

Sau khi HS đọc, GV tổ chức các buổi tọa đàm, câu lạc bộ văn học, xem phim (những tác phẩm HS đọc đã chuyển thành phim). Lưu ý khuyến khích tính điểm cho cá nhân tích cực.

Thầy Thế chia sẻ: Năm học 2012 - 2013, tôi hướng dẫn nhóm ôn thi HS giỏi góp sách, đọc xong, tập họp trao đổi cho bạn khác đọc.

Đọc xong, tôi tổ chức buổi ngồi chia sẻ, thảo luận sách. Việc đọc sách góp phần nâng cao kết quả HS giỏi tỉnh môn Ngữ Văn 23giải/38 HS thi, đạt 60.5%, cao nhất của trường từ trước đến nay.

Năm học 2013-2014, tôi hướng dẫn học sinh lớp 12.3 và 12.11 đọc Abraham Lincol trong "Gương danh nhân" của Nguyễn Hiến Lê, quyển "Mãi mãi tuổi hai mươi" của Nguyễn Văn Thạc, "Nhật kí Đặng Thùy Trâm" của Đặng Thùy Trâm, "Một lít nước mắt" của Kito Aya, "John đi tìm Hùng" của Trần Hùng John.

Những vấn đề tôi đặt ra: Điều gì làm Abraham Lincol trở thành con người huyền thoại? Tình yêu cuộc sống, tình yêu con người của Kito Aya trong "Một lít nước mắt"? Vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam trong những năm chống Mĩ qua "Mãi mãi tuổi hai mươi" và "Nhật kí Đặng Thùy Trâm"?

Những vẻ đẹp và những thói xấu của con người Việt Nam qua cách nhìn của Trần Hùng John? Nếu em trở thành cha mẹ/ thành nhà quản lí giáo dục, em sẽ dạy cho thế hệ người Việt trẻ những gì để thay đổi những điều xấu ấy?

Thầy Thế cũng cho biết, mình thường tổ chức các tiết học mở rộng không gian văn hóa, sử dụng phương pháp chính: Giảng, bình, trực quan, phát vấn. Người dạy gợi mở để HS trình bày tốt hơn. Phương pháp thảo luận nhóm được thực hiện lúc HS chuẩn bị bài học.

Phương pháp chính được sử dụng là phương pháp trực quan. Trong đó có những sự vật, hình ảnh gợi văn hóa Nhật. Hình ảnh được sử dụng đúng mức, đúng lúc sẽ giúp HS dễ thâm nhập vào bài thơ.

“Kết quả, 100% HS là người nghiên cứu bài học và tham gia tích cực vào bài học” - Thầy Thế cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ